Khám phá kỹ nghệ làm giấy bản của người Dao

Hai tay nắm chắc hai sợi dây thừng buộc trên xà ngang để làm điểm tựa, anh thợ người Dao dùng đôi chân nhồi đống tre non thành bột để làm ra loại giấy bản dùng trong lễ cấp sắc.

Nhu cầu dùng giấy bản cho hoạt động văn hóa tâm linh rất lớn nên bà con người Dao phải sản xuất liên tục.

Nhu cầu dùng giấy bản cho hoạt động văn hóa tâm linh rất lớn nên bà con người Dao phải sản xuất liên tục.

Cách đây tròn 100 năm tại thôn Thanh Sơn của thị trấn Việt Quang (Bắc Quang- Hà Giang) hình thành nghề làm giấy bản. Mặc dù chỉ là nghề phụ, nhưng công việc đã và đang đem lại lợi nhuận, đồng thời là một nét văn hóa đặc sắc của bản Dao.

100 năm làm nghề

Theo UBND thị trấn Việt Quang, tại thôn Thanh Sơn, 100% số hộ là người dân tộc Dao, thuộc nhóm Dao đỏ hay còn gọi là Dao đại bản. Trong đó trên 90% số hộ tham gia làm nghề sản xuất giấy bản truyền thống, phục vụ nhu cầu tâm linh và văn hóa trong các dịp lễ hội.

Các cao niên ở Thanh Sơn khẳng định, nghề làm giấy bản của người Dao bản địa đã có từ những năm 1920. Khi đó, ông Triệu Dùn Phin, một người Dao ở Thanh Sơn đã học được nghề làm giấy và truyền cho con cháu trong dòng họ Triệu. Đến năm 1925, nghề bắt đầu phát triển mạnh. Cho đến nay, nghề làm giấy bản đã chẵn 100 năm, được duy trì theo hình thức cha truyền con nối.

Các nghệ nhân bản Dao nói rằng, giấy bản được hình thành từ nguyên liệu chính là cây vầu non và dây leo tạo keo liên kết, sử dụng vôi để ngâm ủ nguyên liệu, sử dụng nước tự nhiên để tráng.

Cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, khi những cây vầu non bắt đầu ra lá cũng là lúc các hộ dân lên rừng chặt vầu. Có nhà còn huy động cả chục người lên rừng cố chặt được càng nhiều vầu non càng tốt, nếu chặt chậm vầu già đi sẽ không thể làm được giấy.

Mỗi đoạn vầu được chia ra từng đoạn dài khoảng 1m, chẻ thành 4 miếng rồi bó lại ngâm với nước vôi. Vầu phải ngâm nước vôi ít nhất là 2 tháng mới được vớt ra ngâm trong nước sạch khoảng 30 ngày là sẽ mềm nhũn như sợi bún.

Theo cung cách làm giấy bản truyền thống của Thanh Sơn, vầu sau khi ngâm ủ sẽ được cho vào những cái bể có hình lòng máng dài khoảng 2m, rộng 1m và dùng chân nhồi vò cho đến khi thành bột.

Anh Dương Tiến Son nhồi vò vầu thành bột để làm giấy.

Anh Dương Tiến Son nhồi vò vầu thành bột để làm giấy.

Kỹ nghệ cổ truyền

Thợ giấy Dương Tiến Son bật mí rằng, để nhồi vò một mẻ vầu tơi thành bột thì một người phải làm liên tục khoảng gần hai ngày. Nhồi vầu xong, thợ giấy phải lên rừng chặt cây bo về ngâm khoảng nửa tháng để nhựa bo hòa tan trong nước. Nước ấy khoắng với bột vầu rồi mới cho vào khuôn.

Theo kinh nghiệm của đồng bào Dao, khi làm giấy người thợ sẽ xếp thành từng bục. Mỗi bục chỉ được phép làm 80 thếp giấy chứ không được làm hơn hoặc kém. Những người già giải thích rằng, con số 80 có liên hệ đến sự may rủi trong quan niệm tâm linh của bà con dân tộc Dao từ xa xưa.

Chúng tôi được xem ông Son khuấy bột giấy với nhựa cây bo cho đến khi hòa quyện với nhau thành mầu nâu sẫm. Ông nhanh tay đưa từng mảng bột lên khuôn một cách đều đặn.

Từng mảng màu hiện ra trước mắt. Bột giấy được xếp gọn lên nhau rồi được ép khô trong khoảng hai giờ. Khi giấy khô thì mang dán lên tường, và cứ thế giấy sẽ hoàn thiện, được xếp thành các tệp đợi ngày đem ra chợ bán.

Một thợ giấy làm nghề lâu năm là ông Phàn Sành Châm dẫn chúng tôi vào kho chứa giấy bản và cho xem những tệp giấy mới cao đến mái nhà. Số lượng nhiều là thế nhưng ông Châm nói rằng, chỉ trong vài buổi chợ là bán hết.

Nghề làm giấy bản truyền thống của người Dao ở Thanh Sơn đã có hàng trăm năm.

Nghề làm giấy bản truyền thống của người Dao ở Thanh Sơn đã có hàng trăm năm.

