Khám phá căn biệt thự bỏ hoang của vị bác sĩ người Pháp tại An Giang
Căn biệt thự bỏ hoang của 1 vị bác sĩ người Pháp ở phường Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang từng bị đồn thổi, thêu dệt về những câu chuyện ma quái ly kỳ...
Căn biệt thự nổi tiếng trên Youtube
Căn biệt thự bỏ hoang có kiến trúc đẹp nằm trên sườn núi Sam (thuộc khóm Vĩnh Đông 1, phường Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang). Chủ nhân của ngôi biệt thự là bác sĩ “Nu” (chưa ai rõ họ tên thật - PV).
Căn biệt thự này được xây dựng trước năm 1975, với mục đích ban đầu dùng làm nơi nghỉ mát, an dưỡng cho bệnh nhân. Toàn cảnh căn biệt thự được mô phỏng theo mô-tip pháo đài thời Trung cổ ở Châu Âu.
Đây là căn biệt thự được vị bác sĩ người Pháp xây dựng trước năm 1975. Sau giải phóng, được chính quyền địa phương quản lý. Sau đó, có những lời đồn về ma xuất hiện… Do đó, căn biệt thự này từng rất nổi tiếng trên Yotube về các clip đồn thổi ma quái.
Nhiều lời đồn rằng, bên trong căn biệt thự này có 1 cô gái chết vì bệnh và mang theo lời hứa xuống mồ. Lời đồn ly kỳ nhất kể rằng, đó là cuộc tình của 1 cô giáo người Việt và vị bác sĩ người Pháp, được diễn ra tại ngôi nhà này của những năm tháng về trước.
Mục đích ban đầu của căn nhà được xây dựng dùng để làm nơi nghỉ mát, an dưỡng cho bệnh nhân. Trong những bệnh nhân đó có 1 cô giáo tên D., cô mắc bệnh lao nhưng bệnh viện lại từ chối chữa trị. Do đó, cô được vị bác sĩ người Pháp đem về nơi đây dưỡng bệnh.
Thời gian trôi qua, vị bác sĩ kia được triệu tập về lại nước Pháp xa xôi. Nhưng trước khi ông ra đi, đã để lại cho cô giáo với lời hứa rằng 1 ngày không xa sẽ trở lại đưa cô sang Pháp để chữa trị vì nền y học bên Pháp tiên tiến hơn.
Tin vào lời hứa năm xưa, nên hằng ngày cô giáo vẫn ngồi bên cửa sổ ngóng đợi tin của vị bác sĩ từ phương trời xa xôi. Không biết vị bác sĩ kia có trở lại như lời hứa hay không, chỉ biết là cô giáo ấy đã ra đi cùng với lời hứa sẽ chờ vị bác sĩ ấy trở lại. Vì thế, khi chết đi oan hồn cô giáo không siêu thoát được nên cứ lãng vãng hiện về.
Ban đêm, từ căn biệt thự vang lên những tiếng than thở, gọi tên ghê sợ. Có lời đồn rằng, sau giải phóng (1975), lại có thêm 1 cô gái người xứ khác vì hận tình đến đây thắt cổ tự tử. Thêm bao lời thêu dệt về oan hồn ma cô gái…
“Thời gian trước, có những thông tin sai lệch chồng chéo chuyện người này thành chuyện người khác. Hơn nữa đồn thổi có ma là không có cơ sở thiếu căn cứ. Vì vậy, nếu có ai quan tâm ngôi nhà này thì hãy tìm những người dân ở Châu Đốc sẽ biết rõ về 3 đời chủ nhân của ngôi nhà, sẽ có thêm những thông tin chính xác cụ thể hơn”, ông Nguyễn Hữu Hiệp - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ nói.
Mục sở thị căn biệt thự
Theo quan sát, ban ngày nhìn vào toàn cảnh ngôi biệt thự bỏ hoang thấy bình thường, chỉ là căn biệt thự nằm lưng chừng núi khá xa khu dân cư nên vắng vẻ. Nhưng khi trời tối đặt chân đến, cảm giác vô cùng ớn lạnh…
Từ lối đi phía dưới dẫn lên đến biệt thự là những bậc tam cấp được xây dựng bằng những viên đá hoa cương (từ cổng vào tới căn biệt thự khoảng hơn 100m - PV), 2 bên cây cối um tùm vì bỏ hoang lâu năm. Bên trái biệt thự là 2 cái giếng được xây bằng đá tổ ong cạn nước, được bao bọc xung quanh nhiều cây phượng vỹ.
Bên phải là dãy nhà nghỉ thiết kế khá đơn sơ nay đã mục nát và xuống cấp. Nhưng điểm nhấn của căn biệt thự này là mặt tiền tầng lầu có ban công hình chữ U, đứng từ nơi này có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn trọn không gian bao la trời phú của vùng đất Châu Đốc.
