Khám phá địa điểm duy nhất của Việt Nam được gọi là 'rừng ma', bất khả xâm phạm chỉ dành cho người chết

Đây là nơi chỉ dành riêng cho thế giới người chết, nếu người trần đặt chân tới sẽ bị trừng phạt, thậm chí đánh đổi cả tính mạng.

Từ xa xưa, người Xơ – Đăng ở 1 số bản làng hẻo lánh của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã có tục “táng treo” cho người chết. Theo đó, sau khi qua đời, quan tài của người chết sẽ được treo, gác trên những thân cây gỗ lớn trong 1 khu rừng riêng biệt, nơi này được người dân nơi đây gọi là “rừng ma”.

Người Xơ – Đăng quan niệm, “Rừng ma” là khu vực bất khả xâm phạm, nơi chỉ dành riêng cho thế giới người chết, nếu người trần đặt chân tới sẽ bị trừng phạt, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Chính vì vậy, người dân nơi đây không ai dám bén mảng đến khu vực này. Thậm chí, nhiều người đi qua còn không dám nhìn vào khu rừng vì sợ ma rừng nhìn thấy rồi theo về quấy phá gia đình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo chia sẻ của già làng nơi đây thì tục lệ “táng treo” này đã có từ lâu. Xuất phát từ việc nơi đây có rừng cây rậm rạp, mỗi khi chôn cất người chết hay bị thú rừng, nhất là mèo rừng và cọp đào xác lên ăn thịt.

Đối với người Xơ - Đăng, nếu mộ người chết bị moi lên thì đó là con ma rừng đáng sợ nhất. Nó sẽ tìm đường về làng, bắt người nhà, bắt người làng theo nó. Quấy phá và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong làng. Vì vậy mà nhiều người đã nghĩ đến cách treo quan tài lên cây sau khi có người trong bản làng qua đời.

Tuy nhiên, tục “táng treo” rất phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian nên chỉ 1 số ít gia đình giàu có mới làm được. Hơn nữa, để được “táng treo”, người chết phải là người có uy tín trong làng. Mỗi khi có người chết, già làng sẽ họp cùng các bô lão để quyết định xem người đó có được “tang treo” hay không.

Được biết, những chiếc quan tài sẽ được làm hoàn toàn thủ công, sau đó được treo hoặc đặt trên những giá gỗ với bốn cây cọc, cách mặt đất chừng gần một mét. Ngoài quan tài bằng gỗ còn có cả quan tài làm bằng nhôm, vỏ bom bi, thùng xăng gò hàn rất đẹp. Phía trên được lợp mái tôn hoặc cây lồ ô lật sấp ngửa, xung quanh vứt đầy rẫy những vật dụng mà người chết được "chia phần". Một số "con ma" còn được chia cả heo, gà sống buộc vào chân cột quan tài. Có nhà còn chia cả radio, bàn ghế, xe đạp, vàng, bạc… Ở chiếc quan tài bục ra thấy mờ mờ trong đó những lớp xương.

Sở dĩ những chiếc quan tài được treo cách đất không cao bởi người ở Măng Ry cho rằng như vậy “con ma” sẽ dễ di chuyển. Bởi đối với họ, “cõi ma” là nơi mà mọi thứ đều ngược với cõi trần.

Hiện tại tục “tang treo” này đã không còn nữa nhưng khu “rừng ma” vẫn là nơi linh thiêng với người dân nơi đây, không ai dám chặt phá hay làm điều gì sai trái với khu rừng này.

Theo Thời báo văn học nghệ thuật

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/kham-pha-dia-diem-duy-nhat-cua-viet-nam-duoc-goi-la-rung-ma-bat-kha-xam-pham-chi-danh-cho-nguoi-chet/20241219020719760