Khai thông sông Cổ Cò, đánh thức tiềm năng vùng giáp ranh

Sông Cổ Cò mấy trăm năm trước là tuyến hàng hải quan trọng, góp phần làm nên một thương cảng Hội An sầm uất.

Sông Cổ Cò nối từ Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đến cửa Hàn thành phố Đà Nẵng tên gọi trước đây là Lộ Cảnh Giang. Nơi đây một thời thuyền buồm đi về tấp nập, trên bến dưới thuyền. Sông Cổ Cò trở thành đường thủy quan trọng thuận tiện nhất giữa Đà Nẵng và Hội An. Sự bồi lấp của sông Cổ Cò từ cuối thế kỷ XIX đã làm cho con sông này chỉ còn một đoạn ngắn. Phương án nạo vét sông Cổ Cò đang được chính quyền cùng các ngành chức năng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam gấp rút triển khai.

Một đoạn sông đã được nạo vét.

Một đoạn sông đã được nạo vét.

Sông Cổ Cò mấy trăm năm trước là tuyến hàng hải quan trọng, góp phần làm nên một thương cảng Hội An sầm uất. Tuy nhiên, qua thời gian, do sự biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng, sông dần bị bồi lấp và không còn thông suốt như trước kia. Ông Phạm Quang Cường, ở Khối phố Hà My Tây, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, hồi ông còn làm Bí thư Đảng ủy xã Điện Dương cũng đã từng nghe bàn về việc nạo vét sông Cổ Cò. Nhưng lúc ấy, tiềm lực kinh tế của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) hạn chế nên đành gác lại.

Ông Cường cho rằng, nếu sông Cổ Cò được nạo vét thì đó là điều đáng mừng: “Nếu dòng sông này được khơi thông thì sẽ là điều kiện tốt để phát triển du lịch vì gắn với 2 thành phố là Đà Nẵng và Hội An. Tôi thấy rằng, việc khai thông dòng sông này là cần thiết. Tôi cũng mong muốn rằng,, những hộ dân xung quanh có dự án đi qua nên ủng hộ để dự án sớm triển khai hoàn thành càng sớm càng tốt”.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (đội mũ cối) đề nghị bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân vùng dự án.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (đội mũ cối) đề nghị bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân vùng dự án.

Sông Cổ Cò trước đây mang dáng dấp một đầm phá. Đây là dạng địa hình rất đặc trưng của miền Trung. Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có phá Tam Giang và đầm Cầu Hai. Ở Quảng Nam, phía Bắc có sông Cổ Cò, phía Nam có sông Trường Giang. Sông Cổ Cò nối cửa Hàn với cửa Đại và sông Trường Giang nối cửa Đại với Cửa Lở.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết, vào năm 1933, chính quyền lúc đó cho xây dựng hệ thống ngăn mặn ở vùng xâm nhập mặn này. Khi xây dựng các đập ngăn mặn trên sông (phía tỉnh Quảng Nam xây đập Đế Võng và đập Hà My) tạo thành hồ nước ngọt ở giữa. Hồ nước ngọt này cung cấp nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ một vụ rất bấp bênh, nhờ có các đập này làm cho sản lượng nông nghiệp tăng lên.

Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết, nếu khơi thông được sông Cổ Cò thì cả một vùng rộng lớn nối Đà Nẵng với Hội An sẽ phát triển rất mạnh: "Trước đây do đắp đập 2 đầu nên không lưu thông được. Phần ở giữa sông, tức đoạn qua phường Điện Ngọc, Điện Dương bị bồi lấp luôn. Bây giờ vừa khơi thông, vừa mở tất cả các đập lại, trả lại cho hệ sinh thái cũ vốn có. Đó là một việc làm rất đúng đắn về sinh thái và điều quan trọng nữa là phát triển được kinh tế cho cả vùng rộng lớn từ phía Nam thành phố Đà Nẵng cho đến Hội An”.

Đoạn sông Cổ Cò chảy qua địa bàn PT Đà Nẵng.

Đoạn sông Cổ Cò chảy qua địa bàn PT Đà Nẵng.

Dự án nạo vét sông Cổ Cò dài 28km được thực hiện bởi 2 dự án gồm: Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, thành phố Hội An dài 14km, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng và Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (từ nguồn vốn vay ADB) với tổng vốn đầu tư 88,5 triệu USD.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc triển khai Dự án nạo vét sông Cổ Cò thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương. Vấn đề còn lại là sẽ nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và hạn chế đến mức thấp nhất những bất cập từ dự án này.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (thứ ba từ trái sang) đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp tối ưu nhất để triển khai dự án.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (thứ ba từ trái sang) đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp tối ưu nhất để triển khai dự án.

Theo ông Lê Trí Thanh, trước mắt cần tập trung rà soát lại toàn bộ hạ tầng hai bên sông như: Cầu qua sông, phát triển đô thị hai bên sông, đánh giá tác động môi trường: “Về phía tỉnh Quảng Nam, chúng tôi cũng đã giao nhiệm vụ cho các ngành, các địa phương về việc tổng rà soát lại toàn bộ 19km về quy hoạch hạ tầng kiến trúc, khai thác dọc toàn tuyến 19 km này như thế nào, và căn cứ vào rà soát quy hoạch đó có thể chúng tôi điều chỉnh giảm bớt hoặc tăng thêm một số công trình tiện ích công cộng khác để đảm bảo toàn tuyến sau này đưa vào khai thác là tuyến có giá trị kinh tế, văn hóa cao nhất”.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, đây là dự án có mục tiêu kép, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho cả tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Cả 2 địa phương đã thống nhất thời gian khớp nối, thông luồng toàn tuyến sông Cổ Cò trước tháng 9/2020./.

Hoài Nam/ VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khai-thong-song-co-co-danh-thuc-tiem-nang-vung-giap-ranh-992814.vov