Khám phá bí mật về thành phố bị nguyền rủa giữa lòng sa mạc Saudi Arabia
Có một vương triều đã biến mất trong những đụn cát ở sa mạc phía Tây Bắc Saudi Arabia. Những gì còn lại chỉ là khoảng hơn 100 ngôi mộ cổ và có niên đại khoảng 2000 năm với những bia ký cho biết, chúng thuộc về người Nabatean, một dân tộc từng sống sung túc ở vùng đất này. Điều gì đã xảy ra với họ?
Nằm sâu trong sa mạc cách thị trấn gần nhất là Al-Ula 20 km, cách thành phố lớn gần nhất là Medina khoảng 400 km, khu di tích khảo cổ Madain Saleh của Saudi Arabia đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Vùng đất này có tên cổ theo tiếng Ả Rập là Al-Hijr, và nó từng xuất hiện trong nhiều nguồn tài liệu tiếng Ả Rập cũng như trong Kinh Qur'an. Ngày nay, cái tên Al-Hijr vẫn được người dân địa phương sử dụng, trong khi tên gọi Madain Saleh được các nhà khảo cổ học đặt cho địa điểm này vào thế kỷ 17.
Điểm đáng chú ý nhất làm nên danh tiếng cho Madain Saleh là 131 ngôi mộ cổ, hoặc những dấu vết ít ỏi của cổ mộ, nằm rải rác trong một khu vực rộng khoảng 140 ha. Những ngôi mộ được xây bằng đá có kích thước đồ sộ, với những hình chạm khắc tinh xảo cho thấy Madain Saleh từng là một thành phố tráng lệ thế nào.
Những mỏm sa thạch vàng nhô lên từ nền cát phẳng, được điêu khắc thành những ngọn tháp với những bức phù điêu hình đại bàng đang vươn cánh, tượng nhân sư oai phong và những bia ký cho hậu thế biết cả tên của người đã khuất.
Phế tích này được xác định thuộc về người Nabateans, một dân tộc từng xây lên những vương triều hùng mạnh khoảng 1000 năm trước Công nguyên. Di chỉ nổi tiếng nhất về vương triều của người Nabateans chính là thành cổ Petra tại Jordan. Đấy là kinh đô của vương quốc và Madain Saleh là thành phố lớn thứ nhì.
Vị trí địa lý của Madain Saleh rất quan trọng. Thành phố nằm trong một vùng cát tương đối bằng phẳng, mà hơn 2.000 năm trước đây có một tầng nước ngầm lớn. Mặc dù ngày nay mực nước đã xuống sâu tới hơn 20m dưới lòng đất nhưng vào thời hưng thịnh, mực nước tại đây chỉ sâu khoảng 6m và đủ dồi dào để cung cấp cho một thành phố lớn cũng như cơ sở hạ tầng nông nghiệp của nó.
Những người nông dân Nabatean đã xây dựng các kênh đào và đường ống bằng đá để vận chuyển nước đến các cánh đồng. Madain Saleh từng là vùng đất tương đối màu mỡ với những vườn chà là và lúa mì. Người ta tìm thấy cả dấu vết những ngôi nhà lớn được xây bằng đá, một điều cho thấy thành phố từng có mật độ dân cư đông đúc với nhịp sống sôi động.
Sự giàu có của Madain Saleh còn đến từ con đường hương liệu, buôn bán và thuế thu được từ đó. Tất cả là nhờ vị trí thuận lợi khi thành phố này nằm chặn giữa tuyến đường Nam - Bắc từ Yemen đến các đế quốc Địa Trung Hải.
Các vương triều của người Nabataean đạt đến đỉnh cao thịnh vượng dưới thời vua Aretas IV (9 TCN - 40 SCN). Trong triều đại của ông, những kỳ quan của thế giới cổ đại đã được dựng lên ở Petra. Vị vua cuối cùng của người Nabatean là Rabel II qua đời vào năm 106 sau Công nguyên. Sau đó, vương quốc bị La Mã thôn tính và được đổi tên thành Provincia Arabia. Nền văn minh của người Nabatean kể từ đấy cứ lụi tàn dần, rồi lặng lẽ biến mất.
Vì thế, những gì còn lại ở Madain Saleh rất đáng được quan tâm. Các bia ký ở 33 ngôi mộ tại đây là chìa khóa để khám phá về người Nabatean và có thể tiết lộ nguồn gốc của tiếng Ả Rập hiện đại. Sự đóng góp của Madain Saleh trong việc tìm hiểu nguồn gốc của chữ viết Ả Rập là một trong những kết quả ít được biết đến của các cuộc khảo cổ tại đây.
Những bản khắc ở Madain Saleh nằm trong số những văn bản dài nhất được biết đến trong ngôn ngữ Nabatean, và đã được nghiên cứu kỹ lưỡng kể từ khi 2 học giả người Pháp A. Jaussen và R. Savignac ghi lại chúng. Những bản khắc này là văn bản pháp lý, bản sao của chúng được lưu giữ tại một trong những ngôi đền của thành phố. Các văn bản ấy liệt kê tên vợ, con cái hoặc cha mẹ của chủ nhân ngôi mộ, tất cả đều được quyền chôn cất tại đây.
Các văn bản cũng liệt kê tất cả các hành động bị cấm, chẳng hạn như mở cửa lăng mộ, bán nó, đưa các thi thể khỏi mộ hoặc chôn cất một người nào đó không được đề cập đến trong bia ký. Có quy định rõ về số tiền phạt mà người vi phạm phải nộp cho nhà vua hoặc thầy tu. Ngoài ra, những kẻ vi phạm còn phải chịu sự trừng phạt từ các vị thần.
Ngày nay, Madain Saleh trở thành điểm du lịch hấp dẫn tại Saudi Arabia vẫn là một địa điểm khảo cổ đầy thách thức. Câu hỏi vẫn còn. Vì sao nhiều người Ả Rập cho rằng thành phố này bị nguyền rủa? Những cư dân của Madain Saleh từng sống như thế nào? Họ xây lên những cổ mộ hoành tráng và chôn cất người chết ra sao? Những bí ẩn về thành phố này vẫn chờ các nhà khảo cổ học, các nhà biểu tượng học đưa ra lời đáp.