Khám phá những ngôi chùa kỳ lạ ở Thái Lan (Kỳ 5): Nhà sư thiền trên lưng hổ và nghệ thuật xăm bùa kỳ bí

Với nền văn hóa bắt rễ sâu vào tâm linh, người Thái cho rằng, hình xăm không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, mà còn có sức mạnh kỳ diệu, có thể giúp chống lại tà ma.

Nhà sư xăm một bùa huyền thuật trong khoảng 15-30 phút.

Nhà sư xăm một bùa huyền thuật trong khoảng 15-30 phút.

Sau khi cựu trụ trì Luang Phor Pern thành ông tổ của thủ pháp nghệ thuật xăm bùa trên người, chùa Wat Bang Phra trở thành trung tâm đào tạo, huấn luyện thủ pháp xăm bùa huyền thuật linh thiêng cổ xưa (Sak Yant).

Nghệ thuật vẽ bùa trên người

Chùa Wat Bang Phra (ở huyện Nakhon Chaisi, tỉnh Nakhon Pathom) được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII, trước khi vương quốc Ayutthaya bị quân Miến Điện xâm lược vào năm 1767. Tên của chùa dịch nghĩa là “Tu viện của tượng Phật bên bờ sông” gắn với câu chuyện về hai pho tượng Phật là Luang Pho Sit Chaiyamongkon và Luang Pho Kai Sitmongkhon.

Nhằm tìm kiếm vàng mà họ cho là được giấu kín trong những bức tượng, những ngôi đền, khi chiếm đóng Ayutthaya, binh lính Miến Điện đã đốt phá đền chùa, chặt cụt đầu các pho tượng. Để cứu hai bức tượng khỏi sự cướp bóc của quân Miến Điện, người dân phải vận chuyển chúng xuống thuyền rời kinh đô Ayutthaya đem đi cất giấu. Không may,sau đó chiếc thuyền đã bị chìm trên sông Nakhon Chaisi. Sau khi được trục vớt từ sông lên, hai tượng Phật được đưa vào chùa Wat Bang Phra gần nơi hai pho tượng bị chìm.

Cựu trụ trì của chùa Wat Bang Phra là sư Phra Udom Prachanart, thường được gọi là Luang Phor Pern - một nhà sư nổi tiếng, có công lớn trong việc cải tiến và phổ biến Sak Yant (hình xăm huyền thuật) với người dân nơi đây.

Sak trong tiếng Thái có nghĩa là “khắc lên”,“xăm lên”; còn Yant là từ rút ngắn của “Yantra” trong tiếng Phạn, dùng để miêu tả những hình học có ý nghĩa đặc biệt trong thiền định mật tông. Người dân Thái Lan tin tưởng rằng những hình xăm này không chỉ đơn giản mang ý nghĩa thẩm mỹ mà còn là một loại bùa chú có thể khơi dậy quyền lực, sức mạnh siêu nhiên nhằm bảo hộ cho người sở hữu Sak Yant.

Chùa Wat Bang Phra nổi tiếng với nghệ thuật xăm “bùa” trên người.

Sak Yant (hay Yantra) có lịch sử phát triển gần 2.000 năm. Hàng ngàn năm trước, những người lính khi ra trận luôn phủ kín cơ thể họ bằng các hình xăm huyền thuật để tránh đao gươm và tên bắn trúng. Sak Yant được các vị sư xăm cho các chiến binh, giúp họ được đấng bề trên bảo hộ, ban sức mạnh trong trận chiến.

Nghệ thuật Sak Yant có lịch sử phát triển dưới sự ảnh hưởng của rất nhiều tôn giáo khác nhau. Đặc biệt, thiết kế của những hình xăm này mang đậm dấu ấn từ văn hóa Phật giáo Ấn Độ.

Cấu trúc của Sak Yant là những thiết kế hình học, động vật và thần linh kèm theo một số dòng chú được viết bằng tiếng Phạn. Những hình xăm này có thể ban phước lành, thu hút năng lượng, bảo vệ tính mạng, tài sản và nhiều lợi ích cho người mang chúng.

