Khám phá siêu vận tải C-17 chở hàng hóa đoàn Tổng thống Trump dự APEC 2017 tại Đà Nẵng

Máy bay vận tải Boeing C-17 Globemaster III thường xuyên được sử dụng để vận chuyển phương tiện và hàng hóa trước các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.

Vào những năm 1970, Không quân Mỹ bắt đầu tìm kiếm giải pháp thay thế cho máy bay vận tải chiến thuật Lockheed C-130 Hercules. Chương trình phát triển máy bay vận tải hạng trung hiện đại với khả năng cất/hạ cánh trên đường băng ngắn (AMST) được khởi động, có sự tham gia của Boeing với máy bay YC-14 và McDonnell Douglas với YC-15.

Tuy nhiên, chương trình này bị dừng lại trước khi mẫu máy bay thắng cuộc được chọn, không quân Mỹ bắt đầu chương trình C-X vào tháng 11/1979 để phát triển mẫu máy bay AMST có tầm bay xa hơn nhằm phục vụ yêu cầu vận tải chiến lược nhằm thay thế cho C-141 Starlifter đang trở nên già cỗi.

Boeing C-17 Globemaster III cất cánh. (Ảnh: Boeing)

Boeing C-17 Globemaster III cất cánh. (Ảnh: Boeing)

McDonnell Douglas được chọn để phát triển mẫu máy bay này, và nguyên mẫu YC-15 được sử dụng để thiết kế mẫu máy bay vận tải mới dưới tên gọi C-17. So với YC-15, C-17 có vát chéo về phía sau, kích thước lớn hơn và động cơ khỏe hơn, điều này cho phép C-17 đảm nhận nhiệm vụ của C-141 và thậm chí một số nhiệm vụ của máy bay vận tải cỡ lớn Lockheed C-5 Galaxy.

Trong quá trình thử nghiệm, C-17 lập 33 kỷ lục thế giới, trong số đó có thời gian đạt trần bay và quãng đường cất/hạ cánh ngắn khi vận tải hàng hóa. Với 20 tấn hàng hóa, C-17 cần quãng đường cất và hạ cánh chỉ khoảng 427m.

Với 76 tấn hàng hóa, C-17 cần quãng đường cất cánh dài 2.316m và có thể bay được quãng đường 4.444km nhưng chỉ cần quãng đường hạ cánh 914m trên đường băng gồ ghề. Ngoài ra, C-17 có khả năng tiếp nhiên liệu khi đang bay.

 Boeing C-17 Globemaster III có khả năng chở 3 xe chiến đấu Strykers. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Boeing C-17 Globemaster III có khả năng chở 3 xe chiến đấu Strykers. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Chiếc C-17 đầu tiên được chế tạo tại Long Beach, California và phi đội C-17 đầu tiên chính thức hoạt động vào tháng 1/1995. Tháng 5/1995, C-17 nhận Cúp Collier cho thành tích hàng không mà chiếc máy bay vận tải này đạt được vào năm 1994.

Với chiều dài 53m và sải cánh 51,75m, C-17 có tải trọng hơn 77 tấn, có thể mang theo 102 lính dù hoặc 134 lính với ghế ngồi, hoặc chở theo 54 lính và 13 kiện hàng hóa. Ngoài ra, C-17 có thể mang theo một số hàng hóa đặc biệt khác như 1 xe tăng M1 Abrams hoặc 3 xe chiến đấu Strykers hoặc 6 xe bọc thép M1117. Tốc độ hành trình của C-17 là 829 km/h, tầm bay không tiếp liệu là 4.482 km khi chở hàng hóa hoặc 10.390 km khi chở lính dù.

Xe tăng M1 Abrams bên trong khoang chỏ hàng của Boeing C-17 Globemaster III. (Ảnh: OSM)

Xe tăng M1 Abrams bên trong khoang chỏ hàng của Boeing C-17 Globemaster III. (Ảnh: OSM)

C-17 tham gia nhiều chiến dịch của quân đội Mỹ, trong đó có chiến dịch hỗ trợ gìn giữ hòa bình tại Bosnia và chiến dịch can thiệp quân sự vào Kosovo của NATO. Năm 1998, 8 chiếc C-17 thực hiện phi vụ vận tải xa nhất trong lịch sử với quãng đường bay 14.816 km từ Mỹ đến vùng Trung Á, vận chuyển binh lính và trang thiết bị sau hơn 19 tiếng bay liên tục.

Tháng 9/2013, Boeing cho biết hãng này sẽ ngừng sản xuất C-17 Globemaster III và đóng cửa nhà máy lắp ráp C-17 cuối cùng tại Long Beach, California. Chiếc C-17 cuối cùng rời nhà máy sản xuất vào tháng 11/2015, có tổng cộng 279 chiếc C-17 được xuất xưởng.

Video: Boeing C-17 Globemaster III

C-17 có mặt chủ yếu trong không quân Mỹ, nhưng cũng có mặt trong không quân một số quốc gia khác như Anh, Kuwait, Australia, Canada, Ấn Độ, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, cùng với 12 thành viên của Chiến lượng Sáng kiến Năng lực Vận chuyển Chiến lược của NATO và Các đối tác cho Các quốc gia hòa bình.

Ngày 6/11, máy bay vận tải C-17 đã hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng để mang theo các trang thiết bị và các loại hàng hóa, vật dụng khác phục vụ cho đoàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự APEC 2017 tại Đà Nẵng ngày 10/11, sau đó là chuyến thăm của ông Trump tới Hà Nội ngày 11/11.

Năm 2016, trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Barack Obama, máy bay vận tải C-17 đã nhiều lần hạ cánh xuống sân bay Nội Bài để mang theo hàng hóa và trang thiết bị phục vụ cho chuyến thăm của ông Obama.

Các nhân viên vận chuyển hàng hóa xuống máy bay vận tải C-17 Globemaster III tại sân bay Đà Nẵng trưa 6/11. (Ảnh: CTV)

Các nhân viên vận chuyển hàng hóa xuống máy bay vận tải C-17 Globemaster III tại sân bay Đà Nẵng trưa 6/11. (Ảnh: CTV)

Trong khuôn khổ chuyến tham dự APEC 2017 tại Đà Nẵng, trưa 6/11, máy bay vận tải chở hàng hóa, đồ dùng cho đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng.

Ông Trump sẽ đến Việt Nam vào trưa 10/11 để dự diễn đàn APEC tại Đà Nẵng, sau đó ông sẽ đến Hà Nội vào ngày hôm sau để gặp gỡ, hội đàm với nhiều lãnh đạo cấp cao ở thủ đô.

Nguyễn Tiến

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kham-pha-sieu-van-tai-c-17-cho-hang-hoa-doan-tong-thong-trump-du-apec-2017-tai-da-nang-d361286.html