Khám phá mùa Thu châu Âu: Chìm đắm trong vẻ đẹp của Vilnius, Lithuania

Mùa Thu ở châu Âu thực sự khiến người ta mê mẩn. Nhiệt độ ôn hòa, gió mát dịu, và nắng vàng ươm trải trên những con phố, những cánh rừng, những dòng sông... Tôi như chìm đắm trong vẻ đẹp của mùa Thu ở Vilnius.

Sông Neris và khu phố mới của Vilnius vào mùa Thu. (Ảnh: Quang Chinh)

Sông Neris và khu phố mới của Vilnius vào mùa Thu. (Ảnh: Quang Chinh)

Thành phố Vilnius, thủ đô của Lithuania, không xa hoa diễm lệ như những lâu đài ở Paris hay Budapest, không hoành tráng như những công trình tôn giáo ở Rome hay Vienna, thậm chí cũng không to bằng thủ đô Riga của nước láng giềng Latvia. Vilnius nhỏ xinh, bình dị, yên tĩnh, êm ả sau những biến thiên của lịch sử trong suốt nghìn năm qua.

Thủ đô bình yên

Phải nói nhịp sống ở Vilnius khá chậm. Dù là ngày làm việc trong tuần hay cuối tuần, người dân xứ này thường không gấp gáp. Họ thong thả lái xe đi làm, đi bộ trên phố hoặc dạo chơi tận hưởng không khí thiên nhiên trong các công viên, bên bờ sông.

Không biết đó là do kinh tế Lithuania cơ bản khá sung túc, hay đây là nếp sống vốn dĩ của người dân địa phương, nhưng làm tôi khá ngạc nhiên. Bởi lẽ, các nước châu Âu đang phải "vật lộn" với lạm phát sau đại dịch Covid, cũng như phải chuẩn bị cho một mùa Đông giá lạnh sắp đến khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.

Vì Vilnius không lớn, tôi thường đi bộ chậm rãi đến những địa điểm trong thành phố. Phố xá ở đây ngăn nắp và sạch đẹp, được tô điểm bằng những hàng cây xanh ngắt lao xao trong gió và hoa cỏ nhiều màu sắc ven đường. Đặc biệt, cứ đi một đoạn lại gặp một công viên nhỏ, nằm xen lẫn những khu dân cư và công sở, khiến du khách cảm giác thủ đô Vilnius như nằm giữa một công viên khổng lồ.

Dù chỉ ở Vilnius chưa đến một tuần nhưng tôi cũng dành thời gian ra phố thật sớm khi bình minh để đón ngày mới, cũng như chiều tà ngồi bên bờ sông Neris ngắm hoàng hôn buông xuống hai bờ phố mới - phố cũ. Dòng Neris êm đềm trôi như bao đời nay vẫn thế, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, đã soi bóng những công trình, những đền đài lúc thịnh, lúc suy của đất nước Lithuania nhỏ bé này.

Tám thế kỷ trước, Lithuania trở thành đại công quốc lớn nhất Đông Âu và giữ được sự hùng mạnh trong suốt 500 năm. Đó là hào quang trong quá khứ, còn giờ đây, lãnh thổ Lithuania đã bị thu hẹp lại rất nhiều, trở thành một trong số quốc gia có diện tích khiêm tốn nhất ở lục địa già.

Tác giả ở đồi Gediminas. (Ảnh: NVCC)

Tác giả ở đồi Gediminas. (Ảnh: NVCC)

Trong những ngày lưu lại Vilnius, tôi nhận thấy người dân Lithuania nói chung, Vilnius nói riêng, hiền lành và mến khách. Những người bán hàng ở đây tuy hơi khó giao tiếp vì không phải ai cũng nói được tiếng Anh, nhưng họ rất nhiệt tình, xởi lởi, chào đón du khách đến từ phương xa. Vào nhiều quán ăn, ở đâu cũng đều cảm nhận được tình cảm, sự chăm chút, đầu tư công sức của đầu bếp muốn giới thiệu sản vật địa phương đến thực khách.

