Khám phá Vườn Di sản ASEAN

Cách TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) khoảng 50 km về phía Tây Bắc, với diện tích 18.765 ha, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát được vinh danh là Vườn Di sản ASEAN năm 2019.

Ngày 10/12/2020, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tổ chức Lễ trao chứng nhận và vinh danh Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát tỉnh Tây Ninh là Vườn di sản ASEAN.

Dọc Quốc lộ 22B, chúng tôi đi theo hướng Tây Bắc, đến ngã ba Tân Bình, rẽ vào một con đường nhỏ, đến cầu Tà Xia. Xung quanh đây, chúng tôi cảm nhận được không khí trong lành mát mẻ của những tán cây xanh. Điểm đến của chúng tôi là Khu du lịch sinh thái Đa Ha, nơi giữ gìn và bảo tồn những gì được gọi quý giá nhất của rừng. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là nơi đây thực sự yên bình và mát mẻ. Chúng tôi được các anh thuộc Trung tâm Giáo dục và Môi trường Rừng giới thiệu về vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Không gian nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Không gian nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Hệ sinh thái của rừng mang đặc trưng của rừng vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát không chỉ là nơi bảo tồn cây gỗ, cây thuốc, chim thú quý hiếm mà còn nổi lên như là một điểm du lịch sinh thái trải nghiệm thú vị.

Chúng tôi được chào đón bằng món bánh xèo rau rừng. Bánh xèo ở đây đặc biệt ở chổ là được chế biến từ những sản vật của rừng ban tặng. Nhân bánh được làm từ măng rừng, ăn kèm với các loại rau rừng như chòi mòi, kim cang, lá bứa… tạo ra một mùi vị đặc trưng khó cưỡng, chinh phục những thực khách khó tính nhất. Nếu các bạn đến đây có nhu cầu khám phá băng rừng thì xe đạp xuyên rừng sẽ là một trải nghiệm vô cùng lý thú.

Tối đến quây quần bên lửa trại, nghe tiếng con trùng kêu giữa bạt ngàn rừng cây, chúng tôi thấy con người quá nhỏ bé so với thiên nhiên.

Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá. Đi theo con đường xuyên rừng, cảm giác của chúng tôi thật không thể tả bởi cánh rừng rộng mênh mông, có một con đường xuyên ngang giống như một dải lụa trải dài trên các ngọn cây. Các anh nói, nếu vào thời điểm thích hợp, trên đường đi sẽ thấy được khỉ, gà rừng, sóc…

Chúng tôi đang đi đến một điểm để tìm cây ăn thịt, chính xác hơn là cây nắp ấm Thorel. Loài cây này xuất hiện lần đầu tiên tại Bình Dương nhưng sau hơn 100 năm, nó mới lại được tìm thấy ở Vườn Quốc gia này. Điều đó nói lên rằng hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát vô cùng đa dạng và phong phú.

Nắp ấm Thorel. Ảnh: Võ Thanh Tùng

Nắp ấm Thorel. Ảnh: Võ Thanh Tùng

Tiếp theo, các anh dẫn chúng tôi đến thăm chốt Tà Nốt, một trong những điểm check-in không thể bỏ qua khi đến thăm Vườn Quốc gia này. Ở đây có một tháp canh cao hơn 30m. Đứng trên tòa tháp này, có thể nhìn thấy toàn cảnh cả khu rừng hùng vĩ. Xung quanh tháp canh có một rạch nước nhỏ, các anh chia sẻ, mùa nước lên, các trảng cỏ xung quanh sẽ được ngập hoàn toàn trong nước, vì thế có rất nhiều chim di cư đến đây vào mùa nước nổi. Trong đó đặc biệt phải kể đến sếu đầu đỏ, một sinh vật nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Trảng cỏ chốt Tà Nốt. Ảnh: Võ Thanh Tùng

Trảng cỏ chốt Tà Nốt. Ảnh: Võ Thanh Tùng

Bướm là một trong những sinh vật chiếm số lượng lớn ở rừng. Vào mùa mưa, từng đàn bướm vài trăm đến vài nghìn con bay ra rợp trời. Bướm ở Vườn Quốc gia đa số là bướm đen, trên cánh có điểm vài chấm trắng.

Rời Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, chúng tôi về lại với cuộc sống bộn bề. Một chuyến tham quan trải nghiệm đầy ý nghĩa đã làm chúng tôi cảm thấy yêu rừng, yêu thiên nhiên hơn và đặc biệt là cảm thấy con người quá bé nhỏ trước thiên nhiên. Cách duy nhất để con người có thể tồn tại lâu dài trên trái đất này chỉ có thể sống cùng thiên nhiên, bảo vệ và gìn giữ rừng là đang bảo vệ cuộc sống tương lai của chúng ta.

https://dulich.petrotimes.vn/

TTTTXTDL Tây Ninh

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/kham-pha-vuon-di-san-asean-611098.html