Khai thông điểm nghẽn tạo sức bật xây dựng Chính quyền điện tử

PTĐT - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: 'Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công.

Cán bộ Bộ phận Một cửa điện tử huyện Tân Sơn hướng dẫn người dân tạo tài khoản và đăng ký nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến.

Cán bộ Bộ phận Một cửa điện tử huyện Tân Sơn hướng dẫn người dân tạo tài khoản và đăng ký nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến.

>>> Kỳ I: Cầu nối chính quyền, người dân thời 4.0PTĐT - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: "Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công. Chúng ta không bàn lùi, không vì những khó khăn mà không triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử”. Trong giai đoạn hiện nay cần có những giải pháp bứt phá hơn nữa với phương châm xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và bảo đảm không một ai bị bỏ lại phía sau, có như vậy Chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ điện tử, Chính phủ số mới thực sự thành công trong thời gian tới.Kỳ II: Tạo nền tảng “vươn mình” bứt phá
Dịch vụ công khó “trực tuyến”, người dân chưa mặn mà
Tại huyện Thanh Thủy, mặc dù đã đưa Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và Một cửa điện tử vào sử dụng, tuy nhiên việc thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 của người dân còn thấp, đến hết ngày 25/12/2020 chỉ đạt gần 5% so với tổng số TTHC tiếp nhận, giải quyết.Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: Mặc dù tỷ lệ giải quyết TTHC đúng và trước hạn của huyện đạt 98,5%, song việc tiếp nhận và giải quyết TTHC qua hình thức trực tuyến vẫn còn hạn chế. Hiện nay, mới chỉ có lĩnh vực BHXH, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội… đã thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC qua DVCTT mức độ 3, 4, còn lại các lĩnh vực khác cơ bản vẫn thực hiện ở mức độ 2. Ông Cường cho biết: Việc thực hiện DVCTT ở một số lĩnh vực như Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường còn nhiều bất cập do thành phần hồ sơ phức tạp, nhiều dữ liệu không thể quét qua máy scan, thậm chí phải đối chiếu với hồ sơ gốc. Trong khi đó, một số lĩnh vực phát sinh nhiều hồ sơ TTHC như cấp đổi chứng minh nhân dân do ngành Công an thực hiện thì chưa tích hợp vào hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nên chủ yếu vẫn tiếp nhận hồ sơ trực tiếp.Tại huyện Phù Ninh, đến hết ngày 25/12/2020 mới chỉ có 2/17 xã, thị trấn có phát sinh hồ sơ DVCTT. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ TTHC, cán bộ luôn nỗ lực hỗ trợ người dân tối đa để họ có thể tiếp cận, sử dụng DVCTT. Tuy nhiên, người dân không phải ai cũng có thể thích ứng nhanh với công nghệ mới nên còn tâm lý e ngại sử dụng. Theo số liệu của Văn phòng UBND tỉnh, tổng số TTHC ở cả 3 cấp trên địa bàn tỉnh là 1.953 thủ tục, trong đó có 928 thủ tục mức độ 3, 529 thủ tục mức độ 4. Đến hết ngày 25/12/2020, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa UBND cấp huyện, cấp xã là 19.808/826.600 hồ sơ tiếp nhận (chiếm 2,39%); hiện chỉ có 29/225 xã đã phát sinh hồ sơ trực tuyến. Như vậy có thể thấy rất nhiều DVCTT được các ngành, địa phương cung cấp nhưng không phát sinh hồ sơ, nghĩa là người dân, doanh nghiệp không sử dụng các DVCTT này.Theo ông Nguyễn Xuân Long - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Một số lĩnh vực như đăng ký kinh doanh, BHXH, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký hộ tịch, cấp giấy phép lái xe, giáo dục, y tế… vẫn sử dụng các phần mềm chuyên ngành riêng; việc triển khai kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương còn nhiều bất cập, chưa thực hiện được, gây khó khăn trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân và quá trình kiểm tra, giám sát, đôn đốc đối với các lĩnh vực này. Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 3/225 đơn vị cấp xã đã được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại; nhiều xã vẫn chưa bố trí được phòng riêng cho Bộ phận một cửa, trang thiết bị còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu gây khó khăn trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc và TTHC cho người dân.Trong khi đó, do thói quen dùng giấy tờ, trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị CNTT của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khu vực nông thôn; tâm lý đều muốn đi làm trực tiếp, gặp trực tiếp cán bộ, công chức để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên chưa mấy “mặn mà” trong việc ứng dụng CNTT trong gửi nhận hồ sơ, TTHC dẫn đến hiệu quả mang lại từ việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân còn chưa cao.

Cán bộ Bộ phận Một cửa điện tử huyện Thanh Ba hướng dẫn người dân tra cứu danh mục TTHC có thể giải quyết qua DVCTT.

