Khám phá 'trái tim' của Mường Phăng

Trên bản đồ du lịch, bản Che Căn ở vị trí trung tâm của vùng đất Mường Phăng lịch sử. Từ đây có thể tới tham quan Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, leo lên đỉnh núi Pú Huốt nhìn toàn cảnh TP Điện Biên, hay vào bản làng nghề truyền thống của người H'Mông, người Khơ Mú, đạp xe qua rừng dẻ, ngắm hoa đào bên hồ Pá Khoang thơ mộng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đường tới bản Che Căn băng qua thung lũng Mường Phăng, hướng về phía dãy núi Pú Đồn. Đây cũng là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh Điện Biên, nơi mang tới cho du khách một hành trình trọn vẹn với các không gian văn hóa, cùng những trải nghiệm độc đáo gắn với phong tục tập quán của người dân Tây Bắc.

Đón khách vào bản trên những chiếc xe trâu, du khách vừa ngồi thong dong vừa có thể mường tượng về các điểm check-in cần tới. Cao nhất là đỉnh Pú Huốt cao hơn 1.700 m so mặt biển. Xa nhất là tới bản Loọng Luông tìm hiểu nghề truyền thống của người H’Mông như rèn, đan lát, thêu, dệt thổ cẩm. Hai mùa đẹp nhất trong năm là mùa xuân hoa ban, hoa đào nở thì dự lễ hội hoa tại hồ Pá Khoang, còn mùa thu lúa chín vàng thì chỉ cần đạp xe quanh thung lũng Mường Phăng là hưởng trọn hương vị Tây Bắc. Giữa núi non trùng điệp, cùng các điểm du lịch quy tụ chung quanh, dễ hiểu vì sao bản Che Căn được xem như “trái tim” của du lịch Mường Phăng.

Chủ nhân của Che Căn là những gia đình dân tộc Thái đen định cư từ nhiều đời nay. Gần 100 hộ dân là chừng ấy nếp nhà sàn truyền thống với kiến trúc kiểu dáng mai rùa, mái ngói rêu đỏ nổi bật. Điều đáng trân trọng là người dân luôn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái cổ, từ trang phục, tín ngưỡng, lễ hội. Tại đây, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ truyền thống... vẫn được bà con làm trong lúc nông nhàn, nên thật dễ bắt gặp khung cảnh các bà, các cô lách cách dệt vải bên hiên nhà, hay những cụ ông tỉ mẩn đan lát giỏ nơm, thúng mủng chuẩn bị cho vụ mùa.

Chân thật, mộc mạc và hiếu khách là cảm nhận chung của du khách khi tới bản Che Căn. Mọi người có thể cùng nhau thu hái nông sản theo mùa, nổi lửa làm các món ăn đặc trưng như cá nướng (pa pỉnh tộp), nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, nậm pịa… tiếp năng lượng để ngày mới bắt đầu với tour trải nghiệm bè mảng vãng cảnh hồ Pá Khoang.

Theo Nguyễn Lê/Báo Nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/kham-pha-trai-tim-cua-muong-phang/20210311085748804