Khám phá những hiện tượng chưa lời giải đáp trên Sao Hỏa
Cho đến nay, những hiện tượng bí ẩn xuất hiện trên sao Hỏa gây tò mò cho giới khoa học. Tuy nhiên, điều này sẽ hỗ trợ các nhà nghiên cứu rút ngắn con đường đặt chân lên Sao Hỏa trong tương lai không xa.
Trên hành trình khám phá Sao Hỏa, các nhà nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra nhữnghiện tượng bí ẩn xuất hiện trên hành tinh Đỏ- sao Hỏa. Những hiện tượng này chưa được lý giải một cách cặn kẽ, chính xác:
Bụi mù khổng lồ phun trào trên Sao Hỏa
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra đến hai đám bụi sáng – mỗi lần kéo dài khoảng 10 ngày trong năm 2012. Các đám khói có thời điểm cao lên đến 250km và trải rộng đến khoảng 480-965 km. Trước đó, các nhà khoa học cũng ghi nhận được các đám khói phun trào trên sao Hỏa thông qua kính thiên văn Hubble và dữ liệu hình ảnh bên ngoài, nhưng không có cái nào đạt đến độ cao như vậy – đám khói cao nhất được ghi nhận là 100km.
Theo nhà khoa học Agustin Sanchez-Lavega của trường đại học Pais Vasco ở Tây Ban Nha, “Độ cao 250km của đám khói này đúng là điều không tưởng, vì ranh giới giữa tầng khí quyển và ngoài vũ trụ là rất mỏng”. Nhà thiên văn không chuyên Wayne Jaeschke, dành mỗi năm 100 đêm để quan sát bầu trời, cũng đã phát hiện ra đám khói và ghi hình lại từ đài quan sát riêng của mình. Ông chia sẻ hình ảnh với bạn bè và sau đó nó được lan truyền khắp giới nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp.
Các nhà khoa học đang sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng Hubble cùng các hình ảnh từ giới không chuyên để tìm ra đám bụi được làm từ thành phần gì và bắt nguồn từ đâu. Thông tin này được công bố khoảng một tuần sau khi tàu vũ trụ không người lái Maven của NASA đáp lên sao Hỏa để nghiên cứu tầng khí quyển hành tình này. Agustin cũng cho rằng lý thuyết về cực quang từ sao Hỏa, giống như hiện tượng Bắc Cực quang của Trái Đất, cũng không thể giải thích được kích thước khổng lồ đó của đám bụi mù.
Nhật thực trên sao Hỏa
Tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), đang thực hiện sứ mệnh khám phá sao Hỏa, đã lần đầu tiên ghi lại được khoảnh khắc mặt trăng Phobos của hành tinh đỏ "ăn" một phần Mặt trời hay còn gọi là hiện tượng nhật thực một phần.
Mặc dù sao Hỏa cách xa Mặt trời hơn so với Trái đất của chúng ta, nhưng các nhà khoa học cho biết nó ánh sáng Mặt trời vẫn có thể làm hại mắt khi chúng ta ngắm trực tiếp bằng mắt thường hiện tượng nhật thực từ trên hành tinh đỏ. Tương tự, nếu tàu thăm dò Curiosity chĩa ống kính camera thẳng vào Mặt trời, hệ thống camera có thể bị phá hủy. Vì thế, tàu thăm dò Curiosity đã sử dụng một lớp lọc mật độ sáng trung tính, giảm mật độ ánh của Mặt trời xuống thấp hơn 1000 lần so với bình thường.
Đốm sáng đầy bí ẩn xuất hiện trên sao Hỏa
Bức ảnh đốm sáng bí ẩn trên sao Hỏa của NASA đã làm bừng lên những tranh cãi mới về việc tồn tại sự sống trên hành tinh đỏ. Tiến sỹ Jennifer Eigenbrode, một trong những nhà hóa sinh và địa chất học hàng đầu của NASA chia sẻ: “Tôi cho rằng nơi tốt nhất mà chúng ta có thể kiếm tìm dấu hiệu của sự sống ngoài Trái đất chính là trong những lớp đất đá được bảo vệ khỏi bức xạ ion hóa thường xuyên xảy ra trên bề mặt sao Hỏa. Việc tìm kiếm những dấu hiệu của các dạng sống vi khuẩn ngoài hành tinh cổ xưa cũng như những bằng chứng chứng minh điều này phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của những gì đã được khám phá trước đó".
Tiến sỹ Eigenbrode cũng trả lời tạp chí All About Space rằng bức xạ có thể làm thay đổi những dấu hiệu sinh học từng tồn tại, nhất là những dấu hiệu về sự sống hữu cơ, những khả năng và mức độ tác động như thế nào vẫn chưa được biết rõ. Thực tế, bất cứ biến đổi hóa học và vật lý nào cũng có thể khiến sự chắc chắn của chúng ta về sự sống trên sao Hỏa bị lung lay. Điều này cũng đúng khi nghiên cứu các dấu hiệu sinh học ngoài hành tinh.