Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip tiện lợi nhưng vẫn chậm triển khai
Việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn giúp giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế song việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ.
Sau 2 tuần thực hiện, việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ sở y tế, song việc triển khai vẫn chậm.
Nhanh gọn
Sáng 14.3, chị Vũ Thị Huyên (ở xã Ngọc Sơn, TP Hải Dương) đến Trung tâm Y tế thành phố đăng ký khám chữa bệnh BHYT. Khác với những lần đi khám bệnh trước đó phải mang theo nhiều loại giấy tờ, lần này chị chỉ mang CCCD gắn chip. "Nhân viên y tế dùng CCCD của tôi quét qua đầu đọc và chỉ trong 1-2 phút tôi đã được hướng dẫn đi khám bệnh", chị Huyên nói.
Bước ra khỏi khu vực đăng ký khám chữa bệnh BHYT, ông Đinh Văn Bẩy (cũng ở TP Hải Dương) chia sẻ: "Rất nhanh gọn, không phải đứng đợi nhân viên y tế tra cứu thông tin, hỏi han, đối chiếu giấy tờ, xem mặt như trước".
Ngày 4.3, Sở Y tế có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT triển khai thí điểm khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đây là bước tiến quan trọng nhằm hướng tới nền hành chính hiện đại, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ BHYT về các thủ tục khám chữa bệnh BHYT, không phát sinh thêm thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện được giảm tối đa.
Nhân viên một số cơ sở y tế trong tỉnh cho biết việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip giúp công việc của họ bớt áp lực hơn, nhất là những ngày số lượng bệnh nhân đông. Các thao tác thực hiện việc này rất đơn giản, chỉ cần quẹt CCCD qua đầu đọc là tất cả thông tin về người có thẻ BHYT như họ tên, quê quán, ngày tháng năm sinh, lịch sử khám chữa bệnh, thẻ còn hạn hay hết hạn... đều hiển thị hết trên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT Việt Nam.
Đến ngày 16.3, đã có một số Trung tâm Y tế cấp huyện triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip như: TP Hải Dương, Kinh Môn, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc... Một số bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến tỉnh cũng đã triển khai việc này như Nhi Hải Dương, Phục hồi chức năng, Bệnh nhiệt đới. Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và một vài phòng khám tư nhân khác cũng đã triển khai.
Mặc dù vậy, số lượng người dân đến các cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip còn thấp. Khảo sát tại Trung tâm Y tế TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn cho thấy chỉ có khoảng 10% số bệnh nhân đề nghị khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip. Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương còn chưa có bệnh nhân nào dùng đến CCCD gắn chip để đăng ký khám chữa bệnh BHYT.
Lãnh đạo các cơ sở y tế giải thích do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm mạnh. Người dân đến khám phần nhiều là người cao tuổi, chưa làm CCCD gắn chip. Một bộ phận không nhỏ người dân hiện chưa nắm được thông tin các cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip.
Vẫn bị lỗi
Ông Phan Nhật Minh, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Hải Dương nhận định việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip có nhiều thuận lợi. BHXH Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành và sẵn sàng cung cấp thông tin thẻ BHYT để các cơ sở khám chữa bệnh tra cứu khi người dân sử dụng CCCD gắn chip đi khám chữa bệnh BHYT. Các cơ sở y tế đều có đầu đọc thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, có thể đọc được mã trên CCCD gắn chip. BHXH có cán bộ trực làm công tác giám định tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT nên dễ dàng phối hợp với các đơn vị nếu có vướng mắc phát sinh...
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại các cơ sở y tế cho thấy không ít CCCD gắn chip của người dân khi quét qua đầu đọc thì không hiển thị thông tin. Nguyên nhân do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang trong quá trình đồng bộ nên không phải thông tin của ai cũng được hiển thị. "Họ tên của công dân khi quét CCCD gắn chip qua đầu đọc cũng bị lỗi phông chữ. Chúng tôi đã báo cáo BHXH Việt Nam để phối hợp với Bộ Công an tìm nguyên nhân và khắc phục", ông Minh nói.
Các cơ sở y tế khuyến cáo trong giai đoạn đầu mới triển khai, người dân lần đầu đi khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip vẫn nên mang theo thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân. Đối với những công dân chưa làm CCCD gắn chip, việc khám chữa bệnh BHYT vẫn được áp dụng như quy trình hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc sử dụng điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID).
Để khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip được áp dụng rộng rãi, các cơ sở y tế cần sớm bố trí nhân lực, hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Ngành BHXH, các địa phương, cơ sở y tế cần tích cực tuyên truyền để người dân nắm được và thực hiện.