Khám chữa bệnh theo yêu cầu: Áp khung giá trần để tránh 'loạn giá'
Việc ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT về khám chữa bệnh theo yêu cầu được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng 'loạn' giá khám theo yêu cầu của các cơ sở y tế hiện tại.
Các bệnh viện trong cả nước đã triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhiều năm nay. Tuy nhiên, dịch vụ mỗi nơi một giá, không thống nhất vì chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể bằng luật về thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Qua tìm hiểu phóng viên được biết tại một số cơ sở y tế tuyến cuối như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều năm qua, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được người dân đánh giá ở mức cao.
Đơn cử, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, mức giá khám Giáo sư, Phó giáo sư là 500.000 đồng; khám Tiến sĩ hoặc Bác sĩ CKII là 400.000 đồng; khám Thạc sĩ, BSCKI là 300.000 đồng, khám theo yêu cầu thông thường là 200.000 đồng.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khám với Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ CKII hoặc bác sĩ là Trưởng khoa, Phó khoa: 500.000 đồng/lượt khám; Khám với bác sĩ là Thạc sĩ, Bác sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa I: 300.000 đồng/lượt khám.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều năm qua, hầu hết giá khám cũng như giá dịch vụ kỹ thuật ở Bệnh viện Bạch Mai chủ yếu thực hiện theo giá bảo hiểm y tế, nếu có giá khám theo yêu cầu thì thu với giá thấp.
Giá khám với Giáo sư, Phó giáo sư thực thu là 150.000 đồng; giá khám với Tiến sĩ, Bác sĩ CKII là 120.000 đồng, giá khám với Thạc sĩ, Bác sĩ CKI là 70.000 đồng.
Chia sẻ về câu chuyện giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Thông tư về khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu đã hướng dẫn chi tiết việc triển khai dịch vụ theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập.
Đây là cơ sở, là hành lang pháp lý quan trọng để bệnh viện công lập dựa vào đó ban hành xây dựng giá khám chữa bệnh, giá kỹ thuật theo yêu cầu của người bệnh trên từng bệnh viện.
Sau khi Thông tư 13 được ban hành, Bộ Y tế cho phép giá khám chữa bệnh tại các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối đa lên tới 500 nghìn đồng/lần khám. Với quy định giá trần này, Bệnh viện Bạch Mai đang nghiên cứu để có thể áp dụng.
"Chúng tôi đang hướng tới biện pháp không áp dụng đồng loạt giá cao, mà theo các mức để người dân có quyền lựa chọn tùy theo yêu cầu và điều kiện kinh tế bản thân", PGS.TS Đào Xuân Cơ khẳng định.
Hiện dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc khám dịch vụ có thật sự khác biệt? Liệu rằng giá khám bệnh chênh lệch nhau bởi học hàm, học vị có phù hợp?
Bàn về vấn đề này, một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, cần phân biệt giữa khám chuyên gia và khám chung. Khám chuyên gia có thể thu tiền cao hơn khám chung, song khám chuyên gia không nhất thiết là giáo sư, tiến sĩ, cứ bác sĩ nào giỏi thì được gọi là chuyên gia. Giáo sư, tiến sĩ nếu có trình độ nên phục vụ cho mục đích nghiên cứu giảng dạy.
Một bác sĩ khác chuyên về cấp cứu thì cho rằng, những người có hàm học vị cao như giáo sư, phó giáo sư có nhiều hiểu biết, kiến thức chuyên môn sâu rộng tại các bệnh viện, thường được tín nhiệm nên người bệnh muốn được thăm khám phải bỏ chi phí nhiều hơn.
Một thế hệ khác là các giáo sư là những người làm quản lý về hưu, bệnh viện muốn sử dụng chất xám của họ, mời họ về nên bắt buộc phải bỏ nhiều tiền hơn nên tiền khám dịch vụ mà người dân phải trả nhiều hơn là điều hợp lý.
Tuy nhiên, không ít phòng khám chữa bệnh lại mời các giáo sư không đúng với chuyên môn hoặc giáo sư “giấy” gây thiệt hại cho người bệnh. Do vậy việc một số cơ sở y tế chỉ căn cứ vào chức danh giáo sư để thu tiền bệnh nhân cao là chưa phù hợp.
Qua thực tế khám bệnh nhiều năm vị bác sĩ này nhận thấy, những bác sĩ nào lăn lộn với bệnh nhân, đọc sách nhiều hơn, khám có chất lượng hơn hẳn những giáo sư “giấy”.
Do vậy trong y học cũng nên phân biệt làm hai hệ thống, một hệ thống chuyên về nghiên cứu giảng dạy, một hệ thống chuyên thực hành.
Như vậy những bác sĩ lăn lộn với bệnh nhân, có kinh nghiệm, kiến thức nên được đánh giá cao chứ không chỉ đánh giá qua học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ để rồi một số y bác sĩ không lo trau dồi kinh nghiệm kiến thức mà chỉ cốt lấy cái danh để mưu lợi cá nhân.
Theo quy định tại Thông tư 13/2023/TT-BYT, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khỏe: đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.
Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) đối với dịch vụ loại phòng một giường giá tối đa 4 triệu đồng một ngày đêm; loại phòng hai giường tối đa 3 triệu đồng một giường; loại phòng ba giường tối đa 2,4 triệu đồng một giường; loại 4 giường, giá tối đa là 1 triệu đồng.
Tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với tổng số giường bình quân năm trước của cơ sở y tế. Tỷ lệ thời gian chuyên gia, bác sĩ giỏi khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.
Thầy thuốc giỏi của đơn vị dành tối thiểu 70% thời gian để khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế, hoặc người bệnh không có bảo hiểm y tế nhưng cần hỗ trợ.
Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu áp dụng cho người tự nguyện đăng ký sử dụng, tỷ lệ 5-10% tại bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, còn tuyến huyện gần như không có.
Giá một số dịch vụ y tế có giá lớn khác như siêu âm Doppler màu tim 4D giá không vượt quá 826.000 đồng/lượt; chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang giá không vượt quá 1.584.000 đồng/lượt; chụp CT Scanertừ 262 dãy trở lên có thuốc cản quang giá không vượt quá 5.250.000 đồng/lượt;
Chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA giá không vượt quá 10.150.000 đồng/lượt; chụp nút dị dạng và can thiệp các bệnh lý mạch thần kinh dưới DSA giá không vượt quá 23.111.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giá không vượt quá 3.701.000 đồng/lượt...