Khám phá thú vị về lực lượng kỵ binh tại New York

New York, thành phố vốn sầm uất và phồn hoa, nơi những chiếc taxi vàng chạy ngang dọc đã trở thành một biểu tượng của thành phố. Nhưng chỉ những người dân bản địa mới biết rằng, thành phố này còn có thêm một biểu tượng khác: lực lượng kỵ binh.

Một sĩ quan thuộc đội Kỵ binh New York. Ảnh: NF

Bên trong một khu nhà yên ắng lại là trụ sợ của đội kỵ binh thành phố. Đội ngũ phóng viên của tờ Noelle Floyd, một trong những trang tin điện tử nổi tiếng dành cho dân cưỡi ngựa tại Mỹ đã có cuộc hành trình tham quan và tìm hiểu thêm về đội ngũ này.

Mỗi chú ngựa đều có một ký hiệu và phù hiệu riêng. Chúng đại diện cho năm và thứ tự các chú ngựa được đưa vào lực lượng.

Một phù hiệu của chú ngựa tại MPNYPD. Ảnh: NF

Vậy việc tuyển chọn giống ngựa được tiến hành ra sao? Các sĩ quan được lựa chọn cho đội kỵ binh được tuyển chọn thế nào? Thành phố New York trông có khác biệt khi ngồi trên lưng ngựa không? Đó là những câu hỏi mà chúng ta nghĩ ngay tới.

Tuyển chọn sĩ quan

Điều đáng ngạc nhiên là những sĩ quan thuộc đội kỵ binh không yêu cầu phải có kinh nghiệm cưỡi ngựa khi được tuyển chọn. Thậm chí, đội ngũ này còn ưu tiên cho những người chẳng biết gì về ngựa.

Bên trong trụ sở của NYPDMU. Ảnh: NF

"Chúng tôi thích những người chưa từng tiếp xúc với ngựa hơn, vì chúng tôi có thể đào tạo họ theo đúng tiêu chuẩn của cảnh sát New York", Trung sĩ Rafael Laskowski cho hay. Bản thân ông cũng không có kinh nghiệm gì với ngựa trước khi được tuyển chọn vào đội năm 2012.

Một sĩ quan phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm tuần tra trước khi được xin vào đội. Bản thân sĩ quan Andi Gjeci đã tuần tra khu Bronx tới 7 năm trước đó. Đối với sĩ quan Pamela Bond, cô tuần tra khu Chinatown 5 năm.

Bond và ngựa Torch của mình. Ảnh: NF

"Khi lần đầu tiên tôi thấy kỵ binh, tôi vẫn còn là một người thường. Tôi nghĩ trong đầu rằng đây là thứ tôi muốn làm. Chính vì thế tôi xin vào đội ngũ cảnh sát và trải qua các bước huấn luyện để được như hôm nay", cô Bond giải thích.

"Sau vài năm tuần tra trên đường một cách truyền thống, tôi đã nộp đơn vào đội Kỵ binh. Mất vài năm, đơn của tôi mới được xét duyệt. Tôi đã chờ và cuối cùng cũng được phỏng vấn".

Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn và bài thi thể lực, các sĩ quan sẽ được đặc huấn trong vòng 3 tháng tại trường dạy cưỡi ngựa Remount ở khu công viên Pelham Bay, cách thành phố New York 10 km.

"Mỗi ngày chúng tôi đều tập thể lực và cưỡi ngựa từ 5 tới 6 tiếng, và đó mới chỉ là tập luyện cơ bản", ông Laskowski cho hay. "Sau khi được phân về đội, mỗi ngày tuần tra là một ngày chúng tôi học được điều mới".

Lựa chọn giống ngựa

Chú ngựa Torch của Bond. Ảnh: NF

Giống ngựa được Kỵ binh New York lựa chọn không có tiêu chuẩn đặc biệt. Tuy nhiên, chúng phải đáng tin, tự tin và dũng cảm. Từ các quỹ từ thiện hay các buổi đấu giá, lực lượng sẽ tìm kiếm những chú ngựa thiến từ 5 tới 10 tuổi, cao từ 15.3 tới 16.2 bàn tay.

"Giống ngựa hay màu sắc đều không quan trọng. Quan trọng là bản thân chú ngựa đó có tố chất trở thành thành viên đội Kỵ binh hay không", Phó Thanh tra Barry Gelbman cho hay.

