Khám sức khỏe định kỳ miễn phí hàng năm cho người dân từ năm 2026
Từ năm 2026, người dân Việt Nam sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất một lần mỗi năm. Đây là nội dung đáng chú ý trong đề xuất mới của Bộ Y tế, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm bệnh tật.

Việc triển khai khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho toàn dân là bước chuyển đổi căn bản từ "chữa bệnh" sang "phòng bệnh". Ảnh minh họa
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vào ngày 8/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong đó, dự thảo nêu rõ chính sách khám sức khỏe định kỳ hoặc sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí cho toàn dân từ năm 2026. Với mục tiêu là trong 5 năm 2025 - 2030, mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%; được lập Sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe theo vòng đời...
Theo dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch thực hiện của Bộ Y tế, từ năm 2026, mỗi người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí tối thiểu một lần mỗi năm. Ngoài ra, người dân cũng sẽ được tiếp cận các dịch vụ sàng lọc, tư vấn và phát hiện sớm các bệnh lý phổ biến, bao gồm bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần, sức khỏe răng miệng và dinh dưỡng.
Đáng chú ý, chi phí cho hoạt động khám định kỳ này sẽ không do người dân tự chi trả mà được Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm y tế bảo đảm. Ước tính, mỗi lượt khám có chi phí khoảng 250.000 – 300.000 đồng. Với quy mô dân số 100 triệu người, ngân sách cần huy động mỗi năm vào khoảng 25.000 – 30.000 tỷ đồng. Các nhóm yếu thế như người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách sẽ được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí.
Để triển khai hiệu quả chính sách này, Bộ Y tế đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 tuyển dụng tối thiểu 1.000 bác sĩ mỗi năm cho tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, các trạm y tế xã, phường sẽ được đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị và hệ thống công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh ban đầu.
Từ ngày 1/7/2025, dữ liệu y tế về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và các thông tin liên quan được sử dụng để triển khai Sổ sức khỏe điện tử. Theo đó, công dân được sử dụng Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID để thay thế giấy tờ liên quan trong quá trình phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Mỗi người dân sẽ có mã định danh y tế riêng, tích hợp trên ứng dụng VNeID, cho phép lưu trữ và theo dõi lịch sử khám chữa bệnh. Đây là công cụ quan trọng để phát hiện sớm nguy cơ bệnh tật và theo dõi sức khỏe trọn đời cho từng cá nhân.
Chính sách khám sức khỏe định kỳ miễn phí nằm trong chiến lược tổng thể nhằm giảm tỷ lệ chi trả trực tiếp từ túi người dân xuống dưới 30% vào năm 2030. Hiện nay, người Việt Nam vẫn đang phải tự chi trả khoảng 43% tổng chi phí y tế. Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, mức này cao gấp 2–2,5 lần so với khuyến nghị của WHO (20%) và cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển, nơi tỷ lệ này chỉ từ 14–20%.
Bằng cách đầu tư vào dự phòng và phát hiện sớm, hệ thống y tế sẽ giảm tải áp lực cho bệnh viện tuyến trên, đồng thời giảm chi phí điều trị lâu dài cho người dân, tiến tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân theo khuyến nghị của WHO.
Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tế, các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng lộ trình cụ thể, có quy định rõ về nội dung khám, trách nhiệm thực hiện và tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.
Theo Bộ Y tế, từ năm 2045, Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ số sức khỏe ngang tầm các nước phát triển. Trong đó, tuổi thọ trung bình người dân vượt 80 tuổi, hệ thống y tế hướng đến công bằng, hiệu quả, hiện đại và bao phủ toàn diện. Việc triển khai khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho toàn dân là bước chuyển đổi căn bản từ "chữa bệnh" sang "phòng bệnh", đặt nền móng cho hệ thống y tế dự phòng chủ động, hiện đại.