Tôi vẫn nhớ đêm đầu tiên tại Vilnius, ngồi ăn tối trong một nhà hàng được trang trí rất đẹp theo phong cách truyền thống Lithuania, được thưởng thức món khoai tây được chế biến theo kiểu đặc trưng của địa phương, với khoai được nghiền, rán, nhồi làm dồi.

Tôi chẳng biết bao giờ mới có dịp quay lại xứ sở Đông Âu nhỏ bé này, nhưng có lẽ hương vị của bữa tối khoai tây ấm cúng hôm đó sẽ khiến mình nhớ hoài về một thành phố đáng yêu.

Khu phố cổ Vilnius. (Ảnh: Quang Chinh)

Khu phố cổ Vilnius. (Ảnh: Quang Chinh)

Viên ngọc ẩn mình

Một điều không thể không nhắc đến khi đặt chân đến Vilnius đó là khu phố cổ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và là một trong những khu phố cổ lớn bậc nhất châu Âu.

Khu vực này được bảo tồn khá nguyên vẹn, với nhiều công trình được xây dựng theo trường phái gothic, phục hưng, baroque... tùy theo từng giai đoạn lịch sử.

Đa số nhà cổ ở Vilnius được dựng lên trong khoảng từ thế kỷ XIII đến XIX, đều tinh tế và trang trọng. Đặc biệt, ở thủ đô này có rất nhiều nhà thờ Công giáo, nổi bật có thể kể đến như nhà thờ Thánh Anna màu gạch đỏ ấn tượng, nhà thờ Thánh Nicholas, hay nhà nguyện và tháp chuông cao vút nằm ngay trong khuôn viên trường Đại học Vilnius...

Chả thế mà khi Vua Napoleon (Pháp) đến Vilnius năm 1812, ông đã thốt lên gọi nơi đây là "Jerusalem của phương Bắc", thậm chí còn muốn mang cả nhà thờ Thánh Anna về nước Pháp!

Tác giả Trịnh Quang Chinh hiện đang công tác tại Đại học Đà Nẵng. Tháng 9/2022, tác giả có chuyến công tác đến Đại học Mykolas Romeris (Lithuania) trong khuôn khổ dự án HARMONY: “Quốc tế hóa và trao đổi trực tuyến: Không biên giới giữa EU và các quốc gia châu Á” do Liên minh châu Âu tài trợ.

Tôi đi qua từng ngóc ngách trong khu phố cổ, cố gắng hình dung về thời kỳ vàng son của kinh đô này. Đi qua những con đường lát đá, hai bên là những cửa hàng được bài trí đẹp đẽ, những phòng tranh, hàng quà lưu niệm đầy màu sắc, những quán cà phê xinh xắn... tôi bồi hồi nhớ đến câu thơ "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo".

Ngày xưa, có lẽ những vua chúa, quý tộc, doanh nhân giàu có cũng đi qua những con đường này để quần tụ ở chốn đô thành trù phú. Tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu hổ phách ven biển Baltic, đã giúp cho Vilnius trở nên thịnh vượng trong nhiều thế kỉ Trung cổ.

Nếu muốn nhìn toàn cảnh Vilnius, du khách thường đi lên đỉnh đồi Gediminas - mang tên của vị Đại quận công cai quản Công quốc Lithuania vào thế kỉ XIV. Từ đây, tôi có thể phóng tầm mắt ra cả hai khu vực của thành phố: phố cổ với mái ngói đỏ nhấp nhô, phố mới với những công trình hiện đại lấp loáng nhôm kính. Và nhìn thấy cả dòng Neris uốn qua thành phố như dải lụa mềm.

Chiều hôm đó, nắng mùa Thu chảy tràn như mật ngọt, gió Thu hây hây thổi trên đỉnh đồi, tôi thấy mình thật may mắn khi được đến Vilnius khi Thu về, khi thành phố đẹp như một bài thơ.

Quang Chinh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kham-pha-mua-thu-chau-au-chim-dam-trong-ve-dep-cua-vilnius-lithuania-201084.html