Khám phá núi Ông Kéc

Núi Ông Kéc (núi Kéc hay Anh Vũ Sơn) nằm trong dãy Thất Sơn huyền bí, thuộc địa bàn phường Thới Sơn (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang), gắn liền với nhiều câu chuyện tâm linh ly kỳ. Một ngày cuối tuần, chúng tôi chinh phục đỉnh núi Kéc để khám phá những điều chưa biết về ngọn núi hùng vĩ này.

Mờ sáng, mọi người còn đang say giấc, từ TP. Long Xuyên, chúng tôi khởi hành về vùng Bảy Núi. Xe đang chạy bon bon trên đường phải dừng lại vì sự cố “bể bánh xe” ngay đình Bình Thủy. Trời còn tối, chúng tôi phải dẫn bộ, lân la hỏi chỗ vá ép.

Được một anh chủ quán thức sớm dọn đồ ra bán chỉ đường tới chỗ vá ép khoảng 1km. Ngán ngược! Những tưởng phải dẫn xe đến tận chỗ vá phải mất 1 giờ. “Trong cái rủi, có cái may”, chúng tôi được một người dân tận tình giúp đỡ dẫn đến chỗ vá xe gần đó để tiếp tục cuộc hành trình về Bảy Núi.

Hơn 8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại núi Ông Kéc. Sở dĩ có tên gọi là núi Ông Kéc vì trên ngọn núi phía Tây xuất hiện tảng đá khổng lồ nằm nhô ra, nhìn xa xa như mỏ “chim Kéc”. Mỏ Ông Kéc quay về hướng Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng) trông như một hòn non bộ khổng lồ nên người dân ở đây gọi là núi “Ông Kéc”.

Để chinh phục được núi Ông Kéc, chúng tôi phải leo lên những bậc thang quanh co, khúc khuỷu. Đây là lần đầu tiên được leo lên ngọn núi cao như vậy. Leo được một đoạn, tôi phải ngồi nghỉ mệt bên những tảng đá ven đường rất lâu mới đi tiếp được. Còn người anh đi cùng với tôi thì khỏe hơn nên vẫn tiếp tục leo.

Càng lên cao, khí hậu càng mát mẻ, ngồi thư thả bên vách đá cảm giác thật thoải mái. Thi thoảng, gió từ trong những khe núi lùa ra mát lạnh. Dọc theo con đường bậc thang, chúng tôi được tham quan nhiều điểm, như: Điện Chư Thần, Điện Ngọc Hoàng, Điện Ngũ Hành… và còn nhiều địa điểm khác. Theo ghi nhận của chúng tôi, vào những ngày cuối tuần, du khách từ các tỉnh ĐBSCL đến đây để thưởng ngoạn rất đông.

Bé Nhi (ngụ tỉnh Bạc Liêu) được gia đình dẫn lên núi khám phá vẻ đẹp của ngọn núi này. “Đây là lần đâu tiên, em được leo lên ngọn núi cao như vậy, tuy mệt nhưng em rất thích. Trong suốt hành trình leo núi, em khám phá rất nhiều cảnh đẹp, được ngắm nhìn núi rừng trên đỉnh núi này” - Bé Nhi vui vẻ tâm sự.

Bên trong hang động được trang trí, trưng bày nhiều pho tượng, bức tranh vẽ. Đặc biệt, những bài “sấm” được khắc lên trên vách đá vô cùng độc đáo. Khi leo lên núi, ngoài được khám phá các tòa điện thì suốt đường đi, chúng tôi còn được thấy những tảng đá to với những hình dạng, như: Lưỡi đao, hình người, hình đầu voi… như có bàn tay của đấng siêu nhiêu tạc nên nét đẹp rất riêng.

Sau nhiều giờ vượt dốc, chúng tôi đã chin h phục đến đỉnh núi. Gặp anh Thiện (quê ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) sinh sống trên đây nhiều năm kể cho tôi nghe về cuộc sống trên núi và những câu chuyện tâm linh về ngọn núi này.

“Lúc trước, trên đây có nhiều người sinh sống. Họ mở gian hàng buôn bán nhiều lắm, nhưng bây giờ ít rồi. Hàng ngày, tôi đi qua đi lại mấy tòa điện để thắp nhang, sẵn xem du khách khi lên đây cần gì thì tôi hướng dẫn cho họ” - anh Thiện tâm sự. Anh Thiện cho biết thêm, trên núi có những loại cây to có độ tuổi hơn 100 năm hay những ổ ong rừng to đùng nằm trên những ngọn cây cao và rất nhiều những câu chuyện hay về ngọn núi này...

Nhìn từ trên cao, du khách sẽ được thấy bao quát một bức tranh thiên nhiên “trùng trùng, điệp điệp”. Nhìn chếch về hướng Tây, những ngọn núi cao hùng vĩ được phủ bởi những mảng xanh của rừng cây tự nhiên. Dưới chân núi là một đô thị sầm uất san sát nhau, trông như một bức tranh miền sơn cước.

Xế trưa, chúng tôi nhanh chân xuống núi. Vậy là chuyến hành trình khám phá Anh Vũ Sơn kết thúc một cách tốt đẹp, đọng lại cho tôi thêm nhiều câu chuyện hay. Hãy thử một lần đến với Anh Vũ Sơn để chinh phục ngọn núi nằm trong dãy Thất Sơn huyền bí.

HÀ PHÚC

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/kham-pha-nui-ong-kec-a378264.html