Nghệ thuật xăm mình Sak Yant nổi tiếng của xứ sở chùa Vàng có nguồn gốc từ Kambuja, mà ngày nay là Campuchia, vốn là một thành phố cổ của Đế quốc Khmer (802-1431). Vào thế kỷ thứ IX, những chiến binh của đế chế Khmer khi ra chiến trường thường sở hữu những những hình xăm Sak Yant che kín toàn bộ cơ thể.

Họ tin rằng sức mạnh linh thiêng được yểm trên những hình xăm sẽ bảo hộ cho họ trước những hiểm nguy trên chiến trường, thậm chí còn giúp họ ngăn cản vũ khí của quân địch xuyên da cắt thịt. Mặc dù niềm tin này nghe có vẻ vô căn cứ nhưng sự thật là đế chế Khmer và những chiến binh dũng mãnh đã trị vì Đông Nam Á trong hơn 600 năm lịch sử là điều không thể chối cãi.

Ngược dòng thời gian trở lại thời kỳ Ayutthaya, khi đức vua Somdej Pra Boroma Thrai Lokenaat trị vì, những quần thần và quan lại thường có những hình xăm Yant trên cổ tay để thể hiện địa vị xã hội của họ. Và như vậy, khởi nguồn từ Ấn Độ, hiện nay Sak Yant không chỉ trở nên phổ biến tại Thái Lan mà còn ở Campuchia, Myanmar, Lào.

Theo các sử liệu, sư Luang Phor Pern Tithakunoe sinh ra tại Nakhon Pathom Gaew Bang Thambon vào ngày 12/8/2466 Phật lịch (năm 1921). Sau khi Luang Phor Pern chào đời, vì kế sinh nhai, cha mẹ ông di cư về ngôi làng nhỏ Baan Tung Kork, quận Sorng Pi Norng thuộc tỉnh Supan Burii. Thời đó, tỉnh Supan Burii là một vùng đất có nhiều kẻ cướp khét tiếng như Suea Dam, Suea Bai, và Suea Mahaesworn...

Lớn lên trong môi trường hỗn độn nhưng Pern lại sớm bộc lộ tâm tĩnh và xuất gia tu học. Ông may mắn tìm được một trong những vị sư tài giỏi nhất thời đó là Luang Phor Daeng ở chùa Tung Kork thuộc tỉnh Supan Burii dạy tu tập. Sau đó,Luang Phor Pern tiếp tục làm đệ tử cho nhiều nhà sư là chuyên gia trong lĩnh vực yêu thuật.

Nhiều người xăm lên đỉnh đầu, nơi được cho là thiêng liêng nhất.

Nhiều người xăm lên đỉnh đầu, nơi được cho là thiêng liêng nhất.

Khi trở thành tu sĩ, Luang Phor Pern quyết đi tìm điều kỳ diệu để hỗ trợ những tráng sĩ tay không chống lại kẻ cướp có vũ khí. Ở tuổi 26, Luang Phor Pern trở thành nhà sư dưới sự chứng nhận của Phra Ajahn Huem, thầy dạy phép Phật và yêu thuật cho ông.Luang Phor Pern tiếp tục trở thành đệ tử của Agkara Khorm, để học về Yant và các ứng dụng của nó. Một hôm, ông thử xăm một lá bùa hộ thân vào da thịt mình rồi nhờ một học trò võ thuật Muay Thái đánh vào người.

Kỳ lạ thay, ông không hề đau đớn mà ngược lại, người học trò đánh ông lại bị chấn thương? Từ đó, Luang Phor Pern phát hiện ra rằng, bùa cũng có thể xăm thẳng vào cơ thể. Phát hiện đó đã khiến tất cả các võ sĩ Muay Thái đều muốn sở hữu một hình xăm bùa “5 dòng”.

Sau khi học xong, Yant của Luang Phor Pern trở nên nổi tiếng không chỉ về mặt mỹ thuật mà còn là sức mạnh tiềm ẩn trong đó. Luang Phor Pern trở thành ông tổ của thủ pháp vẽ bùa trên người.

