Khám phá nơi nguy hiểm nhất thế giới
Cách bờ biển Sao Paulo ở Brazil 150 km là Ilha da Queimada Grande, một địa danh đáng sợ, được biết nhiều hơn với tên gọi 'Đảo rắn'. Đây là nơi sinh sống của một số loài rắn độc nguy hiểm nhất trên thế giới.
Tử thần trong mỗi bước chân
Ở vị trí rất khó tiếp cận và không có người ở, Ilha da Queimada Grande cũng thường được gọi là “Đảo rắn” hay “Đảo chết” do sự hiện diện của vô số loài rắn nguy hiểm ở đây. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, cứ một mét vuông trên đảo Queimada Grande, người ta có thể tìm thấy đến 5 con rắn.
Tuy nhiên, Marcelo Duarte, một nhà sinh vật học đã đến thăm Đảo rắn nhiều lần, cho rằng, mật độ này là phóng đại, 1 con/m2 thì hợp lý hơn. Nhưng như vậy cũng rất đáng sợ: Với một con rắn cực độc trên mỗi mét vuông, người ta chỉ cách cái chết không quá ba bước chân.
Ilha da Queimada Grande còn là một khu vực được biết đến với nhiều loài thực vật khác nhau. Phần lớn đảo được bao phủ bởi rừng mưa nhiệt đới, phần còn lại gồm những tảng đá trơ trọi, làm nơi trú chân của những đàn chim di cư.
Về “cư dân rắn”, có một số câu chuyện kể rằng, bọn hải tặc đã mang rắn độc thả lên hòn đảo để bảo vệ kho báu của chúng khỏi bị trộm cướp. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
Theo các nhà nghiên cứu, gần 11 nghìn năm trước, mực nước biển dâng cao, dẫn đến sự cô lập hoàn toàn địa điểm này với đất liền, hình thành một hòn đảo trơ trọi, khó tiếp cận đối với con người.
Những loài động vật bị cô lập trên đảo Queimada Grande tiến hóa khác với những loài động vật trên đất liền trong suốt hàng thiên niên kỷ, đặc biệt là loài rắn hổ lục đầu vàng (golden lancehead).
Mặc dù độc chiếm đảo, nhưng một trong những thách thức lớn đối với loài rắn ở Ilha da Queimada Grande là chúng không có con mồi nào trên mặt đất. Các loài chim địa phương đã quá rõ sự nguy hiểm của kẻ săn mồi trên đảo nên chúng thường tránh né nơi này, hoặc cảnh giác cao độ. Chỉ có những đàn chim di cư ghé vào đảo để nghỉ ngơi sau chuyến bay dài mới dễ trở thành nạn nhân của rắn.
Để tìm thức ăn, rắn thường bò lên cây và những mỏm đá cao, tấn công con mồi. Người ta cho rằng, do tình trạng khó khăn trong kiếm sống nên trong quá trình tiến hóa, nọc của chúng phát triển cực độc đủ giết chết bất kỳ con mồi nào ngay lập tức.
Nguy cơ tuyệt chủng
Hòn đảo trước đây được biết có gần 430 nghìn con rắn sinh sống trên diện tích 430 nghìn m2. Tuy nhiên, số lượng của chúng đã giảm đi rất nhiều trong những năm qua. Trong các khu vực rừng nhiệt đới, hiện chỉ khoảng 2.000 - 4.000 con rắn được tìm thấy.
Ngoài rắn, trên đảo còn có các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác. Theo các tài liệu ghi chép, có khoảng 41 loài chim được tìm thấy trên Ilha da Queimada Grande.
Sự hạn chế về nguồn tài nguyên là một trong những lý do chính làm giảm số lượng rắn hổ lục đầu vàng, loài rắn hiện được xếp vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở Brazil. Trong những năm qua, loài rắn hổ lục đầu vàng trên đảo ngày càng trở nên mạnh mẽ và độc hơn.
Nọc độc của chúng được biết là mạnh gấp 3 - 5 lần so với nọc độc của các loài rắn độc trong đất liền. Theo các nghiên cứu, nọc độc của những con rắn này có khả năng giết chết con người chỉ trong một giờ, thậm chí làm tan chảy thịt của nạn nhân nơi vết cắn gần như ngay lập tức.
Người dân địa phương ở các thị trấn ven biển gần Queimada Grande thường kể lại hai câu chuyện rùng rợn về cái chết trên Đảo rắn. Lần nọ, một ngư dân vô tình ghé thuyền vào đảo và bước lên để chặt một buồng chuối chín.
Anh ta bị một con rắn độc cắn. Vội vàng quay trở lại thuyền nhưng anh không qua khỏi. Nọc độc của rắn đã nhanh chóng lấy mạng anh, xung quanh xác nạn nhân trên thuyền là một vũng máu lớn.
Dù không người ở, nhưng trên đảo cũng có một ngọn hải đăng được xây dựng vào năm 1909. Vào những năm 1920, hải đăng này được vận hành bởi một người đàn ông và cả gia đình của ông ta đều sinh sống ở đó. Họ có nhiệm vụ cảnh báo mọi người và ngăn không cho ai vào bờ.
Thảm kịch xảy ra vào một đêm nọ, khi những con rắn chui qua cửa sổ tấn công người đàn ông cùng với vợ và ba đứa con của ông ta. Tất cả đều bị rắn cắn chết. Hiện, ngọn hải đăng vẫn còn bị cấm lui tới, vì những lý do nguy hiểm chết người. Nó hoạt động một cách tự động, do Hải quân Brazil quản lý, bảo trì định kỳ.
Chính phủ Brazil hiện kiểm soát chặt chẽ các chuyến viếng thăm hòn đảo này. Chỉ các nhà sinh vật học mới được phép đặc biệt đến thăm Đảo rắn để nghiên cứu thêm chi tiết về rắn hổ lục đầu vàng. Tuy nhiên, trong trường hợp được chấp thuận, họ vẫn được khuyến cáo phải có bác sĩ đi theo đoàn để xử lý kịp thời trong các tình huống nguy hiểm.