Khám phá Mũi Vi Rồng, tuyệt tác thiên nhiên kỳ vĩ của Bình Định

Nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 70 km về phía Bắc, Mũi Vi Rồng thuộc thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định) là một trong những thắng cảnh tự nhiên nổi bật của tỉnh Bình Định. Đây là địa điểm đang được địa phương định hướng khai thác du lịch sinh thái, trải nghiệm biển kết hợp với tìm hiểu văn hóa bản địa.

Mũi Vi Rồng gây ấn tượng mạnh bởi một khối đá khổng lồ vươn ra biển, có hình dáng như vảy rồng dựng đứng giữa không gian khoáng đạt của biển trời

Mũi Vi Rồng gây ấn tượng mạnh bởi một khối đá khổng lồ vươn ra biển, có hình dáng như vảy rồng dựng đứng giữa không gian khoáng đạt của biển trời

Mũi Vi Rồng gây ấn tượng mạnh bởi một khối đá khổng lồ vươn ra biển, có hình dáng như vảy rồng dựng đứng giữa không gian khoáng đạt của biển trời. Người dân địa phương quen gọi nơi này là “Đá Vảy Rồng, hay Mũi Rồng”.

Về cảnh quan, Mũi Vi Rồng là sự hội tụ hài hòa giữa yếu tố địa chất, địa mạo và môi trường sinh thái biển. Cụm đá tự nhiên quanh khu vực tạo nên khung cảnh sống động, nổi bật như Bãi Bàn, Đá Dựng…

Đặc biệt vào lúc hoàng hôn, toàn bộ khu vực trông như một con rồng đá khổng lồ đang cất mình ra biển, một cảnh tượng ngoạn mục kết hợp giữa vẻ đẹp địa chất và không gian văn hóa.

Du khách đến đây không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, mà còn có cơ hội lắng nghe những câu chuyện truyền thuyết, ly kỳ được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Theo thời gian, hang đá tại Mũi Vi Rồng bị sóng biển bào mòn tạo ra âm thanh vang vọng như tiếng hú rồng, mang lại trải nghiệm đặc trưng cho loại hình du lịch khám phá thiên nhiên ven biển

Theo thời gian, hang đá tại Mũi Vi Rồng bị sóng biển bào mòn tạo ra âm thanh vang vọng như tiếng hú rồng, mang lại trải nghiệm đặc trưng cho loại hình du lịch khám phá thiên nhiên ven biển

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Định cho biết, theo truyền thuyết dân gian còn lưu truyền tại địa phương, vào thời nhà Đường, có một thầy địa lý nổi danh là Cao Biền người chuyên tìm kiếm và yểm trấn những vùng đất tụ khí linh thiêng, đã đặt chân đến khu vực Mũi Vi Rồng (xưa gọi là Mũi Rồng).

Khi phát hiện nơi đây có long mạch hội tụ, ông đã dùng phép thuật “yểm long” nhằm cắt đứt mạch khí, tránh phát sinh “hậu họa”.

Truyền thuyết kể rằng sau khi long mạch bị trấn yểm, vảy rồng vỡ tung, máu rồng chảy xuống tạo thành những viên đá son đỏ thắm hòa lẫn trong cát biển. Đá này rất cứng, khi mài với nước cho màu đỏ tươi, không bám tay, được gọi là “Son trời ban”.

Ông Nguyễn Văn Thành (65 tuổi), người dân địa phương chia sẻ: "Tôi lớn lên bên những khối đá này, nghe ông bà kể chuyện Cao Biền, máu rồng hóa đá son… Hồi trước tụi nhỏ hay ra tìm đá đỏ đem về khoe. Với người dân chúng tôi, Mũi Vi Rồng (còn gọi là Mũi Rồng) không chỉ là thắng cảnh mà còn là nơi linh thiêng, là phần ký ức sâu đậm của làng biển nơi đây".