Cán bộ Bộ phận Một cửa điện tử huyện Thanh Ba hướng dẫn người dân tra cứu danh mục TTHC có thể giải quyết qua DVCTT.

Bà Trần Thị Thu Hằng - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Ba chia sẻ: Nhiều người dân cho rằng, các ứng dụng CNTT, đặc biệt là DVCTT hiện nay dễ tiếp cận nhưng để sử dụng thì lại chưa thuận tiện, vì nhiều thao tác vẫn còn phải thực hiện bằng phương pháp thủ công. Chẳng hạn, khi điền thông tin mẫu tờ khai và đính kèm các giấy tờ liên quan để nộp hồ sơ trực tuyến, người dân phải thực hiện scan dữ liệu. Với những nơi không có máy scan thì không thể thực hiện được. Hay khi tải lên hệ thống các giấy tờ gốc, người dân bắt buộc phải đi công chứng, còn khi đi giải quyết trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị, người dân chỉ phải trình văn bản gốc để cán bộ xác thực rồi được trả lại, không tốn thời gian.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn, hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng, khai thác các hệ thống điều hành điện tử tại huyện Thanh Ba.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn, hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng, khai thác các hệ thống điều hành điện tử tại huyện Thanh Ba.

Tạo nền tảng "vươn mình" bứt phá “Vấn đề mấu chốt đặt ra trong xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số là phải hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, nền tảng tích hợp, kết nối các ứng dụng, hệ thống thông tin của tỉnh. Cùng với đó đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực quản lý, kinh tế - xã hội, chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin đồng bộ, hiện đại. Chỉ khi người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, trao đổi thông tin và hài lòng khi thực hiện DVCTT, thì khi ấy xây dựng Chính quyền điện tử mới thực sự thành công” - ông Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định.Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập Đinh Hải Nam cho biết: Với đa số người dân là đồng bào dân tộc nên để người dân không chỉ tiếp cận mà dần làm quen với việc sử dụng DVCTT, UBND huyện đã chỉ đạo Bộ phận Một cửa điện tử thường xuyên cử cán bộ trực, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ khi đến giải quyết TTHC. Ban đầu là để người dân biết đến dịch vụ công và dần dần thao tác thành thạo hơn. Cùng với đó, lựa chọn một số thủ tục dễ thực hiện, phát sinh nhiều hồ sơ như cấp đổi bằng lái xe, thẻ BHYT… để hướng dẫn người dân tạo tài khoản và đăng ký nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến.

Thực hiện gửi nhận văn bản điện tử tại xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ.

Thực hiện gửi nhận văn bản điện tử tại xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ.

Để đảm bảo thuận tiện cho việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, ông Vũ Thành Lâm - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Chúng tôi đặc biệt chú trọng việc rà soát, đề xuất cắt giảm các TTHC đảm bảo dễ thực hiện khi giải quyết trên môi trường mạng. Trong số 124 TTHC của Sở đưa vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công có 120 thủ tục được thực hiện ở mức độ 3, 4. Xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu là đặc biệt quan trọng, Sở tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp, cơ sở dữ liệu công chứng, triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu hộ tịch liên kết trong toàn tỉnh và đã kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp số định danh cho công dân thực hiện đăng ký khai sinh từ 14 tuổi trở xuống, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và giải quyết TTHC cho người dân.Tuy nhiên, để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong xây dựng Chính quyền điện tử cần cả quá trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi phải có lộ trình và bước đi phù hợp cho từng giai đoạn. Trong lộ trình tiếp theo, tỉnh cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu Quốc gia và các Bộ, ngành Trung ương để đảm bảo các điều kiện kỹ thuật vận hành Chính quyền điện tử; đảm bảo 100% các xã, phường thị trấn được cung cấp chữ ký số thực hiện các giao dịch điện tử.Đồng thời, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC để kịp thời tích hợp, chuẩn hóa TTHC trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, đáp ứng hiệu quả của DVCTT mức 3, 4, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khai thác và sử dụng hiệu quả Cổng Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh.Điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là thay đổi thói quen của người dân trong thực hiện TTHC trực tiếp, song phải làm từng bước, trong đó chú trọng thành lập các tổ tuyên truyền tới tận các xã, thị trấn, tích cực hướng dẫn người dân thực hiện theo hướng "cầm tay chỉ việc"; đồng thời tiếp tục cải tiến, nâng cấp Cổng DVCTT, các ứng dụng CNTT phục vụ người dân theo hướng dễ thao tác, thực hiện, gần gũi với người dân. Xây dựng Chính quyền điện tử với mục tiêu cốt lõi là để phục vụ tốt nhất nhu cầu của mọi người dân, song thực tế hiện nay vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" làm cho việc thực hiện chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhiệm vụ này rất cần sự đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm cụ thể hóa của các cấp, ngành và địa phương.

Lệ Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/202012/khai-thong-diem-nghen-tao-suc-bat-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu-174633