Khám phá 'nóc nhà của thế giới'

Nằm ở độ cao trung bình 4.500 m so với mực nước biển, Thanh Hải - Tây Tạng là cao nguyên cao nhất hành tinh, còn được gọi là 'nóc nhà của thế giới'.

Nằm ở độ cao trung bình 4.500 m so với mực nước biển, Thanh Hải - Tây Tạng là cao nguyên cao nhất hành tinh, còn được gọi là "nóc nhà của thế giới". Cao nguyên trải dài trên diện tích 1,2 triệu km2, chiếm 1/8 diện tích Trung Quốc, được bao quanh bởi các dãy núi Himalaya, Côn Lôn, Kỳ Liên Sơn và các đỉnh núi cao: núi Everest và núi K2 (cao thứ hai thế giới sau đỉnh Everest).

Vùng đất Hy Nhĩ hay còn gọi là Khả Khả Tây Lý thuộc phần tây bắc cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, rộng 450.000 m2, ở độ cao 4.600 m so với mực nước biển và lạnh nhất cao nguyên. Khu vực ít dân cư nhất châu Á, đứng thứ ba trên thế giới sau Bắc Greenland và Nam Cực.

Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng là đầu nguồn của ba con sông lớn là Mekong, Dương Tử và Hoàng Hà. Nơi đây cũng được gọi là "cực thứ ba của Trái Đất" vì chứa trữ lượng nước ngọt lớn thứ ba sau Bắc Cực và Nam Cực.

Trong thời gian ở Thanh Hải từ 4 đến 16/6, Đoàn Trang, 28 tuổi, đã ghé thăm Khả Khả Tây Lý. Vùng đất này là khu bảo tồn quốc gia, vì vậy du khách không được tự ý tham quan. Trang, freelancer người Việt đang sinh sống ở Tokyo, Nhật Bản, cho biết cô phải đến đồn cảnh sát khu vực đăng ký mới được phép tiến vào "lãnh địa không người sống" này.

Từ Khúc Mã Lai (tỉnh Thanh Hải), huyện gần nhất di chuyển đến Khả Khả Tây Lý là hơn 300 km. Và vì không thể nghỉ qua đêm tại đây nên quãng đường cả đi cả về trong ngày của Trang là hơn 600 km.

Vùng cao nguyên có sự chênh lệch nhiệt độ lớn (trên 15 độ C). Ban đêm đường đóng băng, co lại do lạnh, ban ngày dưới nhiệt độ cao lại nở ra. Do vậy mặt đường trồi sụt liên tục, uốn lượn như đồ thị hình sin, xe chạy bập bềnh như đi trên sóng. Di chuyển cự ly dài trên địa hình cao hơn 4.500 m, Trang cho biết đây là ngày cực nhất trong cả hành trình.

"Đọc truyện Mật mã Tây Tạng, Khả Khả Tây Lý được miêu tả với khung cảnh thiên nhiên sông băng núi tuyết, khí hậu khắc nghiệt, người không thể sống nổi. Vì vậy, tôi quyết định đến nơi này để trực tiếp trải nghiệm", Trang nói.

"Vùng cấm của sự sống" Khả Khả Tây Lý có điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt. Trên vùng cao nguyên cao nhất hành tinh, bức xạ mặt trời mạnh, hàm lượng oxy thấp hơn 35% - 40% so với đồng bằng. Nhiệt độ trung bình năm từ -2,4 đến -12,1 độ C. Mùa khô dài và nhiều gió. Mùa đông và mùa xuân, Tây Tạng xuất hiện mưa đá nhiều nhất Trung quốc. Cùng với đó là nhiều hiện tượng thời thiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, mưa tuyết, bão cát, băng giá, sét thường xuyên xuất hiện.