"Liệu chúng có thể rời các trang trại và đi trên đường, chạy ngang các chiếc xe hiện đại hay không, có thể thân thiện với người dân khi họ vuốt ve hay chụp ảnh với chúng hay không. Đó thật sự là một môi trường khác biệt với các chú ngựa", ông cho hay.

Ghép cặp

Các Kỵ binh tuần tra tại thành phố New York. Ảnh: NF

Sau khi tốt nghiệp Remount, các sĩ quan sẽ được phân một chú ngựa cho riêng mình.

"Hầu hết mọi người đều có ngựa riêng. Tuy nhiên những người mới thì được thử nghiệm rất nhiều chú ngựa để có trải nghiệm các giống ngựa và cách cưỡi khác nhau", ông Laskowski giải thích.

"Sau một thời gian, chúng tôi sẽ tìm chú ngựa phù hợp cho mỗi sĩ quan và cho họ ra đường xem họ có phù hợp với nhau không. Nếu như không, chúng tôi lại tiếp tục đổi".

Sau 6 tháng thử việc, các sĩ quan sẽ được lựa chọn một chú ngựa cho riêng mình. Việc ghép đôi không đơn giản như việc ghép người nhỏ tuổi nhất với chú ngựa nhỏ nhất, mà phụ thuộc vào tính cách, năng lực, thể hình và kinh nghiệm.

Đội Kỵ binh đi tuần hàng ngày. Ảnh: NF

"Chúng tôi quan tâm tới kỹ năng của người cưỡi và tính cách của con ngựa. Việc này không hề có hướng dẫn cụ thể nào, mà dựa vào cảm quan mà chúng tôi ghép cặp cho họ. Có đôi khi mọi việc không thành", ông Gelbman cho hay. "Tuy nhiên, việc chúng tôi kỵ nhất là áp đặt ngựa cho mỗi người".

Thông thường sau khi ghép đôi, họ sẽ là đồng nghiệp cho tới hết sự nghiệp. Điều này sẽ giúp cả hai gắn kết và tạo nên một sự ăn ý hơn theo thời gian.

"Bạn sẽ biết chính xác chú ngựa bạn đang làm gì và cảm thấy sao. Bạn sẽ biết "đồng nghiệp" này của bạn thích khu phố nào và không thích khu nào. Đó là một mối quan hệ đặc biệt", ông Laskowski chia sẻ.

Một người dân vuốt ve chú ngựa của đội Kỵ binh. Ảnh: NF

Sĩ quan Jonathan Azzaro đã gia nhập lực lượng kỵ binh vào năm 2017 và được ghép đôi với chú ngựa có tên Broadway, chú ngựa được tuyển mộ từ năm 2009.

"Broadway rất giống tôi, rất nhiều năng lượng và không muốn ngồi yên. Chúng tôi như sinh ra dành cho nhau vậy", Azzaro chia sẻ. "Broadway rất dễ thương, rất thích trẻ con và thích nhất khi được ôm".

Công việc

Chiều cao là lợi thế của đội Kỵ binh. Ảnh: NF

Từ năm 1858 tới nay, đội Kỵ binh đã tuần tra các khu phố của New York. Chiều cao vẫn là lợi thế lớn nhất của đội kỵ binh.

"Khi nhìn từ trên cao, chúng tôi có thể thấy khoảng cách rất xa, cách đó 3-4 dãy nhà. Chúng tôi có thể chạy tới một cách nhanh nhất", ông Laskowski cho hay.

Năm 2010, một chiếc xe chở đầy khí propane và pháo hoa được phát hiện tại Times Square. Một người bán rong đã ngay lập tức cảnh báo cho đội kỵ binh. Chỉ trong vài phút, cả khu vực đã được sơ tán và lực lượng khẩn cấp đã được điều động. Nếu không nhờ hành động này, hàng chục nghìn người có lẽ đã thiệt mạng.

"Chúng tôi rất bắt mắt, và người dân thấy chúng tôi đầu tiên. Họ tới tìm chúng tôi khi cần giúp đỡ vì chúng tôi dễ nhận biết hơn một sĩ quan đi tuần thông thường", Bond giải thích. "Nhiệm vụ của chúng tôi không khác gì cảnh sát thông thường, chỉ có điều chúng tôi không thể vào các tòa nhà thôi".

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kham-pha-thu-vi-ve-luc-luong-ky-binh-tai-new-york-post81966.html