Mũi Vi Rồng là sự hội tụ giữa yếu tố địa chất, địa mạo, sinh thái biển

Mũi Vi Rồng là sự hội tụ giữa yếu tố địa chất, địa mạo, sinh thái biển

Đến nay, nếu để ý kỹ, du khách vẫn có thể bắt gặp vài viên đá son nhỏ ẩn trong lớp cát ven biển như dấu tích huyền thoại còn sót lại.

Không chỉ mang đậm yếu tố tâm linh và truyền thuyết dân gian, khu vực mũi Vi Rồng còn là không gian văn hóa đặc sắc. Tại chợ Tân Phụng, các hoạt động đánh bắt, chế biến, buôn bán hải sản vẫn diễn ra tấp nập, phản ánh rõ nét sinh hoạt kinh tế biển truyền thống.

Du khách có thể dễ dàng tiếp cận các loại hải sản tươi sống và đặc sản địa phương như rượu Mỹ Thọ loại rượu thủ công làm từ nguyên liệu bản địa, mang hương vị đặc trưng, phù hợp làm quà tặng.

Bà Lê Thị Mai, một tiểu thương buôn bán tại đây cho biết: Du khách đến Mũi Vi Rồng nhiều nhất là dịp hè, đặc biệt tại Lễ hội cầu ngư của vạn chài Tân Phụng thu hút du khách thập phương tìm về cùng chung vui với bà con.

Họ thích chụp hình với mũi đá, rồi mua rượu Mỹ Thọ, cá khô, mực… Nếu du lịch phát triển hơn, đời sống bà con làm nghề biển ở đây cũng có thêm cơ hội.

Ngoài ra, thanh niên địa phương cũng đang dần tham gia vào du lịch cộng đồng. Anh Trần Minh Quân, thành viên nhóm thanh niên làm du lịch tại địa phương bày tỏ: Mũi Vi Rồng đẹp và có chiều sâu văn hóa. Nếu khai thác hợp lý, nơi này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp giữ gìn di sản, tạo việc làm cho người trẻ như tụi em.

Theo đánh giá từ Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Định, Mũi Vi Rồng là sự hội tụ giữa yếu tố địa chất, địa mạo, sinh thái biển.

Những hang đá bị sóng biển bào mòn tạo ra âm thanh vang vọng như tiếng hú rồng, mang lại trải nghiệm đặc trưng cho loại hình du lịch khám phá thiên nhiên ven biển.

Với cảnh sắc nguyên sơ, truyền thuyết dân gian đặc sắc và hệ sinh thái biển giàu giá trị, Mũi Vi Rồng được xem là tài nguyên du lịch có khả năng phát triển theo hướng gắn kết giữa bảo tồn thiên nhiên, khai thác văn hóa bản địa và phát triển sinh kế cộng đồng.

Làng biển Tân Phụng nằm cạnh Mũi Vi Rồng, với vẻ đẹp hoang sơ của một làng chài lâu năm

Làng biển Tân Phụng nằm cạnh Mũi Vi Rồng, với vẻ đẹp hoang sơ của một làng chài lâu năm

Hiện nay, địa phương đang từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch, kết nối tuyến điểm ven biển phía Bắc tỉnh Bình Định, hướng tới xây dựng Mũi Vi Rồng trở thành điểm đến hấp dẫn trong chiến lược phát triển du lịch bền vững của tỉnh giai đoạn tới.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bình Định, Mũi Vi Rồng hiện đang dần khẳng định vị trí trong bản đồ du lịch của huyện Phù Mỹ và tỉnh Bình Định.

Huyện đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập quy hoạch, tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, hướng đến phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp “không khói”.

Với hướng đi đúng đắn, Mũi Vi Rồng hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong chiến lược phát triển du lịch bền vững của Bình Định, thu hút du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, lắng nghe huyền tích và hòa mình vào đời sống văn hóa của cư dân làng biển.

PHAN HIẾU

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/kham-pha-mui-vi-rong-tuyet-tac-thien-nhien-ky-vi-cua-binh-dinh-134961.html