Nếu tính ra một hộ dân tộc Dao ở Thanh Sơn mỗi năm đã tiêu tốn khoảng chục tệp giấy bản. Đặc biệt, trong dịp trước và sau Tết, nhu cầu giấy bản tăng cao nên nhiều khi các hộ phải “ém hàng”.

Ông Châm kể rằng, từ thời ông tổ nghề giấy bản Triệu Dùn Phin nghĩ ra cách làm giấy gió từ rơm khô, vầu non cách đây 100 năm chỉ là để phục vụ nhu cầu cúng bái trong dòng họ. Sau đó, ông Phin đã dạy nghề cho một số gia đình ngoài dòng họ Triệu để đổi lấy trâu, bò, lợn và thóc lúa. Vì thế, mà nghề làm giấy tuy chỉ là phụ nhưng thu nhập rất khá vì nhu cầu tiêu thụ cao.

Nếu như ở miền xuôi, nhu cầu dùng giấy bản rất ít thì tại các tỉnh miền núi phía Bắc lại rất lớn. Đặc biệt tại các địa phương là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc như Dao, Tày, Thái, Nùng... Do không có đủ giấy bản nên một số nơi, người dân phải đi mua vàng mã của người dưới xuôi, vừa đắt đỏ lại không phù hợp với phong tục tập quán của bà con dân tộc.

Hiện, một hộ gia đình ở thôn Thanh Sơn có thể làm được trung bình ít nhất 5 bục giấy/ngày, tính trung bình một hộ làm nghề có thể làm được khoảng 150 bục/năm. Sản phẩm khi được làm ra sẽ được đem ra chợ tiêu thụ, với mức giá bán từ 180 - 250 nghìn đồng/bục, tùy vào mùa lễ, tết trong năm.

Đạo lý giữ nghề

Bí quyết làm giấy bản của người Dao chỉ được truyền cho con trai hoặc cháu đích tôn.

Bí quyết làm giấy bản của người Dao chỉ được truyền cho con trai hoặc cháu đích tôn.

Nghề làm giấy bản truyền thống ở Thanh Sơn không phụ thuộc quá vào thời tiết nên những lúc nông nhàn, thợ giấy mới tranh thủ sản xuất. Tuy là nghề phụ nhưng thu nhập lại khá cao, và còn lưu giữ được nghề truyền thống của cha ông nên những thợ giấy ở Thanh Sơn rất tự hào.

Tuy nhiên, nghề làm giấy bản đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai. Vả lại các công đoạn sản xuất cũng khá phức tạp, kỳ công nên lớp trẻ không mấy mặn mà. Số nhiều thợ làm giấy hiện nay là những người đã có tuổi nên cũng lo lắng một mai nghề truyền thống sẽ thất truyền.

Theo UBND thị trấn Việt Quang, để bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất giấy bản truyền thống của dân tộc Dao. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng khoa học công nghệ (KHCN) huyện Bắc Quang, Sở KH&CN Hà Giang đã đưa dự án bảo tồn và phát triển nghề sản xuất giấy bản truyền thống của dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn vào chương trình đề tài, dự án cấp huyện.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nhân dân ứng dụng cơ khí hóa vào sản xuất, phát triển bền vững làng nghề truyền thống; hỗ trợ các hộ sản xuất ứng dụng đưa máy công cụ cải tiến nhằm tăng năng suất, giải phóng một phần sức lao động của con người.

Đồng thời, các nghệ nhân cũng được tập huấn, chuyển giao ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho các hộ sản xuất; định hướng phát triển bền vững làng nghề truyền thống, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Từ đó, nghề làm giấy bản ở Thanh Sơn đã chuyển một phần từ sản xuất thủ công sang ứng dụng cơ khí hóa cải tiến công cụ trong sản xuất. Tuy nhiên, quy trình chế biến nguyên liệu, phương pháp tráng và bể tráng giấy thì vẫn được bà con thực hiện theo phương pháp truyền thống hàng trăm năm nay.

Ông Lò Dùn Chìu, Trưởng thôn Thanh Sơn cho biết, nghề làm giấy bản đã đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Hiện nay cả thôn có khoảng 100 hộ duy trì thường xuyên nghề sản xuất giấy bản.

Để gìn giữ bí quyết cũng như bảo tồn nghề truyền thống, người Dao ở Thanh Sơn chỉ truyền nghề cho con trai, hoặc cho con trưởng và cháu đích tôn. Người học nghề phải ứng xử theo đạo lý và những quy tắc nhất định của người Dao.

Những sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ không bán ra thị trường vì sẽ làm mất hình ảnh chung của cả cộng đồng. Điều đó cho thấy những yếu tố nhân văn và những giá trị văn hóa truyền thống quý giá được người Dao nơi đây đặc biệt coi trọng, giữ gìn.

Năm nào cũng vậy, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, khoảng tháng 2 âm lịch, người dân sẽ lên rừng tìm nguyên liệu là cây vầu non mới mọc 2 - 3 lá. Sau đó chọn cây không bị sâu ăn ngọn chặt mang về ngâm với nước vôi. Giấy bản là một sản phẩm kỳ công, phải là người nắm rõ bí quyết mới làm ra được sản phẩm có chất lượng. Trưởng thôn Thanh Sơn LÒ DÙN CHÌU

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/kham-pha-ky-nghe-lam-giay-ban-cua-nguoi-dao-4wJhRmqGg.html