"Những km đầu gần khu dân cư, cỏ trên thảo nguyên còn xanh mướt, vẫn thấy những đàn bò Yak nhẩn nha gặm cỏ", Trang chia sẻ. Bò Yak là động vật đặc trưng của vùng núi Himalaya. Sống ở độ cao gần 5.000 m, để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, bò Yak Tây Tạng có bộ lông dày và dài "đến nỗi gần như che mất phần chân".

Lái xe người bản địa của Trang cho biết những đàn bò Yak ở đây được dân du mục chăn thả tự do. Chúng có giá khoảng một vạn tệ (hơn 30 triệu đồng) một con.

Trong suy nghĩ của Trang, hình ảnh về cao nguyên là những đồng cỏ trải dài, xanh mướt. Nhưng càng đi sâu vào cao nguyên, sự khắc nghiệt của vùng này càng rõ rệt.

Trên thảo nguyên rộng lớn, lác đác một vài nơi cỏ mọc xanh, còn lại là đất trống hay những thảm cỏ vàng úa, khô cằn. Dù đang là mùa hè, nhiệt độ tại đây vẫn ở mức dưới 0 độ C, lớp băng vĩnh cửu bám dày trên đỉnh những ngọn núi.

Lượng mưa hàng năm ở cao nguyên Tây Tạng chỉ khoảng 10 - 30 cm và chủ yếu là mưa đá. Do độ cao lớn và lượng mưa thấp, sự đa dạng về động và thực vật trên cao nguyên giảm đi đáng kể.

Loài động vật nổi tiếng nhất của Khả Khả Tây Lý là linh dương Tây Tạng, động vật sách đỏ của Trung Quốc. Linh dương Tây Tạng được đúc tượng đặt cạnh đài tưởng niệm vị anh hùng Suonan Dajie tại đây.

Trên đường đi, Trang bắt gặp vài con linh dương. Nhờ đi cùng lái xe có kinh nghiệm nên Trang có thể quan sát được chúng do mùa hè, lông của linh dương hòa với màu đất thảo nguyên nên rất khó phân biệt. "Linh dương đực dễ nhận biết hơn vì chúng có chiếc sừng nhọn và dài trên đỉnh đầu", Trang cho biết.

Theo thông tin từ tài xế, nếu sâu vào bên trong cao nguyên sẽ có nhiều động vật hơn. Tuy nhiên, theo quy định của Khu bảo tồn, xe du lịch không được đi ra khỏi phạm vi đường bê tông.

"Thật tiếc vì đến tận đây rồi mà tôi không thể lái xe việt dã xuyên cao nguyên ngắm thú như trong truyện", Trang chia sẻ.

Trong chuyến đi, cô còn thấy một số loài động vật như cáo Tây Tạng (ảnh), lừa hoang, bò Yak, sếu cổ đen, vịt sông Dương Tử và chó ngao Tây Tạng. Cao nguyên Tây Tạng đang sở hữu 80% số lượng linh dương Tây Tạng, 80% số sếu cổ đen và 78% số bò Tây Tạng (bà Yak) hoang dã trên toàn thế giới.

Cao nguyên Tây Tạng là nơi lý tưởng để đông trùng hạ thảo phát triển và cho chất lượng tốt nhất, được hình thành từ sự kết hợp giữa ấu trùng bướm và một loài nấm ký sinh. Đây là loại dược liệu tự nhiên có nhiều công dụng trong việc tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng.

Thời điểm lý tưởng nhất để khai thác đông trùng hạ thảo Tây Tạng là vào mùa hè (khoảng tháng 5) khi mầm nấm trồi lên khỏi mặt đất. Trên đường về, Trang làm quen với một gia đình người Tạp Đa đang tìm đông trùng hạ thảo Tây Tạng (ảnh).

Đông trùng hạ thảo được bày bán tại quảng trường huyện Tạp Đa (Thanh Hải).

Đông trùng hạ thảo được bày bán tại quảng trường huyện Tạp Đa (Thanh Hải).

