Khám phá vùng chè hữu cơ cổ thụ Tân Thành

Mất khoảng nửa giờ leo núi lên độ cao trên 1.200 m tôi mới chạm đến vùng đất của những gia tộc người Dao trên vùng núi Nậm An, Tân Thành (Bắc Quang). Một vùng non xanh soi bóng xuống hồ Thủy điện Nậm Mu đẹp ngỡ ngàng!

Những cô gái Dao đỏ thu hái chè Xuân trên sườn núi Nậm An (sườn Đông dải Tây Côn Lĩnh)

Những cô gái Dao đỏ thu hái chè Xuân trên sườn núi Nậm An (sườn Đông dải Tây Côn Lĩnh)

Cầm trên tay chén trà nóng mới pha, một làn khói mỏng manh tựa như sương sớm mùa Thu quyện quanh miệng. Hít một hơi rồi nhấp miệng, vị chát ngọt đọng lại nơi cuống họng... Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành khoe: Trà hữu cơ Shan tuyết Nậm An, Nậm Mu đấy. 2 thôn nằm trên độ cao khoảng 1.200 – 1.350 m so với mực nước biển là vùng chè Shan cổ thụ với hơn 90 hộ sinh sống. Năm 2019, Hiệp hội Chè Việt đã lên khảo sát, tìm hiểu lịch sử văn hóa tộc người sinh sống tại vùng chè đã xác định: Chè Shan tuyết Nậm An, Nậm Mu có tuổi đời hàng trăm năm. Vùng quần thể chè Shan Nậm An. Nậm Mu có diện tích trên 90 ha, chạy dọc sườn Đông dải Tây Côn Lĩnh. Toàn bộ diện tích chè Nậm An, Nậm Mu được thu hái tự nhiên và được người dân chế biến theo lối cổ truyền nên giá trị kinh tế rất cao. Đầu năm 2020, Hiệp hội Chè Việt đã xác định và cấp Bằng công nhận vùng chè Shan tuyết 2 thôn Nậm An, Nậm Mu là vùng chè cổ thụ hữu cơ quý hiếm cần được gìn giữ, bảo tồn. Ông Vinh Sính, thôn Nậm An cho biết: Chè đầu vụ năm nay cho rất nhiều búp, người dân mừng lắm. Giá thu mua chè búp tươi đầu năm đang dao động từ 15 – 25 ngàn đồng/kg. Riêng giá bán chè búp tươi loại đặc biệt cả trăm ngàn đồng mỗi kg. Còn giá bán chè xanh sao suốt cũng chia làm nhiều loại, dao động từ 180 – 250 ngàn đồng/kg. Đối với Bạch trà, Hồng trà giá lên tới tiền triệu mỗi kg.

Kể về lai lịch vùng chè Shan cổ thụ, ông Vinh Sính cho biết thêm: Nậm An và Nậm Mu xưa kia có rất nhiều cây Ngọc Am. Cùng với đó, cây chè Shan tuyết cũng hình thành. Ngay đầu năm nay, Nậm An đã đón một số nhà khoa học, du khách tìm về nghiên cứu, khám phá chè cổ thụ. Mới đây cũng đã có người quay lại với nhiều dự định xây dựng vùng chè cổ thụ thành vùng bảo tồn nguồn gen. Đồng thời, xây dựng vùng chè Nậm An, Nậm Mu thành một khu du lịch nghỉ dưỡng trên độ cao 1.300 m ngắm sườn Đông dải Tây Côn Lĩnh. Xây dựng vùng lòng hồ Thủy điện Nậm Mu thành vùng hồ sinh thái trên đỉnh trời. Bật mí cho tôi, anh Vinh Sính thì thầm: Lòng hồ Thủy điện Nậm Mu hiện có rất nhiều loài cá quý; ngoài cung cấp nước phát điện còn có thể nuôi cá nước lạnh, cung cấp các dịch vụ vui chơi giải trí cho du khách.

Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, Hà Việt Hưng cho biết, huyện đặt mục tiêu xây dựng Nậm An thành khu du lịch sinh thái. Lấy vùng non nước, mây trời sườn Đông dải Tây Côn Lĩnh làm cảnh quan với trên 90 ha chè hữu cơ cổ thụ, cùng với chè cổ thụ còn có gần 350 ha cây Thảo quả dưới tán rừng nguyên sinh Tây Côn Lĩnh, lấy bản sắc tộc người bản địa với 54 hộ làm chủ thể để thiết lập vùng kinh tế xanh, bền vững.

Trước lúc chia tay, ông Vinh Sính níu tay: Nếu được chính quyền các cấp ủng hộ sẽ có nhiều gia đình trên vùng chè cổ Nậm An, Mậm Mu cùng chung tay khởi xướng xây dựng vùng kinh tế xanh. Mong rằng, ước mơ của người dân trên vùng chè cổ Nậm An sẽ sớm thành hiện thực.

Bài, ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202105/kham-pha-vung-che-huu-co-co-thu-tan-thanh-775599/