Khám phá quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác

Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác là di tích nguyên gốc, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp y đức của Đại danh y trên vùng đất huyện Hương Sơn cũng như cả nước nói chung.

Ngày 26-11-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký quyết định về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 đối với 6 di tích trong toàn quốc.

Trong đó, có Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

 Tượng Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Tượng Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1990. Đây là di tích nguyên gốc, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp y đức của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trên vùng đất Hương Sơn, Hà Tĩnh cũng như cả nước nói chung.

 Lối vào khu mộ Đại danh y Lê Hữu Trác nằm dưới núi Minh Tự

Lối vào khu mộ Đại danh y Lê Hữu Trác nằm dưới núi Minh Tự

 Đường lên khu mộ

Đường lên khu mộ

Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác gồm hai khu vực: Mộ và tượng đài Lê Hữu Trác, thuộc thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung; Khu lưu niệm Lê Hữu Trác, thuộc thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm.

Khoảng cách từ mộ đến tượng đài khoảng 600m; khoảng cách từ mộ đến khu lưu niệm khoảng 7km.

Mộ nằm dưới chân núi Minh Tự, khu lưu niệm nằm bên bờ sông Ngàn Phố.

Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 70km.

 Mộ của Đại danh y như một "cánh diều sáo" nằm giữa núi rừng, thanh bình, yên tĩnh

Mộ của Đại danh y như một "cánh diều sáo" nằm giữa núi rừng, thanh bình, yên tĩnh

Khu mộ Lê Hữu Trác nằm trong khuôn viên có diện tích 17.371,3m2.

Mộ là nơi yên nghỉ của Lê Hữu Trác từ khi mất (năm 1791) đến nay, có diện tích khoảng 15m2; khuôn viên được xây bằng đá nguyên khối, nằm dưới chân núi Minh Tự, quay mặt về hướng Tây Nam, phía trước là sông Ngàn Phố. Phía Tây là núi Đại Hàm án ngữ như một bình phong che chắn, bảo vệ cho nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Đại danh y.

Khu mộ Lê Hữu Trác nằm ở vị trí có phong cảnh đẹp “Tọa sơn vọng thủy”, lại thuộc vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, nên trở thành địa điểm hấp dẫn và thu hút khách thập phương tham quan, học tập nghiên cứu.

Nhìn từ trên cao, mộ giống như một "cánh diều sáo" giữa núi rừng, với không gian bao la, thanh bình, yên tĩnh. Dù qua một số lần trùng tu, tôn tạo nhưng vị trí, hướng và hình thức mộ không thay đổi.

Ở Hà Tĩnh, đây là một khu lăng mộ rất hiếm và độc đáo, không có hình thức tương tự.

Tượng đài Lê Hữu Trác nằm trên ngọn núi Minh Tự, thuộc xã Sơn Trung, trong khuôn viên có diện tích 1.655m2. Vị trí xây dựng tượng đài là địa điểm gắn với cuộc đời hành nghề thuốc, vui thú cảnh núi rừng Hương Sơn của Hải Thượng Lãn Ông lúc sinh thời.

Tượng nằm ở độ cao 300m so với mặt nước biển, được làm bằng đá cẩm thạch, chiều cao 16,91m được ghép bởi 84 phiến đá, nặng 350 tấn. Bệ tượng cao 4,2m, chiều ngang 4,3m, mặt trước chân tượng khắc dòng chữ tiếng Việt: “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791).

Dưới chân tượng đặt bệ tượng và lư hương bằng đá nguyên khối, phía sau tượng đặt cụm hoa được tạc bằng đá nguyên khối làm điểm tựa cho tượng, trên tay phải Đại danh y cầm cuốn sách, tay trái cầm một nắm các loại cây thuốc.

Đến nay, tượng Lê Hữu Trác vẫn là một công trình tiêu biểu thể hiện được thần thái, công đức của Đại danh y xuyên suốt không gian và thời gian.

 Bức phù điêu

Bức phù điêu

Phía sau tượng là 3 bức phù điêu, trên mỗi bức khắc ghi những lời răn dạy của Lê Hữu Trác về y đức, y thuật được trích từ trong các bộ sách của ông.

Phù điêu và Tượng đài cũng là một hạng mục thuộc Dự án đầu tư, tôn tạo Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xây dựng và hoàn thành năm 2012. Toàn bộ phù điêu và tượng đài được xây dựng với hơn 400 tấn đá xanh, có những phiến đá nguyên khối nặng 17,5 tấn.

 Bia khắc ghi tiểu sử, sự nghiệp và y đức của vị Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Bia khắc ghi tiểu sử, sự nghiệp và y đức của vị Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Khu lưu niệm Lê Hữu Trác nằm trong khuôn viên có diện tích 11.249,2m2, gồm các hạng mục: cổng, nhà bia, núi giả, hồ sen, bái đường và thượng điện.

