Khám phá nhà thờ cổ Mằng Lăng

Có dịp ghé thăm tỉnh Phú Yên, thông thường du khách sẽ đến 3 địa điểm du lịch nổi tiếng, đó là: ghềnh đá đĩa, đầm Ô Loan và đền Tháp Nhạn. Tuy nhiên, còn một địa điểm có sức hút hấp dẫn khác là nhà thờ Mằng Lăng - công trình kiến trúc tôn giáo cổ nhất Việt Nam, nơi đang lưu giữ quyển sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

Một góc nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên) - nhà thờ cổ lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

Một góc nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên) - nhà thờ cổ lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

Từ thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), đi theo quốc lộ 1A chừng 40 phút là đến nhà thờ Mằng Lăng. Nhà thờ cổ tọa lạc gần bờ sông Kỳ Lộ, thuộc địa phận xã An Trạch, huyện Tuy An. Theo ghi chép giới thiệu tại đây, nhà thờ được linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân) cho khởi công xây dựng vào năm 1892. Phải 15 năm sau công trình mới được khánh thành.

Anh Trần Xuân Nhất, một hướng dẫn viên du lịch người bản địa kể: Cách đây hơn 100 năm, khi nhà thờ chưa xây dựng, khu vực An Trạch có rất nhiều cây bằng lăng. Cứ khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, hoa đua nhau nở, nhuộm tím cả một góc trời. Khi linh mục Cố Xuân về dây xây dựng nhà thờ để truyền giáo, lúc chưa kịp đặt tên, người dân trong vùng đã gọi nhà thờ bằng tên Bằng Lăng, sau đọc chuyển thành Mằng Lăng. Từ năm 1990 trở về sau, không biết vì lý do gì, cây bằng lăng ở đây dần mất hết, nhưng tại khuôn viên nhà thờ hiện còn giữ một bàn gỗ bằng lăng mặt tròn, có đường kính đến 1,7 m, được làm từ khi nhà thờ Mằng Lăng xây dựng.

Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng trong một khuôn viên rộng hơn 5.000 m2, có nhiều cây xanh, mang dáng dấp kiến trúc Gothic thịnh hành ở châu Âu trong khoảng thế kỷ XVIII - XIX. Hai bên nhà thờ là hai tháp chuông, ở giữa là thập tự giá - biểu tượng của thánh đường. Bao bọc mặt tiền nhà thờ là những lối vào hình vòm, trông như những búp măng. Trần nhà thờ được lót la phông gỗ - không còn kiểu mái vòm đặc trưng của kiến trúc Gothic. Nhưng dấu ấn của Gothic vẫn biểu hiện ở những lối mở, thông ra hai gian bên gian chính giữa thánh đường. Nếu như các cửa sổ hình búp măng xung quanh phía trên tường bao bọc nhà thờ có màu sắc, họa tiết của kiến trúc Gothic, thì theo cảm nhận của chúng tôi, nhà thờ Mằng Lăng vẫn có chất Việt, với những họa tiết chạm trổ tinh xảo trên những cánh cửa chính bằng gỗ. Toàn bộ nhà thờ toát lên vẻ cổ xưa, với sơn phủ màu xanh xám đã sờn màu qua hàng thế kỷ tọa lạc giữa giáo xứ Mằng Lăng. So với các công trình nhà thờ nổi tiếng ở Việt Nam như: Nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh), nhà thờ Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh)…, thì quy mô của nhà thờ Mằng Lăng nhỏ hơn, nội thất giản tiện hơn.

Một trong những khám phá mới mẻ khi chúng tôi đến nhà thờ Mằng Lăng, là hang thánh đường trong lòng một quả đồi nhân tạo ở phía bên trái, nếu đi từ ngoài vào qua cổng chính. Từ một lối vào nhỏ hình vuông kê bằng đá, lại dẫn vào một không gian khá rộng lớn, mang tới cảm giác huyền bí, với vòm hang và những chân trụ trông như những khối thạch nhũ ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hay trong các động Phong Nha, động Thiên Đường (Quảng Bình). Đây chính là nơi lưu giữ cuốn giáo lý "Phép giảng tám ngày” của giáo sĩ Akexan de Rhodes, mà người địa phương vẫn hay gọi là cha Đắc Lộ. Cuốn giáo lý này đặc biệt hấp dẫn du khách, không kể người trong hay ngoại đạo, bởi nó mang giá trị của cuốn sách có in chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Cuốn sách song ngữ la tinh và quốc ngữ, được in vào năm 1651 tại Ý. Nơi hang động trong lòng quả đồi nhân tạo, cũng lưu giữ nhiều hình ảnh chụp nhà thờ Mằng Lăng từ những năm 90 tới nay, và những hiện vật giá trị với giáo xứ.

Với hàng trăm năm tồn tại, nhà thờ cổ Mằng Lăng thật sự là một địa chỉ khó bỏ qua với du khách khi dừng chân ở tỉnh Phú Yên - một trong những địa phương đầy tiềm năng du lịch nằm trên vùng duyên hải miền Trung nước ta.

Minh Vũ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/141916/kham-pha-nha-tho-co-mang-lang.htm