Tọa lạc ở số 13/32 ấp Tăng Phú , phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP. Hồ Chí Minh, chùa Phước Tường là một tổ đình danh tiếng của mảnh đất Sài Gòn xưa.
Chùa được Thiền sư Linh Quang – Phật Chiếu khai sáng vào năm 1741. Ban đầu, chùa ở gần chợ Tăng Nhơn Phú. Đến năm 1834, chùa được dời về địa điểm hiện nay.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần dưới thời nhà Nguyễn. Kiến trúc ngôi chùa ngày nay là kết quả của những đợt trùng kiến vào những năm 1930, năm 1952 và năm 1991.
Khu nhà chính của chùa được xây theo hình chữ "Tam", gồm 3 căn nhà song song nối tiếp nhau, chiều ngang 12m, chiều dài hơn 50m. Nội thất được thiết kế theo trục dọc gồm điện Phật, nhà Tổ, nhà giảng, sân lộ thiên, nhà Giám Trai...
Tiền điện có bố trí tượng Hộ Pháp. Đại Hùng Bảo Điện tức là chánh điện rộng rãi. Bàn thờ chính thờ Tam Thế Phật, bộ tượng bằng gỗ, thếp vàng. Ngoài ra còn có thờ Di Đà Tam Tôn, Thích Ca thành đạo, Tất Đạt Đa giáng thế, Di Lặc, Kim Cương, kể cả Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu...
Xung quanh chánh điện là bàn thờ Thập Điện Minh Vương, Quan Thánh Đế Quân, Phật Dược Sư, Long Vương… Theo thống kê, chùa có khoảng 40 pho tượng thờ, đa số được tạc bằng gỗ quý. Một số tượng có từ thế kỷ 19.
Giữa các gian nhà của chùa có giếng trời rộng, ở giữa có hòn non bộ, tạo nên cảnh trí thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên.
Khuôn viên chùa khá rộng, với iện tích đất vào khoảng 3 ha, được bao phủ bởi rất nhiều cây cổ thụ.
Ngoài khu chùa chính, trong khuôn viên chùa Phước Tường còn nhiều công trình khác như tháp Tổ, nhà Quan Âm...
Vào năm 1993, chùa đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia của Việt Nam.
Một số hình ảnh khác về chùa Phước Tường.
Theo Quốc Lê/Kiến thức