Khuôn viên được trồng rất nhiều cây ăn quả bản địa như: mít, nhãn, ổi, đào, chanh... Đặc biệt là các loại cây thuốc nam như: kim ngân, hương nhu, hà thủ ô, cà gai leo, tía tô, địa y, ổi tàu, bạc hà, sâm báo, đinh lăng...

 Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Khu lưu niệm Lê Hữu Trác có bố cục kiến trúc kiểu chữ Nhị (=), các hạng mục công trình đăng đối, hài hòa đều nằm trong khuôn viên tường bao khép kín thuận tiện cho việc tổ chức tế lễ, hội họp và gìn giữ bảo quản hiện vật…

Nhà thờ Lê Hữu Trác (thượng điện trong khu lưu niệm) cũng là một di tích nguyên gốc. Ngôi nhà này chính là nơi gắn bó gần như cả cuộc đời của Lê Hữu Trác - nơi sinh sống, nghỉ ngơi, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Đặc biệt, tại ngôi nhà này, Lê Hữu Trác đã viết trọn bộ Hải Thượng Y Tông tâm lĩnh.

 Một góc Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Một góc Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Tại Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác hiện còn lưu giữ một số tư liệu, hiện vật quan trọng gồm sách thuốc, dụng cụ bào chế thuốc.... Những tư liệu, hiện vật này vô cùng quý giá, hữu ích cho công tác nghiên cứu về Lê Hữu Trác nói riêng, y học cổ truyền nói chung.

Trong khuôn viên Khu lưu niệm Lê Hữu Trác còn trồng bảo tồn rất nhiều chủng loại cây thuốc nam quý, có thể xem là nguồn gen dự trữ quan trọng cho y học cổ truyền hiện nay.

 Tại khu lưu niệm còn có núi giả và hồ Sen

Tại khu lưu niệm còn có núi giả và hồ Sen

 Khuôn viên Khu lưu niệm Lê Hữu Trác trồng nhiều chủng loại thuốc nam quý

Khuôn viên Khu lưu niệm Lê Hữu Trác trồng nhiều chủng loại thuốc nam quý

Đại danh y Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh năm Giáp Thìn 1724, mất năm 1791, trong một gia đình nổi tiếng có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt làm quan (quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương - nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông có ý nghĩa gắn với quê cha và quê mẹ của danh nhân, trong đó: chữ Hải - lấy chữ đầu của quê cha tỉnh Hải Dương, chữ Thượng - chữ thứ hai tên thôn Bàu Thượng quê mẹ (nay là thôn Bảo Thượng); Lãn Ông nghĩa là "ông già lười" không ham lợi danh, quyền thế.

Người đời sau thường dùng các tên Hải Thượng Lãn Ông, Hải Thượng hay Lãn Ông thay cho tên Lê Hữu Trác. Cách gọi và viết liền Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là cách thường dùng hiện nay.

Thân phụ của Lê Hữu Trác là Lê Hữu Mưu (1675 - 1739), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ và làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công, Nhập thị kinh diên, được phong tước Phu đình Bá, sau khi mất được truy tặng hàm Thượng thư. Mẹ của Lê Hữu Trác là Bùi Thị Thưởng, quê xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không những là một nhà y dược học vĩ đại, đã góp phần to lớn xây dựng nền y học dân tộc nước nhà, mà còn là nhà thơ, nhà vǎn tài hoa, nhà tư tưởng tiến bộ, thấm nhuần tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”.

>> Một số hình ảnh tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác:

 Tượng Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Tượng Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

 Một số hiện vật lưu giữ tại Khu lưu niệm Lê Hữu Trác

Một số hiện vật lưu giữ tại Khu lưu niệm Lê Hữu Trác

 Truyền tán

Truyền tán

 Sinh thời, ngoài nghiên cứu bốc thuốc chữa bệnh cứu người, Đại danh y còn có thú chơi diều sáo. Ảnh: Hiện vật diều sáo tại Khu lưu niệm Lê Hữu Trác

Sinh thời, ngoài nghiên cứu bốc thuốc chữa bệnh cứu người, Đại danh y còn có thú chơi diều sáo. Ảnh: Hiện vật diều sáo tại Khu lưu niệm Lê Hữu Trác

 Chuông đồng

Chuông đồng

 Một số tư liệu bản sách thuốc Hải Thượng Y tông tâm lĩnh...

Một số tư liệu bản sách thuốc Hải Thượng Y tông tâm lĩnh...

 Nhà thờ Lê Hữu Trác nằm trong khu tưởng niệm chính là nơi Đại danh y đã gắn bó suốt cuộc đời của mình khi về quê mẹ sinh sống, nơi ông bốc thuốc, nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người

Nhà thờ Lê Hữu Trác nằm trong khu tưởng niệm chính là nơi Đại danh y đã gắn bó suốt cuộc đời của mình khi về quê mẹ sinh sống, nơi ông bốc thuốc, nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người

 Một góc Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Một góc Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

DƯƠNG QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kham-pha-quan-the-di-tich-quoc-gia-dac-biet-mo-va-khu-luu-niem-le-huu-trac-post770820.html