Khai thông bế tắc

Bế tắc trên chính trường Israel đã được khai thông sau khi Thủ tướng B.Netanyahu và đối thủ của ông, lãnh đạo đảng Xanh-Trắng B.Gantz, đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh khẩn cấp. Động thái này mở lối thoát cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm qua tại Israel.

Sau hơn một năm hoạt động của chính phủ lâm thời và tiến hành ba cuộc bầu cử liên tiếp, hai chính đảng lớn ở Israel mới chịu nhượng bộ lẫn nhau để có thể tuyên bố thành lập một chính phủ liên minh. Theo đó, quyền đứng đầu chính phủ sẽ được chia cho hai nhà lãnh đạo hai chính đảng. Ông B.Netanyahu tiếp tục giữ chức thủ tướng cho tới tháng 10-2021 và sau đó, ông B.Gantz tiếp quản chức vụ này trong 18 tháng tiếp theo. Trong thời gian chính quyền ông B.Netanyahu điều hành, ông B.Gantz sẽ đảm đương chức Bộ trưởng Quốc phòng và nhân vật số hai trong đảng Xanh-Trắng G.Ashkenazi sẽ làm Bộ trưởng Ngoại giao. Đảng Xanh-Trắng sẽ nắm quyền quản lý Bộ Tư pháp, Bộ Truyền thông và Văn hóa. Đảng Likud của Thủ tướng B.Netanyahu sẽ nắm Bộ Tài chính và Bộ Công an, đồng thời đảm nhận vị trí Chủ tịch Quốc hội. Chính phủ mới sẽ gồm 36 bộ trưởng (tăng thêm bốn người so với dự kiến trước đó) và có 14 thứ trưởng, trở thành một trong những chính phủ lớn nhất trong lịch sử Israel.

Việc đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ đã tránh cho Israel phải tổ chức cuộc bầu cử thứ tư và tập trung cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang hoành hành. Để có được thỏa thuận này, lãnh đạo đảng Xanh-Trắng B.Gantz, cựu Tham mưu trưởng quân đội Israel, người theo đường lối ôn hòa hơn, đã phải nhượng bộ trước đối thủ là Thủ tướng tạm quyền B.Netanyahu. Từng kiên quyết không chấp nhận liên minh với đảng Likud bởi lãnh đạo đảng Likud là đương kim thủ tướng đang vướng vào vòng lao lý, song ông B.Gantz đã chấp thuận đàm phán sau khi ông được tổng thống R.Rivlin chỉ định đứng ra thành lập chính phủ. Kết quả đàm phán giúp ông B.Netanyahu có thêm thời gian tại nhiệm và có nhiều không gian hơn để giải quyết các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. Quyền hạn này cũng có thể cho phép ông lùi thời điểm tòa án bắt đầu quá trình truy tố ông, dự kiến diễn ra từ ngày 24-5 tới.

Mặc dù ông B.Netanyahu được phép bước vào nhiệm kỳ thứ năm với tư cách là thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử hiện đại của nhà nước Israel, song thực tế cục diện chính trường nước này đã có những thay đổi. Từ nay, mọi quyết định về đối nội và đối ngoại đều phải có sự nhất trí và bị chi phối bởi các thành viên của cả hai chính đảng vốn nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ.

Chính phủ mới của Israel cũng sẽ phải đối mặt không ít thách thức trong việc phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp hiệu quả cho cuộc chiến chống dịch Covid-19, đồng thời phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã lên mức 25%, tăng mạnh so tỷ lệ thất nghiệp chỉ gần 4% trước đại dịch. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Israel sẽ suy thoái 6,3% trong năm nay và chưa thể phục hồi như mức trước khi đại dịch bùng phát cho đến năm 2022.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề đối ngoại được quốc tế quan tâm mà Chính phủ mới của Israel sẽ phải đưa ra các bước giải quyết là cuộc xung đột với Palestine. Thủ tướng Palestine M.Shtayyeh đã chỉ trích động thái thành lập chính phủ mới của Israel, cho rằng thỏa thuận này sẽ phá hủy mọi hy vọng hòa bình và việc tìm kiếm một giải pháp hai nhà nước. Liên hiệp châu Âu (EU) đã khuyến cáo ông B.Gantz không chấp thuận kế hoạch của Thủ tướng B.Netanyahu về việc sáp nhập các vùng đất thuộc khu Bờ Tây, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, trong đàm phán thành lập chính phủ liên minh. EU phản đối mạnh mẽ bất kỳ bước đi đơn phương nào về mở rộng chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây, đồng thời cảnh báo, làm như vậy sẽ hủy hoại mối quan hệ của Israel với EU. Tuy nhiên, theo thỏa thuận thành lập liên minh, ông B.Netanyahu và ông B.Gantz đã thống nhất tiến hành các bước sáp nhập các phần lãnh thổ tại Bờ Tây kể từ đầu tháng 7-2020, một động thái chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế.

Một chính phủ mới được thành lập sẽ giúp Israel thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, tạo điều kiện để tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, chính phủ đoàn kết ở Israel cũng phải đối mặt không ít thách thức khi giữa các đảng phái tồn tại những bất đồng.

BẢO HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44210802-khai-thong-be-tac.html