Căn biệt thự này tổng cộng có 7 phòng ngủ được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 7. Phía dưới sảnh là phòng ngủ số 1, 2 và 1 quầy bar. Trên lầu gồm các phòng số 3, 4, 5. Còn phòng số 6, 7 là 1 căn nhà riêng được xây dựng sát bên căn biệt thự.
Từ ngoài cổng nhìn vào, ngôi nhà có vẻ còn nguyên vẹn, nhưng khi vào bên trong thì trống hoác, cửa nẻo không còn. Muỗi kéo đến từng đàn “vo ve”, dồn dập tấn công như thể bị bỏ đói lâu ngày.
Một người bạn đi cùng lấy vợt ra, vợt từng nhúm muỗi nổ tanh tách, tiếng nổ diệt muỗi ở đây nghe cũng rợn người. Mùi thịt muỗi cháy khét lẹt làm cảm giác thấy nôn nao...
Vẫn bỏ hoang
Đến quầy bar, lia ánh đèn pin về phía bếp, người viết bài giật mình khi nhận ra 1 người say rượu “lớn gan” dám vào “biệt thự bỏ hoang” để ngủ. Người đàn ông bảo mình tên Thiện (58 tuổi, người địa phương) nhậu say quá đi lộn đường lên đây ngủ luôn.
Dạo một vòng ngoài hiên sẽ thấy cái miếu nho nhỏ được dựng sát vách núi, trước cái giếng. Buổi sáng sớm, khung cảnh nơi đây như thiên đường. Địa thế của căn biệt thự này rất độc đáo, vừa có thể đón gió, đón được nắng suốt 4 mùa, vừa có thể ngắm trọn cảnh sông núi hữu tình của vùng đất Châu Đốc.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Lan (60 tuổi, ngụ khóm Vĩnh Đông 1, phường Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết, vào khoảng 10 năm về trước, đơn vị quản lý khách sạn Hàng Châu lên đây kinh doanh nhưng không hiệu quả rồi bỏ hoang.
Sau đó, khách sạn Hòa Bình 5 (thuộc Tỉnh đội An Giang) lên phục dựng làm nhà hàng khách sạn nhưng “ế” quá đành bỏ của chạy lấy người. “Mấy năm trước, có một nhóm thanh niên lên đây làm Youtube nói nhà hoang, nhà ma gì đó, có đâu ma đâu mà nói bậy bạ.
Tôi còn nhớ ông bà tôi kể lại bác sĩ Nu lên đây cất nhà để nghỉ mát, cuối tuần bác sĩ cùng gia đình và bạn nghỉ dưỡng vì ngọn gió ở đó nó tốt cho sức khỏe. Bây giờ họ về nước ngoài sinh sống nên căn nhà này được địa phương tiếp quản”, bà Lan bộc bạch.
Ông Huỳnh Ngọc Trư – Bí thư, Chủ tịch phường Núi Sam, TP.Châu Đốc cho biết, biệt thự bác sĩ Nu nằm trên địa bàn phường quản lý nhưng thực tế việc quản lý thì tỉnh đã giao cho bên hệ thống quân đội, sau đó, bên này giao về cho Hội cựu chiến binh của tỉnh quản lý để mở quán cà phê kinh doanh.
“Nói chung biệt thự này đã bỏ hoang từ lâu rồi, không còn khai thác kinh doanh gì nữa. Theo tôi quan sát, chỗ biệt thự bác sĩ Nu là một điểm để khai thác du lịch rất tốt vì biệt thự này giống lối kiến trúc cổ thời Pháp thuộc. Địa điểm này cực đẹp, phong cảnh hữu tình. Tuy nhiên, về góc độ đề xuất để quản lý biệt thự này thì địa phương không đủ tính pháp lý”, ông Trư nói.
Cũng theo ông Trư, hiện nay biệt thự xuống cấp trên 50%, nếu sửa chữa, phục chế thì rất tốn nhiều kinh phí. “Nếu tỉnh giao cho doanh nghiệp chuyên về làm du lịch có nguồn tài chính lớn thì họ sẽ cải tạo mặt bằng hoặc phục chế thì khả thi hơn”, ông Trư nói.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Hiệp - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ, theo dòng chảy của thời gian và lịch sử thì ngôi nhà đã bị hỏng và sụp đổ. Gần đây, được chính quyền địa phương xây dựng lại dựa theo kiến trúc cũ đã có từ trước, để làm nhà nghỉ mát, nhà trọ. Nên mới có tên gọi là nhà nghỉ bác sĩ Nu, chứ không phải là 1 cái tên khác, để nhớ đến chủ nhân trước đây của ngôi biệt thự này là bác sĩ Nu.