Khám phá hiệu quả của chất nhầy ốc sên trong chăm sóc da
Thường được dùng để phục hồi làn da bị tổn thương, chất nhầy ốc sên đã được sử dụng từ lâu như một loại mỹ phẩm và có tiềm năng ứng dụng vượt ngoài lĩnh vực chăm sóc da thông thường.
Người tiêu dùng trên khắp thế giới đang chi tiền cho các sản phẩm mỹ phẩm có chứa chất nhầy của ốc sên, với thị trường toàn cầu vào năm 2022 trị giá khoảng 555 triệu USD.
Sau khi bùng nổ dịch vụ chăm sóc da bằng chất nhầy ốc sên ở Hàn Quốc, sản phẩm này đã được chia sẻ rộng rãi. Tuy vậy, việc sử dụng chất nhầy của ốc sên để có làn da sáng khỏe đã có từ lâu.
Người Hy Lạp cổ đại đã sử dụng chất nhầy của ốc sên để chống viêm tại chỗ. Vào những năm 1980, những người nuôi ốc sên ở Chile lưu ý rằng việc xử lý ốc sên cung cấp cho thị trường thực phẩm tại Pháp khiến họ có bàn tay mềm hơn và vết cắt nhanh lành hơn.
Tác dụng của chất nhầy của ốc sên với làn da
Theo Joshua Zeichner, bác sỹ da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai, ốc sên vườn, loài ốc được nghiên cứu nhiều nhất để chăm sóc da, tạo ra chất nhầy được quảng cáo là có khả năng dưỡng ẩm, chứa nhiều vitamin A và E tự nhiên, các chất chống oxy hóa và có khả năng kích thích sản sinh collagen, giúp giảm các dấu hiệu lão hóa.
Theo bác sỹ da liễu Elizabeth Bahar Houshmand, Học viện Da liễu Hoa Kỳ, người tiêu dùng mua các sản phẩm chất nhầy của ốc sên để phục hồi làn da bị tổn thương và dưỡng ẩm.
Chiết xuất chất nhầy của ốc sên đã được chứng minh giúp tạo ra hàng rào bảo vệ giữa da và không khí ô nhiễm.
Một nghiên cứu đã sử dụng mô hình da ba chiều và cho nó tiếp xúc với ozone. “Làn da” không được bảo vệ bởi chiết xuất chất nhầy sẽ bị viêm và có dấu hiệu lão hóa, gây ra nếp nhăn và da không đều màu. “Làn da” được bảo vệ bởi chiết xuất này ít bị viêm hơn.
Các nhà khoa học cũng đang khám phá cách sử dụng dịch tiết của ốc sên ngoài việc chăm sóc da. Có bằng chứng cho thấy chất nhầy của ốc sên có thể giúp chữa lành vết thương và điều trị bỏng. Chất nhầy của ốc sên cũng có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm.
Một nghiên cứu khác đã thử nghiệm khả năng ngăn chặn vi khuẩn trong vết thương và một số chất nhầy của ốc sên hoạt động tốt hơn kháng sinh.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy chất nhầy cũng có thể có khả năng chống ung thư khi nó ức chế thành công sự phát triển của tế bào ung thư da trong phòng thí nghiệm.
Khám phá khoa học về khả năng của chất nhầy ốc sên
Để hiểu rõ hơn về chất nhầy của ốc sên, Antonio Cerullo, nhà hóa sinh tại Đại học Thành phố New York, đã thu thập ốc sên từ một trang trại và phân tích ba loại chất nhầy của chúng: chất nhầy bảo vệ ở lưng, chất nhầy dính ở chân và chất nhầy bôi trơn ở chân.
Mỗi loại có những đặc tính riêng biệt, như độ dai và độ dính, cũng như các thành phần sinh hóa khác nhau.
Trong tự nhiên, những loại chất nhầy khác nhau có những chức năng khác nhau, Cerullo giải thích. Chất nhầy chủ yếu dùng để bôi trơn có nhiều collagen hơn, khiến nó dẻo hơn; chất nhầy dùng để bám dính có nhiều canxi hơn nên dính hơn.
Việc cô lập các phân tử cụ thể tạo ra các đặc tính này và tổng hợp chúng để sử dụng cho mục đích thương mại là một nhiệm vụ phức tạp. Cerullo cho biết trong khi chất nhầy bảo vệ của ốc sên có protein kháng khuẩn, nhiều phân tử trong chất nhầy có thể tương tác để tạo ra tác dụng kháng khuẩn trên da người.
Nhà vi trùng học Roberta Rizzo và nhà hóa học Claudio Trapella tại Đại học Ferrara ở Italy đã phân tích hơn 100 sản phẩm chất nhầy của ốc sên khác nhau và tìm ra sự khác biệt về chất lượng.
Hai nhà khoa học giải thích mọi việc từ các phương pháp cho ăn và nuôi dưỡng trong các trang trại ốc sên cho đến cách thu thập chất nhầy đều ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng.
Nhưng chất nhầy của ốc sên có tiềm năng vượt xa khả năng chăm sóc da, Adam Braunschweig, nhà hóa học hữu cơ tại Đại học Thành phố New York đánh giá.
Nó có thể được sử dụng làm keo chữa vết thương để điều trị vết loét và nhiễm trùng, đồng thời được sử dụng làm chất kết dính tự nhiên trong kỹ thuật sinh học.
Braunschweig cho biết chất nhầy của ốc sên cũng hoạt động tốt như một chất vận chuyển thuốc. Khi dùng cùng với thuốc, nó giúp màng nhầy của cơ thể hấp thụ thuốc nhanh hơn.
Rizzo và Trapelli cũng đang nghiên cứu chiết xuất chất nhầy ốc sên để sản xuất thuốc nhỏ mắt trong điều trị bệnh khô mắt.
Thương mại hóa sản phẩm chất nhầy ốc sên
Các nhà khoa học vẫn chưa phân lập được các thành phần cụ thể của chất nhầy ốc sên có đặc tính chữa bệnh, nhưng có thể tạo ra các phiên bản tổng hợp của chất nhầy, giúp giảm nhu cầu nuôi ốc sên.
Cách thu hoạch chất nhầy của ốc sên khác nhau tùy theo từng trang trại - một số cho ốc bò trên lưới để thu chất nhầy nhỏ giọt vào chảo bên dưới, một số khác sử dụng buồng phun sương để kích thích ốc tiết chất nhầy.
Tuy vậy, cần rất nhiều ốc để đáp ứng nhu cầu hiện tại và việc thu hoạch đủ chất nhầy ốc sên sẽ rất tốn kém. Sản phẩm cũng có thể thay đổi hàng ngày tùy thuộc vào loại ốc sên, do đó chất nhầy của chúng không phải lúc nào cũng nhất quán.
Nhóm của Braunschweig hy vọng có thể sản xuất ra chất liệu tổng hợp với chi phí thấp hơn và có thể điều chỉnh phù hợp - chẳng hạn như có độ bám dính cao hơn hoặc bôi trơn nhiều hơn, tùy thuộc vào ứng dụng./.