Khám phá giới hạn của chính mình cùng Chu Va 12 và Can Chua Thìa Sảng

Có thể đã chinh phục nhiều đỉnh núi cao trong số các đỉnh núi đã được xếp hạng ở Việt Nam, như Putaleng, Tả Liên Sơn, Ngũ Chỉ Sơn hay Bạch Mộc Lương Tử…, nhưng khi vượt qua Chu Va 12 và Can Chua Thìa Sảng, có thể bạn sẽ cảm nhận giới hạn của bản thân đã được nâng lên một 'level' mới, không phải ở độ cao mà bởi độ khó của đường leo và sự can đảm vượt qua thử thách.

Đỉnh Chu Va 12 cao 2.751 m.

Đỉnh Chu Va 12 cao 2.751 m.

Trong các diễn đàn đam mê leo núi, các “phượt thủ” đã truyền tai nhau về độ nguy hiểm của cung leo này, với cách gọi vui nhưng đầy thách thức là “đi mê về sảng”.

Đỉnh Can Chua Thìa Sảng.

Đỉnh Can Chua Thìa Sảng.

Chu Va và Can Chua Thìa Sảng là hai đỉnh núi nằm trên dãy núi hùng vĩ thuộc địa bàn xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Từ phía đèo Ô Quy Hồ, những ngày trời trong, du khách có thể quan sát đỉnh Chu Va như khối tháp nhọn khổng lồ, lừng lững vươn thẳng lên trời xanh.

Biển mây trên đỉnh núi.

Biển mây trên đỉnh núi.

Mở những trang du lịch, ngắm cảnh Chu Va nhọn hoắt hướng thẳng trời cao, vắt ngang thân núi là dải mây trắng mềm như lụa, tưởng tượng ra viễn cảnh, mình sẽ vượt qua dải lụa ấy để chạm tới đỉnh cao, chúng tôi hăm hở khởi hành ngược lên phía bắc, hướng đến Tam Đường - địa danh quen thuộc, khởi đầu của rất nhiều hành trình băng rừng, lội suối, vượt dốc đèo chinh phục đỉnh cao.

Chúng tôi đến Tam Đường vào tối thứ sáu, đúng dịp tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ hội dù lượn Putaleng về miền đỗ quyên. Không chỉ mãn nhãn với những cánh dù lượn rực rỡ trên nền trời Tây Bắc, cả đoàn còn có dịp hòa mình vào các tiết mục văn nghệ đậm bản sắc của người Lử, Dao, Mông… Một khởi đầu đầy cảm hứng cho hành trình chinh phục phía trước.

Sớm hôm sau, khi bản làng Tây Bắc còn đang “ngái ngủ” chúng tôi lục tục trở dậy nạp năng lượng và bắt đầu hành trình leo Chu Va 12 từ đập thủy điện Nậm Thi. Nhìn lên đỉnh núi sừng sững như một lời mời gọi đầy thách thức. Chu Va, với độ cao 2.751m, không thuộc top những ngọn núi cao nhất Việt Nam, nhưng được đánh giá hoang sơ và độ khó, người leo phải đối mặt với vô cùng nhiều đoạn dốc hiểm, những vách đá dựng đứng và di chuyển chỉ có phương thức duy nhất là đu dây.

Những đoạn hiểm trở trên đường leo. "Độc đạo".

Những đoạn hiểm trở trên đường leo. "Độc đạo".

Vì là cung đường mới đưa vào khai thác chưa lâu, và vì độ khó, nên số người leo Chu Va chưa nhiều. Dù đã vượt nhiều đỉnh núi cao hơn nhưng Chu Va 12 vẫn khiến chúng tôi gần như kiệt sức vì đu, bám. Thêm những khi tâm trí căng thẳng vì phải vượt qua những đoạn sống lưng khủng long chênh vênh, hun hút.

Cảm giác không dành cho người sợ độ cao, người đi chỉ tập trung nhìn xuống chân, để chọn điểm đặt chân chính xác và an toàn cao nhất. Mùa này, rừng khô, suối cạn và cây lá thưa thớt cũng khiến bước chân hướng về đỉnh núi dường như chậm chạp hơn.