Luang Phor Pern sau đó theo pháp ẩn cư “tu trong rừng”. Người dân địa phương truyền tụng rằng, năm 1953, khi lang thang trong những khu rừng, ở khu vực hẻo lánh của tỉnh Kanchanaburi trên biên giới Myanmar-Thái Lan, Luang Phor Pern đã giúp người dân khỏi sự tấn công của hổ dữ.

Khu rừng này có rất nhiều hổ, trước đó một số người dân địa phương đã thiệt mạng do bị hổ vồ,ban đêm hổ còn vào làng bắt gia súc. Để ngăn chặn hổ làm hại dân làng, Luang Phor Pern đã dạy họ phép katha (thần chú) và Sak Yant hình hổ lên lưng để bảo vệ họ. Kể từ thời điểm đó trở đi, không ai bị hổ hoặc các loài động vật hoang dã khác tấn công, khiến Luang Phor Pern càng nổi tiếng là bậc thầy về thần chú và hình xăm.

Vào thời điểm Luang Phor Pern qua đời vào năm 2002 ở tuổi 79, ông trở thành một trong những nhà sư nổi tiếng và được yêu mến nhất ở Thái Lan. Do sự liên kết của Luang Phor Pern với truyền thuyết về hổ ở biên giới, các hình ảnh sùng kính của nhà sư quá cố ngày nay thường mô tả ông thiền định trên lưng hổ.

Trạng thái xuất thần kỳ bí

Một hình xăm huyền thuật Sak Yant thường được cấu thành từ 3 yếu tố: Những biểu tượng Yantra, ký tự Pali và một câu thần chú tương ứng được phù phép lên cuối cùng.

Hình xăm Sak Yant được chia thành 7 nhóm phổ biến bao gồm: Kong krapan - vô hình; Klawe klaad - tránh thoát; Choke laap - điềm lành; Maha saneh - quyến rũ; Medta mah niyom - có sức ảnh hưởng đến người khác; Maha amnat - quyền lực và Maha jong ngan - đánh bại đối thủ.

Có 3 kiểu xăm mình thịnh hành ở Thái Lan đó là xăm bằng tre, xăm 5 dòng và xăm vĩnh viễn. Dụng cụ để xăm có thể là một thanh tre vót nhọn hay là thanh thép dài có gắn những mũi kim. Xăm bằng tre không gây hại nhiều cho da, ít chảy máu và chóng lành. Tuy nhiên, nó cũng gây đau đớn nhiều hơn và đòi hỏi người thợ xăm phải đạt đến độ chuyên nghiệp cao. Các nhà sư sử dụng kim chấm mực được làm từ thảo mộc và tro thuốc lá. Một hình xăm có thể được tạo nên từ 3.000 mũi kim và mất 15 phút để hoàn thành.

Diễn viên Ngô Thanh Vân với hình xăm 5 dòng.

Diễn viên Ngô Thanh Vân với hình xăm 5 dòng.

Hình xăm 5 dòng (Hah Taew Yant) là hình xăm phổ biến nhất trong các loại xăm Sak Yant. Mỗi dòng của Hah Taew Yant thể hiện một loại bùa chú và mang ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào mong muốn của người nhận. Người ta tin rằng nếu những bùa chú này được tụng 108 lần thì người có hình xăm sẽ lên một mức thiền định cao hơn.

Tuy nhiên, về cơ bản các dòng bùa chú thường có ý nghĩa như sau: dòng thứ nhất giúp ngăn cản những điều bất công, gột rửa linh hồn và bảo vệ nơi chủ thể sinh sống. Dòng thứ hai hóa giải các sao xấu và giải hạn. Dòng thứ ba bảo vệ chủ nhân khỏi bị yểm bùa hoặc nguyền rủa. Dòng thứ tư đem lại may mắn, thành công và sự giàu có. Dòng thứ năm đem đến sức hấp dẫn cho chủ nhân để thu hút người khác giới.

