Khám phá Tây Tạng
Tây Tạng - vùng đất huyền bí, 'mái nhà' của thế giới về độ cao lẫn độ bao phủ của Phật giáo Tây Tạng, một trong những tôn giáo cổ xưa. Không chỉ là chốn hành hương của Phật tử, Tây Tạng còn là điểm đến mơ ước của nhiều du khách với những trải nghiệm độc đáo.
Con đường trên bầu trời
Cao nguyên Tây Tạng nằm ở phía đông bắc của dãy Himalaya hùng vĩ, trải dài trên lãnh thổ Trung Quốc và các nước Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Pakistan... Tuy nhiên, nhắc đến Khu tự trị Tây Tạng là nhắc đến vùng lãnh thổ thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nơi đây được mệnh danh là “mái nhà” của thế giới do nằm ở độ cao trung bình 4.900m so với mức nước biển. Trong nhiều thế kỷ, Tây Tạng bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi vị trí địa lý và khí hậu khắc nghiệt. Vùng đất này chỉ mới mở cửa đón khách từ năm 1980.
Để đến được Tây Tạng, cách di chuyển thuận lợi nhất là đi tàu cao tốc tuyến Thanh Hải - Tây Tạng. Tuyến đường sắt này được đưa vào vận hành năm 2006, có chiều dài 1.956km với điểm đầu là Tây Ninh (tỉnh lỵ của Thanh Hải), điểm cuối là Lhasa (thủ phủ của Tây Tạng) trong thời gian 21 giờ. Đây được coi là một tuyệt tác kỹ thuật của Trung Quốc và giữ kỷ lục về tuyến đường tàu cao nhất thế giới, được ca ngợi là “con đường trên bầu trời” bởi có tới 960km đường ray nằm ở độ cao 4.000m, đồng thời đi qua khu vực thường xuyên xảy ra động đất, nhiệt độ và áp suất khí quyển thấp.
Tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng đưa du khách băng qua thảo nguyên Khương Đường, sa mạc Gobi vàng óng và chiêm ngưỡng hồ Thanh Hải - hồ nước mặn lớn thứ hai thế giới có màu xanh bạc hà độc đáo, hay “cầu muối vạn trượng” trắng lấp lánh nổi trên hồ Sát Nhĩ Hán. Nổi bật trên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ ấy là dãy núi và dòng sông băng Tanggula ở độ cao 5.068m, nơi có nhà ga đường sắt cao nhất thế giới khiến du khách cảm nhận rõ sự khó thở do nồng độ oxy giảm mạnh. Để tránh việc sốc độ cao, các đoàn tàu đều có hệ thống cung cấp và xả oxy nhằm điều chỉnh nhiệt độ, áp suất trong cabin, đồng thời các cửa sổ được tráng men để bảo vệ hành khách khỏi tia cực tím mạnh.
Vùng đất linh thiêng và bí ẩn
Đặt chân tới Lhasa, việc đầu tiên du khách cần làm là thưởng thức một ly trà bơ giúp giảm chứng say độ cao có thể dẫn đến choáng, ngất. Để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt và độ cao này, người Tây Tạng thường ăn nhiều thịt cùng thực phẩm chủ yếu là bơ, sữa chua, trà... Mặc dù không thể trồng được trà nhưng người Tây Tạng lại tiêu dùng một số lượng rất lớn nhập khẩu từ Ấn Độ.
Tây Tạng là vùng đất đa dạng văn hóa với sự hội tụ sinh sống của các dân tộc Tạng, Môn Ba, Khương, Lạc Ba, Hán và cả các tín đồ Hồi giáo. Mỗi năm, nơi đây tổ chức hơn 100 lễ hội, trong đó thu hút khách đông nhất là tết Tây Tạng và Lễ hội Shoton.
Đến Tây Tạng, du khách nên ghé thăm Potala - cung điện cao nhất thế giới, nằm ở độ cao 3.700m so với mực nước biển, tọa lạc giữa thủ phủ Lhasa. Cung điện này được xây dựng từ thế kỷ VII nhưng có diện mạo như ngày nay là do đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm cho xây dựng lại vào năm 1645 và phải mất hơn 50 năm mới hoàn thành. Công trình bao gồm Bạch cung - nơi ở của các Đạt Lai Lạt Ma, và Hồng cung - nơi có những chörten (bảo tháp Tây Tạng) được trang trí bằng vàng và đá quý. Cung điện Potala nằm tựa lưng vào núi, cao 117m, gồm 13 tầng với 1.000 phòng... Kỳ quan tôn giáo này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1994.
Phật giáo Mật tông xuất hiện ở Tây Tạng từ thế kỷ VII nhưng phát triển mạnh nhất vào khoảng thế kỷ XI - XIV. Phật giáo Tây Tạng có những nét khác biệt so với các nền Phật giáo khác. Hằng năm, hàng nghìn Phật tử từ khắp nơi trên thế giới hành hương tới đây để được tiếp xúc với văn hóa Phật giáo cổ đại và thực hành các nghi thức “tam bộ nhất bái”, “nhất bộ nhất bái”, đến các địa điểm linh thiêng như thánh hồ Namtso, đỉnh núi thiêng Kailash, chùa Đại Chiêu...
Ngoài ra, ở Tây Tạng có rất nhiều tu viện lớn như tu viện Sakya xây dựng năm 1268, được thiết kế để phòng thủ với các tháp canh ở mỗi góc của những bức tường cao vút. Bên trong tu viện cất giữ nhiều tượng Phật, tượng các vị vua và Lạt ma Tây Tạng mạ vàng. Đặc biệt, tu viện này còn có thư viện lớn nhất Tây Tạng với bộ sưu tập 24.000 văn bản bao gồm 8.848 hàng tập kinh, trong đó có bản kinh lớn nhất và dài nhất ở Tây Tạng được viết bằng vàng có niên đại 800 năm.
Nếu là người thích thử thách, du khách không nên bỏ qua con đường mòn Tây Tạng - nơi được biết đến với khung cảnh thiên nhiên và hiện tượng cực quang tuyệt đẹp. Muốn tìm hiểu văn hóa bản địa Tây Tạng, du khách có thể tìm hiểu các loại hình nghệ thuật truyền thống như kỹ thuật vẽ tranh thủy mặc; chơi các môn thể thao truyền thống như cưỡi ngựa, bắn tên, đấu vật hay tìm mua những chiếc khăn quàng, thảm trải sàn được làm thủ công về làm quà cho người thân...
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/du-lich/206385/kham-pha-tay-tang