Không thiếu lúc chúng tôi nằm lăn trên những bãi đá lởm chởm giữa cái hanh hao, khô rát của nắng thu, chờ cho cơ thể hồi phục năng lượng, rồi mới lại đi tiếp.

 Tạm nghỉ lấy sức.

Tạm nghỉ lấy sức.

12 giờ trưa, đoàn dừng lại giữa rừng, nhóm lửa và thưởng thức bữa ăn do các porter chuẩn bị. Gió lạnh cuối năm ràn rạt rít qua, càng làm không khí thêm phần khắc nghiệt.

Chiều muộn, chúng tôi lên đến lán, một không gian lạnh lẽo như làm đông mọi thứ, không khí ẩm ướt, tê cóng. Nhưng Chu Va 12 vẫn cách lán 1 giờ leo. Với hy vọng được chiêm ngưỡng hoàng hôn rực rỡ nên cả đoàn lại tiếp tục hành trình lên đỉnh.

Tuy nhiên, gặp ngày mây mù, cảnh hoàng hôn đã không diễn ra như tưởng tượng. Nhưng điều đó không làm bất kỳ ai trong đoàn thất vọng, bởi mỗi người đã vượt qua giới hạn của bản thân, được chạm vào khối kim loại hình tháp, ghi Chu Va 2.751 m, trong tiếng gió rít ù tai.

Không có mùa hoa đỗ quyên, không quá nhiều cổ thụ phủ kín địa y, chỉ có đá khối lởm chởm, dựng ngược nhưng tất cả đều cảm giác thỏa mãn khi ranh giới con người và thiên nhiên không còn khoảng cách.

 Bữa tối giữa núi rừng.

Bữa tối giữa núi rừng.

Đêm xuống, trong cái lạnh thấu xương, cả đoàn chia nhau chén rượu men lá với sì sụp nồi lẩu nóng hổi, tạm quên cái đau ê ẩm bởi những va đập ban ngày. Giấc ngủ cũng đến sau những chập chờn vì ẩm ướt, vì thiếu nước sinh hoạt, vì lạnh.

5 giờ sáng, khi màn đêm còn bao trùm núi rừng, cả đoàn đã thức dậy hướng về đỉnh Can Chua Thìa Sảng. Hành trình bắt đầu với những đoạn tụt dây liên tục từ độ cao 2.751m xuống 2.400m, dẫn đến sống lưng khủng long lênh khênh giữa trời và đất.

Vượt qua nhiều đoạn đường, chỉ nghĩ lại cũng cảm giác run rẩy, nếu sơ sểnh chút thôi là có thể gặp nguy hiểm. Từ đỉnh Chu Va 12 sang đỉnh Can Chua Thìa Sảng là đoạn đường không chỉ thử thách thể lực, bởi sự liên lục lặp lại “điệp khúc” đu dây đầy thách thức, mà còn đòi hỏi sự can đảm, kiên trì, bên cạnh đó còn tiềm ẩn rủi ro.

Khi sức đã cạn sau hàng trăm lần tụt dây và “lết mông” qua các đoạn dốc, hình ảnh đèo Ô Quy Hồ thấp thoáng xa xa khiến cả đoàn phấn khởi. Âm thanh hấp dẫn nhất lúc ấy chính là tiếng còi xe vọng lên từ chân núi, nhưng vẫn phải 3 tiếng sau chúng tôi phải tới được điểm tập kết, kết thúc một hành trình đáng nhớ với lời hẹn sẽ trở lại Lai Châu - mảnh đất của những đỉnh núi cao!

Không thành công nào đến dễ dàng, nên đừng dừng lại nếu bạn là người đam mê khám phá và chinh phục các đỉnh cao, hãy tận hưởng cuộc sống theo cách của riêng mình, Chu Va 12 và Can Chua Thìa Sảng sẽ không khiến bạn phải thất vọng!

HÀ TÔ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kham-pha-gioi-han-cua-chinh-minh-cung-chu-va-12-va-can-chua-thia-sang-post852340.html