Khám chữa bệnh từ xa, giúp nâng cao chuyên môn tuyến dưới

Khám chữa bệnh từ xa đang mang đến nhiều lợi ích, giúp người bệnh được chẩn đoán, tư vấn và chỉ định điều trị bởi đội ngũ chuyên gia ở các bệnh viện tuyến trên. Đây cũng là một giải pháp thiết thực, hiệu quả, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ tuyến dưới.

Buổi hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa giữa các bệnh viện. Ảnh: TL.

Buổi hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa giữa các bệnh viện. Ảnh: TL.

Phòng chống dịch, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ngày 22/6/2020 Bộ Y tế ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh (KCB), hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến trung ương. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Trong đó, các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả KCB và sự hài lòng của người dân.

Ông Khuê cho biết, trong quá trình triển khai, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel và các bệnh viện. Tổng số có 26 bệnh viện tuyến trên, trong đó có 2 bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội và 6 bệnh viện tuyến cuối của TP. Hồ Chí Minh tham gia đề án, tính đến ngày 24/9/2020 đã đạt 1.000 bệnh viện tuyến dưới đăng ký tham gia đề án.

Toàn bộ 63 tỉnh thành đã có bệnh viện đăng ký, có một số bệnh viện của nước bạn Lào (2 bệnh viện) và Campuchia (1 bệnh viện) đã đăng ký tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng đã đăng ký tham gia đề án. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tích phối hợp với các đơn vị trong Bộ và bệnh viện xây dựng các văn bản, quy định... phục vụ công tác KCB từ xa.

“Có thể nói, hoạt động KCB từ xa hết sức hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh cả nước thực hiện giãn cách xã hội và đợt 2 trong bối cảnh TP. Đà Nẵng, Hải Dương phong tỏa. Thời gian gần đây và hiện nay Hệ thống KCB từ xa tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện hoạt động an toàn và vận hành bệnh viện trong trạng thái bình thường mới theo chỉ thị của Thủ tướng”- ông Khuê cho hay.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới

Dù đã được phát triển đồng bộ về trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ, chất lượng phục vụ, chất lượng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng, nhu cầu được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bởi các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên là vô cùng lớn đối với các bệnh nhân tuyến dưới, nhất là những trường hợp có bệnh cảnh đặc biệt, bệnh nền phức tạp.

Nếu như trước đây, để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bởi các bác sĩ tuyến trên, người bệnh phải thực hiện chuyển viện với nhiều vấn đề phát sinh như chi phí đi lại, chăm sóc, khoảng cách địa lý, khó khăn về mặt giao thông… Thì nay, với sự phát triển của y tế từ xa, người bệnh đã có thể được điều trị bởi các chuyên gia hàng đầu, mà không cần nhất thiết phải chuyển viện.

Ví như, trường hợp bệnh nhi 13 tháng tuổi ngụ tại TP. Việt Trì (Phú Thọ) bị teo thực quản bẩm sinh đã được phẫu thuật phẫu thuật tạo hình thực quản ngay tại quê nhà, nhờ hệ thống hỗ trợ tư vấn KCB từ xa giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Không chỉ dừng lại ở một phạm vi địa phương hay vùng miền, KCB từ xa đã giúp các giáo sư, bác sĩ tại các bệnh viện tuyến đầu có thể hỗ trợ nhanh chóng chữa trị các ca bệnh khó khắp mọi miền tổ quốc. Như trường hợp bệnh nhi tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tư vấn và hội chẩn, rút ngắn thời gian và hành trình di chuyển của bệnh nhân từ đảo về đất liền, mà vẫn đảm bảo chất lượng điều trị.

Ông Khuê cho biết thêm, việc đối thoại, trao đổi trực tiếp đã mở ra một cơ hội to lớn trong việc đào tạo, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn. Thông qua các buổi hội chẩn, những kiến thức về chuyên môn, các kinh nghiệm thực tế lâm sàng được tương tác, chia sẻ và áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn.

Nếu trước đây hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới, thì hiện nay sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để đảm bảo hiệu ứng tốt hơn. Theo đó, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, nhưng tất cả bệnh viện tuyến dưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi, qua đó được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.

Đề án khám chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng KCB bệnh theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết./.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ Trưởng Bộ Y tế, thông qua các hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ nhân dân.

Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2020-10-02/kham-chua-benh-tu-xa-giup-nang-cao-chuyen-mon-tuyen-duoi-92980.aspx