Mùa hè (khoảng tháng 6, 7) là lúc nền nhiệt cao nhất, thích hợp cho các trải nghiệm tại cao nguyên Tây Tạng. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9, du khách nên hạn chế đến.

Do khu vực Khả Khả Tây Lý không có sóng điện thoại, không có người ở, Trang khuyên du khách nên thuê xe kèm tài xế bản địa toàn hành trình. Gần đây, có khá nhiều địa điểm du lịch cấm người nước ngoài hoặc cần phải xin giấy phép ít nhất trước một tháng nên cần trao đổi trước với tài xế.

Trong chuyến đi, Trang đã có những trải nghiệm đặc biệt như trò chuyện với những người hành hương, người đào đông trùng hạ thảo, thăm các ngôi đền của người Tạng, xem các thầy làm lễ. Với chi phí hơn 40 triệu đồng, Trang cảm thấy hài lòng và cho biết "đây là nơi duy nhất ở Trung Quốc sẵn sàng quay lại lần hai để khám phá tiếp".

5 kinh nghiệm khi đi Trung Quốc mà không biết tiếng Trung

Không cần biết tiếng Trung, du khách vẫn có thể du lịch tự túc và trải nghiệm trọn vẹn tại Trung Quốc nếu có đầy đủ thông tin và những bước chuẩn bị chu đáo.

Độc giả Trịnh Hằng (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm du lịch Trung Quốc không cần biết tiếng Trung, sau hành trình hồi tháng 6.

Không biết một chữ Hán nào và chưa từng đến Trung Quốc, chúng tôi vẫn có hơn 10 ngày du lịch tự túc đầy trải nghiệm tuyệt vời. Hóa ra du lịch tự túc ở Trung Quốc không gian nan như chúng tôi tưởng, nếu chuẩn bị thật kỹ và không ngại hỏi người địa phương. Dưới đây là những điều nên lưu ý:

Lên kế hoạch và lịch trình chi tiết

Cho dù đi bất kỳ đâu, chúng tôi luôn lập một kế hoạch chi tiết. Riêng chuyến đi Trung Quốc, chúng tôi dành nhiều thời gian, công sức hơn mọi chuyến trước đây để lên lịch trình, bởi nếu sang đến nơi không thể dùng Google và các công cụ hỗ trợ bằng tiếng Anh, tiếng Việt thì sẽ rất khó xoay xở.

Lên lịch trình chi tiết.

Trong lịch trình của bạn cần có các thông tin: Địa điểm muốn đi, địa chỉ (ghi rõ tên và địa chỉ bằng 4 loại chữ: chữ Hán, tên tiếng Anh, tên tiếng Việt, và bính âm (pinyin - phiên âm chữ Hán). Khi bạn dùng các phần mềm chỉ đường, mua vé, đăng ký, bạn sẽ nhập pinyin vào bàn phím, khi đó trên màn hình sẽ hiện ra chữ Hán.

Bạn chỉ cần so sánh chữ Hán trên màn hình với chữ Hán trong lịch trình, nếu trùng khớp thì đó đúng là địa chỉ bạn cần đi. Khi bạn cần hỏi đường, người Trung Quốc sẽ nhìn vào chữ Hán để chỉ cho bạn, họ sẽ không hiểu nếu bạn đưa địa chỉ tiếng Anh. Như vậy, không có chữ Hán và pinyin, du khách hầu như không thể tìm hoặc hỏi đường cũng như không thể sử dụng các app trên điện thoại (vốn chỉ có tiếng Trung). Thêm nữa, bạn nên lưu ảnh của mọi địa điểm vào điện thoại.

Giờ đóng, mở cửa, giờ bán vé, phương thức bán vé và giá vé: nhiều địa điểm ở Trung Quốc chỉ bán vé hoặc đặt chỗ qua app, một số nơi có kết hợp bán vé giấy. Nhiều nơi yêu cầu đặt chỗ trước ít nhất một ngày, nếu du khách không tìm hiểu trước thì rất có thể không vào được nơi muốn tham quan. Phần lớn các bảo tàng, di tích đóng cửa vào thứ hai; mỗi mùa trong năm lại có giờ mở cửa khác nhau, do đó nên vào website để tìm hiểu trước.