Hah Taew Yant không chỉ là hình xăm đẹp, tinh tế mà còn là lời chúc phúc linh thiêng từ một nhà sư hay tu sĩ theo đạo Bà La Môn. Sau khi tạo hình xăm xong, người sở hữu sẽ được ban phước và thổi một Kata (Ghata) thiêng liêng lên hình để truyền sức mạnh cho nó.

Trở lại chùa Wat Bang Phra nhiều năm sau làm trụ trì, Luang Phor Pern sử dụng tiền quyên góp của chùa xây dựng một cây cầu bắc qua sông để nông dân có thể dễ dàng đưa cây trái, nông sản của họ đến chợ ở Nakhon Chaisi hoặc xa hơn. Ông còn xây dựng bệnh viện công địa phương,ngày nay bệnh viện này mang tên ông.

Danh tiếng về trí tuệ và lòng nhân ái của Luang Phor Pern ngày càng tăng, hàng ngàn người Thái đã đến chùa Wat Bang Phra để nhận được sự ban phước của vị sư vĩ đại và trở thành đệ tử suốt đời của ông. Nhiều người đã nhận được Sak Yant từ sư trụ trì và các nhà sư mà ông ta đã tận tình đào tạo.

Để tưởng nhớ Luang Phor Pern, mỗi năm một lần vào tháng 3, chùa Wat Bang Phra đều tổ chức Lễ hội Wai Khru (có nghĩa là bày tỏ lòng tôn kính đối với người thầy) trong khuôn viên chùa. Mặt khác, sức mạnh của bất kỳ hình xăm hay bùa hộ mệnh nào cũng giảm dần theo thời gian. Vì vậy, Wai Khru còn là dịp để tái tạo sức mạnh cho hình xăm mỗi năm.Mỗi buổi lễ có sự tham gia của hàng chục ngàn người.

Nữ diễn viên Angelina Jolie có hình xăm Sak Yant nổi bật ở giữa lưng.

Nữ diễn viên Angelina Jolie có hình xăm Sak Yant nổi bật ở giữa lưng.

Những tín đồ hình xăm đến lễ hội từ sớm. Lúc đầu, trạng thái xuất thần chỉ ảnh hưởng đến một số ít người, nhưng khi trời sáng, rồi nắng lên, năng lượng tích tụ, tất cả đều rơi vào trạng thái xuất thần. Ngồi khoanh chân dưới ánh mặt trời nóng bỏng, họ xuất thần bước vào một trạng thái gọi là Khong Khuen và trở thành hình xăm của họ - Hổ, Cá sấu, Sư tử hay Thần khỉ Hanuman.

Người tham dự sẽ khua chân, múa tay, la hét như điên và làm động tác, gầm thét giống như hình con vật họ đã xăm trên mình. Nếu xăm lên mình hình một con hổ, người đó sẽ bắt đầu gào thét. Nếu hình xăm là con rắn, người đó sẽ bò trên mặt đất và thè lưỡi ra. Có cảm giác họ không còn là mình mà hành động kì lạ như có hồn ma nhập. Cuối cùng thì đám đông hỗn loạn chạy như điên hết tốc lực về ngôi đền, đặc biệt là khu đền thờ của sư thầy Luang Poh Pern.

Chính những tiếng gào thét và cả những hành động ghê sợ ấy của mỗi người sẽ khiến cho không gian lễ hội thêm thú vị nhưng cũng khá nguy hiểm. Vì vậy, những người lính và nhân viên y tế đã ngăn đám đông chạy đến đền thờ, kéo họ ra khỏi trạng thái xuất thần bằng cách xoa tai họ.

Các nhà sư sau đó dẫn đầu đám đông cầu nguyện, nạp lại sức mạnh ma thuật cho hình xăm Sak Yant của mọi người.

(Còn nữa)

Chú thích ảnh:

A:

B:

C:

D: Đám đông cuồng loạn sau khi xuất thần

E: Một người xăm hình hổ xuất thần với màn biểu diễn của Chúa Sơn lâm

F:

G:

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kham-pha-nhung-ngoi-chua-ky-la-o-thai-lan-ky-5-nha-su-thien-tren-lung-ho-va-nghe-thuat-xam-bua-ky-bi-post439379.html