Khám phá du lịch biển Hải Tiến

Văn hóa và Đời sống - Trong dòng chảy của sự phát triển mới, huyện Hoằng Hóa được biết đến là vùng du lịch sinh thái biển đầy khởi sắc. Nơi đây, 'sở hữu' bờ biển xinh đẹp dài 12km nối liền giữa hai cửa lạch: Lạch Trường (phía Bắc) và Lạch Trào (phía Nam); án ngữ phía Bắc như 'sải tay dài' ôm bãi biển Hải Tiến là núi Linh Trường, bao quanh phía Tây là sông Cung... Tất cả tạo nên một vùng đất hội tụ đầy đủ núi, sông, lạch, biển với khí hậu trong lành, thoáng đãng.

Khu du lịch biển Hải Tiến ra đời cách đây chưa đầy một thập kỷ nhưng đã vươn lên trở thành điểm đến ấn tượng trên bản đồ du lịch biển Việt Nam với vùng nước biển trong xanh, cát trắng, nắng vàng... (Ảnh: Phạm Nam)

Cùng những khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí hiện đại. (Ảnh: Phạm Nam)

Cầu cảng Hải Tiến là địa điểm check in lý tưởng của các bạn trẻ. Ảnh: Phạm Nam

Khu Hải Tiến Resort. Ảnh: Việt Hương

Bể bơi tại Khách sạn Ánh Phương 3. Ảnh: Việt Hương

Cùng với du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh cũng là một trong những thế mạnh của du lịch Hoằng Hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có 94 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, trong đó có 16 di tích cấp Quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh và nhiều danh lam, thắng cảnh khác. Trong ảnh: Tượng đài Lão Dân quân Hoằng Trường Anh hùng được xây dựng trên diện tích khoảng 1ha, nằm bên trái tỉnh lộ TP Thanh Hóa đi Hoằng Trường, cách về phía Nam núi Linh Trường khoảng 500m. Tượng đài là một công trình kiến trúc nhằm tưởng niệm chiến công của các cụ lão dân quân Hoằng Trường đã bắn rơi 2 chiếc máy bay của giặc Mỹ năm 1967, được Bác Hồ gửi thư khen tặng, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ảnh: Việt Hương

Đền thờ Tô Hiến Thành nằm ở thôn Tiền Thôn, xã Hoằng Tiến, thờ Thái phó Tô Hiến Thành, một danh nhân lịch sử của đất nước ở thế kỷ XII (triều Lý). Đền thờ Tô Hiến Thành được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Ảnh: Phạm Nam

Chùa Hồi Long tọa lạc trên một khuôn viên chừng nửa hecta, nằm cách về phía Tây khu nghỉ dưỡng Hải Tiến hơn 1km. Đây là ngôi chùa cổ kính ra đời từ thời Lý cùng với các chùa ở kinh đô Thăng Long. Chùa được xây dựng tại làng Lương Hà cũ, nay thuộc xã Hoằng Thanh, có tên là Hồi Long Tự, từng được Nhân dân ca tụng là 1 trong 99 chùa từ Thanh Hóa trở ra. Ảnh: Phạm Nam

Phủ Vàng hay còn gọi là Phủ Vàng Linh Từ “tọa lạc” tại núi Chùa, làng Vàng, thuộc xã Hoằng Khánh cũ, nay là xã Hoằng Xuân – một trong những xã ở khu vực phía Bắc của huyện Hoằng Hóa. Nơi đây thờ Mẫu Đệ Nhất Liễu Hạnh - một trong 4 vị thần “Tứ bất tử” của điện thần Việt Nam. Phủ Vàng thuộc địa phận xã Hoằng Xuân. Ảnh: Thế Khải

Công viên Văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò – Lạch Trường mới được đầu tư xây dựng. Ảnh: Phạm Nam

Đài Chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Việt Hương

Nhà thờ Nguyễn Quỳnh. Nhà thờ được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia, tọa lạc trên mảnh đất khoa bảng Hoằng Lộc, cách về phía Tây Khu du lịch biển Hải Tiến khoảng 8km theo đường chim bay. Ảnh: Thanh Hằng

Bảng Môn Đình, ở xã Hoằng Lộc, vừa là nơi thờ thành hoàng của làng, vừa là nơi hội tụ của nhiều nho sinh, nơi giúp họ dùi mài kinh sử, nơi tôn vinh các vị khoa bảng của làng. Bảng Môn Đình đã trở thành biểu tượng của sự hiếu học của người Hoằng Hóa, được nhiều nơi biết đến và được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Ảnh: Thanh Hằng

Núi Linh Trường nằm ở phía bắc bãi biển Hải Tiến, nơi ngăn con sông Lạch Trường uốn lượn, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Chúng ta đi theo con đường mòn giữa rừng thông, hòa mình vào thiên nhiên xanh mát, ngắm nhìn dòng sông Lạch Trường uốn lượn quanh chân núi, xa xa bên kia sông là những bãi nuôi ngao với những chiếc chòi canh lênh khênh. Trên Núi Linh Trường có trận địa pháo của Trung đội lão dân quân Hoằng Trường anh hùng. Đây cùng là địa điểm lý tưởng của các đội dù lượn.

Nằm ở phía Đông Nam, tả ngạn cửa biển Lạch Trường có một gò đá lớn “ăn” ra biển, người dân nơi đây vẫn thường gọi là Hòn Bò. Nơi đây đã gắn với nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện tâm linh ăn sâu vào tiềm thức của ngư dân ven biển. Nếu như từ trên cao nhìn xuống dãy núi Linh Trường như hình con rồng đang vươn mình ra biển, thì Hòn Bò được ví như đầu rồng, những phiến đá nhô ra biển lớn nhỏ với nhiều hình thù khác nhau được gọi là râu rồng. Bãi đá râu rồng lấp lánh nhấp nhô trong sóng bạc đã trở thành điểm nhấn, điểm check in lý tưởng của du khách khi đến với Công viên văn hóa, du lịch tâm linh Hòn Bò – Lạch Trường. Ảnh: Việt Hương

Hòn Nẹ nằm cách bờ biển Hoằng Hóa khoảng 5 km về phía Đông Bắc. Nơi đây, không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn là địa chỉ văn hóa tâm linh, tồn tại và phát triển lâu đời trong tâm thức người dân các vùng đất biển: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa… Trong đó nổi tiếng là Đền thờ Đức vua Thông Thủy Nẹ Sơn gắn liền với lễ hội Cầu Ngư thu hút hàng nghìn người tham dự. Ảnh: Hoàng Đông

Việt Hương (tổng hợp)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/kham-pha-du-lich-bien-hai-tien/19470.htm