Khoảng cách và phương thức di chuyển: nghiên cứu trước vị trí tương quan giữa các địa điểm để sắp xếp lộ trình hợp lý sao cho thời gian, quãng đường và chi phí thấp nhất. Đa số các điểm du lịch đều có website riêng và có gợi ý phương tiện công cộng cho du khách. Bạn chỉ cần copy những gợi ý đó vào lịch trình để bắt đúng chuyến tàu, xe buýt. Biển tên đường phố, bảng thông tin tại các nhà ga, trên tất cả chuyến tàu hỏa, tàu điện ngầm và đa số xe buýt đều có tiếng Anh nên dễ dàng nhìn thấy.

Thông tin liên lạc trong trường hợp cần thiết: đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc, các số điện thoại khẩn cấp của từng thành phố (y tế, công an, cứu hỏa), số điện thoại người thân, các nơi bạn sẽ đến (khách sạn, chủ nhà trọ, hãng bay, hãng tàu xe).

Cài và làm quen với các app Trung Quốc

Trung Quốc phát triển một hệ thống các ứng dụng rất mạnh phục vụ giao tiếp, đi lại, mua bán mà nếu không cài các ứng dụng, du khách rất khó du lịch tự túc. Ví dụ, để tìm đường, kể cả bạn có tìm cách nào đó vào được Google thì việc gợi ý lộ trình và phương tiện giao thông cũng không chính xác như ứng dụng Baidu. Để liên lạc, đặt chỗ, mua vé, rất nhiều trường hợp bạn chỉ có thể dùng phần mềm Wechat. Do đó, Baidu và Wechat là hai ứng dụng cơ bản mà mọi du khách nên cài trong điện thoại khi tự túc đi Trung Quốc.

Bạn nên mua simcard Trung Quốc để vào mạng, chỉ khi có số điện thoại bạn mới có thể đăng ký tài khoản và đăng nhập Wechat. Ngay khi mua sim, bạn hãy đề nghị nhân viên hỗ trợ kích hoạt Wechat, bởi phần mềm này yêu cầu phải có người dùng (user) đã hoạt động trên 6 tháng giới thiệu thì bạn mới có thể kích hoạt tài khoản của mình.

Một khi đã cài và dùng được Baidu và Wechat, thì việc tìm đường, lựa chọn phương tiện giao thông công cộng, liên lạc, đặt chỗ đều trở nên đơn giản. Baidu chỉ có tiếng Trung, còn Wechat có nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Việt.

Vé lên Vạn lý Trường Thành. Để thuận tiện tìm kiếm nên lưu hình ảnh điểm đến.

Cài sẵn phần mềm dịch

Với phần mềm dịch phổ biến nhất là Google Translate, bạn có thể download sẵn bộ tiếng Trung giản thể về điện thoại, như vậy kể cả khi ở Trung Quốc bạn không vào được Google hoặc không vào được mạng, bạn vẫn có thể dùng điện thoại để giao tiếp với người Trung Quốc bằng cách dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung. Đây cũng là phương thức giao tiếp phổ biến nhất của khách du lịch với cư dân địa phương suốt hành trình.

Người dân Trung Quốc rất nhiệt tình, tốt bụng, kiên nhẫn, và hầu như ai cũng có điện thoại thông minh. Rất nhiều người sẵn lòng bỏ ra 10-15 phút, thậm chí hơn để hỗ trợ. Trong số hàng trăm người chúng tôi đã gặp gỡ tại Trung Quốc, không nhiều người nói được tiếng Anh, nhưng hầu hết đều sẵn sàng giao tiếp với người nước ngoài và giúp đỡ cho đến khi đạt được kết quả.

