Khám phá trưng bày số hóa tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong một hệ thống đồng bộ xuyên suốt từ việc sưu tầm, quản lý tài liệu hiện vật, đến công tác số hóa trưng bày, công tác truyền thông thông qua các thiết bị công nghệ đa phương tiện.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Là bảo tàng chuyên ngành báo chí, lĩnh vực đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác và thường xuyên đổi mới công nghệ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam luôn coi trọng diện trưng bày số hóa và xem là một trong bốn diện trưng bày chủ lực. Ba diện còn lại là trưng bày tài liệu, hiện vật trong tủ, bục, giá kệ; trưng bày trên hệ thống đai vách và trưng bày tại trục quay”.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam đặt 72 màn hình các loại tại các khu trưng bày.
Bảo tàng đã hợp tác với các đối tác để xây dựng phần mềm quản lý các khâu trong hoạt động bảo tàng. Tại Dự án Trưng bày mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã triển khai và hoàn thành thì diện trưng bày số hóa được đầu tư đồng bộ với hệ thống màn hình chạm, SmartTV và màn chiếu được đặt ở tất cả các không gian trưng bày.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia làm 2 tầng trưng bày trên diện tích gần 1500 m2. Tầng 1 gồm gian Khánh tiết và không gian trưng bày Báo chí Việt Nam các giai đoạn từ 1865 - 1975. Tại đây, Bảo tàng đặt 14 màn hình để khách tham quan trải nghiệm và loa định hướng âm thanh.
Tầng 2 gồm không gian trưng bày Báo chí Việt Nam từ 1975 đến nay, trưng bày báo chí 63 tỉnh thành, 5 cơ quan báo chí lớn, 3 chủ đề báo chí, không gian trải nghiệm các loại hình báo chí, khu tra cứu…
Tại đây, Bảo tàng bố trí 58 màn hình chạm và trình chiếu được sắp xếp lần lượt theo từng không gian. Việc đưa các màn hình tra cứu số hóa đã giúp Bảo tàng đăng tải lượng thông tin phong phú trong điều kiện diện tích trưng bày còn khiêm tốn, đặc biệt là ở khu vực trưng bày báo chí địa phương.
Gian trưng bày báo chí 63 tỉnh thành
Mỗi không gian trưng bày của Bảo tàng được đặt các màn hình tương ứng để khách tham quan tra cứu. Tại các màn hình này có đăng tải hình ảnh và phim phù hợp với các giai đoạn. Với lượng thông tin lên tới 2TB và kết nối trực tuyến với máy chủ, khách tham quan có thể tiếp cận lượng thông tin phong phú và cán bộ bảo tàng có thể dễ dàng đăng nhập để quản lý, cập nhật số hóa trưng bày liên tục ở bất kỳ đâu.
Đại sứ Anh Quốc Gareth Ward, sau chuyến tham quan, đã bày tỏ ấn tượng với không gian trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam và cho rằng: “Cách trưng bày của Bảo tàng rất hiện đại, cuốn hút đã làm nổi bật vai trò to lớn của báo chí đối với đất nước”.
Đại sứ Anh Quốc Gareth Ward (ở giữa) trải nghiệm tra cứu thông tin tại khu trưng bày Hội Nhà báo Việt Nam
Với việc trưng bày số hóa, các âm thanh, hình ảnh, thước phim, các chân dung nhà báo và các câu chuyện báo chí có thể được kể một cách hấp dẫn, sống động.
Chị Nguyễn Hằng, một công chúng báo chí đến từ Hà Nội, chia sẻ những cảm nhận qua các bộ phim giới thiệu về lịch sử báo chí Việt Nam: “Tôi rất thích đọc sách báo và tìm hiểu về báo chí Việt Nam. Khi tham quan Bảo tàng Báo chí tôi ấn tượng với những hình ảnh được truyền tải sinh động, ngắn gọn về các thời kỳ lịch sử của báo chí thông qua không chỉ các tài liệu, hiện vật gốc mà còn từ các màn hình chạm tại Bảo tàng”.
Sinh viên báo chí trải nghiệm màn hình số hóa về các loại hình báo chí.
Ấn tượng với không gian trưng bày của Bảo tàng, Nhà báo Mai Dung, Kênh VOVFM89 bày tỏ cảm nghĩ: “Ở lần sinh hoạt ngoại khóa này, các phóng viên Chi hội Nhà báo Kênh Sức khỏe và an toàn thực phẩm (VOVFM 89), Đài Tiếng nói Việt Nam chọn điểm đến là Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây là một không gian hấp dẫn với những nét trưng bày truyền thống và ứng dụng công nghệ hiện đại, một không gian của sự tiếp nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Một không gian của sự tâm huyết”.
Chia sẻ về việc hoàn thiện không gian trưng bày thường xuyên sắp tới. Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Bảo tàng đang trong giai đoạn bổ sung tài liệu, hiện vật và tư liệu số hóa làm phong phú hơn cho khu vực trưng bày 63 tỉnh thành và sẽ hoàn thành trước thời điểm diễn ra Đại hội XI, Hội Nhà báo Việt Nam. Ở giai đoạn tiếp theo, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ xây dựng hoàn chỉnh bảo tàng trực tuyến, bảo tàng ảo, bảo tàng 3D…để phục vụ tốt nhất nhu cầu tìm hiểu, tham quan của công chúng”.