Khám phá những công viên cổ xưa nhất Việt Nam

Hình thành từ thế kỷ 19, Thảo Cầm Viên, Vườn Tao Đàn và Vườn Bách Thảo là những công viên cổ xưa nhất Việt Nam.

Thảo Cầm Viên được coi là công viên cổ xưa nhất Việt Nam. Lịch sử của công viên khởi đầu từ năm 1864, khi Đề đốc De La Grandìere ký nghị định cho phép xây dựng Vườn Bách Thảo tại Sài Gòn. Vào dịp kỷ niệm Quốc khánh của Pháp ngày 14/7/1869, Vườn Bách Thảo bắt đầu mở cửa thường trực cho công chúng vào tham quan.

Trong những thập niên tiếp theo, Vườn Bách Thảo liên tục được nâng cấp và xây các công trình mới như đền Kỷ Niệm (1926, nay là đền thờ Vua Hùng), viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse (1929, nay là Bào tàng Lịch sử Quốc gia). Năm 1956, Vườn Bách Thảo Sài Gòn lại được tu sửa, tái thiết và đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Sau 1975, Thảo Cầm Viên được xây dựng mới nhiều hạng mục công trình, như kè đá dọc kênh Thị Nghè, cải tạo hệ thống thoát nước và hệ thống dây điện trần... Đặc biệt là từ năm 1990, nhiều chuồng thú được cải tạo và mở rộng cho phù hợp với đời sống của từng loài thú, đã nâng tổng diện tích chuồng thú sau năm 1975 từ 8.500m2 lên đến năm 2000 là 25.000m2.

Ngày nay, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bon sai... và đang được bổ sung thêm.
Không chỉ là một trung tâm bảo tồn nổi tiếng, đây còn là một trong những địa điểm vui chơi giải trí hàng đầu của Sài Gòn.

Được thành lập từ những thập niên đầu giai đoạn thuộc địa, vườn Bách thảo Hà Nội hay công viên Bách Thảo là công viên cổ xưa nhất của Thủ đô Hà Nội. Khu vườn được người Pháp cho xây dựng trong địa phận phường Khán Xuân bên cạnh hồ Tây ngày xưa, quanh một hồ nước đẹp đã có từ lâu đời.

Khi thành lập vào năm 1890, vườn có diện tích trên 33ha, liền kề với quần thể các tòa nhà hành chính và biệt thự của người Pháp ở khu vực Ba Đình. Để cảnh quan bớt đơn điệu do địa hình bằng phẳng, các nhà thiết kế vườn đã cho đắp một ngọn đồi thấp đặt tên là núi Nùng. Vườn là nơi quy tụ nhiều giống cây bản địa quý hiếm từ Bắc chí Nam cũng như trồng thí nghiệm các loài thực vật lạ từ khắp thế giới.

Trải qua nhiều thập niên, vườn Bách thảo dần dần bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa cùng một phần khá lớn diện tích được sử dụng để xây dựng các công trình thuộc khu trung tâm hành chính Ba Đình. Diện tích vườn chỉ còn trên 10ha, nằm trong địa phận phường Ngọc Hà, quận Ba Đình.

Ngày nay vườn Bách Thảo vẫn lưu giữ được những cây thân gỗ có đường kính rất lớn, đã tồn tại qua nhiều biến cố trong lịch sử Thủ đô. Khu vườn được ví như lá phổi xanh của Hà Nội, nơi những người yêu thiên nhiên được đắm mình trong màu xanh cây lá.

Nằm ở trung tâm quận 1, công viên Tao Đàn (tên gọi đầy đủ là Công viên Văn hóa Tao Đàn) là một công viên nổi tiếng lâu đời của Sài Gòn. Nguyên khu đất xây công viên thuộc khuôn viên Dinh Toàn quyền của Pháp. Năm 1869, người Pháp cho xây con đường Miss Clavell (nay là đường Huyền Trân Công Chúa) tách khu vườn khỏi Dinh.

Khu vườn chính thức mang tên Jardin de la Ville, nhưng người Việt quen gọi đó là Vườn Ông Thượng hay Vườn Bờ-rô. Sau năm 1954, Dinh Toàn quyền trở thành phủ Tổng thống (Dinh Độc Lập) và tên vườn đổi là "Vườn Tao Đàn". Sau 1975, Vườn Tao Đàn đổi tên là "Công viên Văn hóa Tao Đàn", nhưng người dân thường gọi ngắn gọn là công viên Tao Đàn.

Trong lịch sử 150 năm của mình, công viên Tao Đàn luôn giữ vai trò là một công viên chính của thành phố. Nơi đây nổi tiếng với mật độ cây xanh dày đặc bậc nhất của Sài Gòn. Bên cạnh nét đẹp thiên nhiên, đây còn là nơi tọa lạc nhiều công trình văn hóa đặc sắc, tiêu biểu là khu đền tưởng niệm các vua Hùng được xây dựng năm 1992.

Ngày nay, công viên Tao Đàn là địa điểm thu hút đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước đến thư giãn, tham quan.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/kham-pha-nhung-cong-vien-co-xua-nhat-viet-nam-803212.html