Một bí quyết là câu hỏi càng ngắn thì phần mềm dịch càng hoạt động hiệu quả, thay vì gõ cả câu dài như "Bác làm ơn cho cháu đường đến cung điện Tử Cấm Thành là đường nào ạ?" thì bạn chỉ cần gõ "Hãy chỉ cho tôi đường đến Cố Cung".

Đặt phòng và mua vé trước

Du khách nên đặt phòng nghỉ trước khi đến Trung Quốc để tránh bị động. Dịch vụ phòng nghỉ ở Trung Quốc khá đa dạng và nhiều mức giá, từ khách sạn, homestay đến căn hộ, phổ biến từ vài trăm nghìn đến vài triệu một đêm. Bạn có thể đặt phòng trên các website như Trip.com, Booking.com, Agoda.com.

Hầu như tất cả các cơ sở lưu trú đều có số điện thoại và ID Wechat, bạn nên lưu lại các thông tin này để liên lạc với họ thuận tiện nhất, đặc biệt qua Wechat. Đa số chủ nhà luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi thông tin du lịch tại địa phương, gửi ảnh, gửi định vị, gửi các gợi ý cho bạn, dù đó vốn không phải là nhiệm vụ của họ.

Với việc di chuyển nội đô, bạn không cần mua vé tàu xe trước vì vé tàu điện, xe buýt luôn sẵn. Nhưng nếu bạn cần đi lại giữa các tỉnh thành khác nhau, bạn rất nên mua vé tàu trước và mua sớm nhất có thể. Nhiều chuyến tàu xe có thể hết chỗ khá nhanh.

Mang theo đủ tiền mặt và hộ chiếu

Luôn mang theo hộ chiếu.

Người Trung Quốc hiện nay hầu như không dùng tiền mặt, đa số dùng điện thoại và thanh toán bằng app như Alipay, Wechat. Tuy vậy du khách sẽ khó dùng app vì không có tài khoản ngân hàng Trung Quốc liên kết với ứng dụng. Không nhiều nơi có máy quẹt thẻ, do đó thẻ tín dụng quốc tế có thể không dùng được.

Hãy chuẩn bị đủ tiền mặt, cả tiền chẵn và tiền lẻ. Một lưu ý nhỏ là trên xe buýt không có phụ lái thu tiền, mà chỉ có tài xế, thường thì tài xế cũng không chuẩn bị tiền mặt để trả lại. Vì vậy nếu muốn đi xe buýt, hãy chuẩn bị sẵn tiền lẻ, tiện nhất là đồng 1 Nhân dân tệ vì giá vé xe buýt ở Trung Quốc thường dao động từ 1 đến 3 Nhân dân tệ (3.000-10.000 đồng). Khi lên xe bạn chỉ cần thả đúng số tiền vào máy thu tiền là có thể bắt đầu hành trình.

Ở hầu hết các điểm tham quan tại Trung Quốc, bạn sẽ cần xuất trình hộ chiếu khi vào cửa. Do đó hãy luôn mang theo hộ chiếu và bảo quản cẩn thận. Hành trang hàng ngày nên gọn nhất có thể, không mang các vật dụng nguy hiểm (dao kéo, bật lửa, hóa chất) vì tất cả các ga tàu điện ngầm, tàu hỏa và đa số các điểm tham quan đều có máy quét hành lý cũng như kiểm tra an ninh.

Dịch vụ du lịch ở Trung Quốc phong phú và chuyên nghiệp, môi trường sạch và an toàn, người Trung Quốc đa số thân thiện, nhiệt tình và làm việc tận tâm. Do đó bạn hoàn toàn có thể bắt đầu chuyến đi tự túc, chỉ cần chuẩn bị kỹ một chút và sẵn sàng cho những trải nghiệm mới.

NS (th)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/diem-den/kham-pha-noc-nha-cua-the-gioi-20230911090927348.htm