Khám 'sức khỏe' GTN Foods và Vilico trước khi sáp nhập
Đại hội đồng cổ đông của GTN Foods và Vilico đã thông qua phương án sáp nhập 2 công ty này. Vậy 'thế lực mới' sẽ hình thành trên nền tảng thể trạng ra sao?
Chân dung 2 “đại gia” nông nghiệp
Công ty cổ phần GTN Foods (mã GTN) và Tổng công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã VLC) đều là những doanh nghiệp thuộc họ hàng nhà Vinamilk sau thương vụ thâu tóm của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại các doanh nghiệp này diễn ra cách đây hơn 1 năm.
GTN Foods là công ty có định hướng chiến lược đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng. Thời gian qua, GTN Foods đã đầu tư vào các doanh nghiệp lớn xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước, như Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng, Tổng công ty Chè Việt Nam, Tổng công ty Chăn nuôi và Công ty cổ phần Sữa Mộc Châu…
Trong khi đó, Vilico vốn là một doanh nghiệp nhà nước, hoạt động từ năm 1996. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2013. Ngành nghề kinh doanh là đầu tư tài chính và công nghệ; chăn nuôi giống gia súc, gia cầm và các loại động vật khác; sản xuất chế biến, kinh doanh nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi; kinh doanh thuốc thú y...
Về các mối quan hệ hiện tại giữa các công ty, GTN Foods đang là công ty mẹ của Vilico, với tỷ lệ nắm giữ của GTN Foods tại Vilico lên tới 73,72% cổ phần. Trong khi đó, Vinamilk là cổ đông lớn nhất năm giữ 75,3% cổ phần tại Công ty GTN Foods.
“Thể trạng” của GTN Foods và Vilico
Theo kế hoạch sáp nhập, GTN Foods sẽ hủy niêm yết cổ phiếu và tiến hành sáp nhập vào Vilico, tỷ lệ 1,6:1. Theo đó, cổ đông sở hữu 1,6 cổ phiếu GTN vào ngày chốt quyền sẽ hoán đổi lấy 1 cổ phiếu VLC.
Theo lộ trình, từ nay đến tháng 5/2021, Vilico sẽ phát hành tối đa 156,2 triệu cổ phiếu để hoán đổi 250 triệu cổ phiếu GTN, dự kiến đến khoảng tháng 7/2021 sẽ thực hiện việc phát hành và khi đó, các cổ đông của GTN Foods sẽ trở thành cổ đông Vilico. Sau sát nhập, GTN Foods sẽ chấm dứt sự tồn tại, toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ được chuyển giao cho Vilico.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của GTN Foods, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị lý giải, ngoài hoạt động đóng góp chính từ Vilico, thì GTN Foods không có hoạt động riêng hiệu quả, nên cần đơn giản cấu trúc, tiết kiệm chi phí và khai thác nguồn nhân lực hiệu quả hơn.
Trong mô hình của GTN Foods, công ty mẹ không đóng góp đồng nào cho doanh thu của toàn bộ nhóm công ty. Trái lại, Vilico lại là động lực chính trong nhóm công ty mà Vilico là công ty mẹ. Trong nhóm công ty mà Vilico là công ty mẹ, doanh thu thuần công ty mẹ Vilico năm 2020 lên tới 3.493 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn doanh thu thuần hợp nhất. Điều này có thể hiểu là trong năm qua, Vilico có khá nhiều hoạt động mua bán trong nội bộ các công ty trong nhóm. Theo đó, khi hợp nhất kinh doanh, các khoản doanh thu nội bộ bị loại trừ khỏi doanh thu hợp nhất, dẫn đến doanh thu thuần hợp nhất nhỏ hơn doanh thu của riêng công ty mẹ.
Về phía GTN Foods, công ty mẹ tuy không có đồng doanh thu nào trong năm, nhưng vẫn có khoản lợi nhuận sau thuế lên tới 75,6 tỷ đồng. Toàn bộ phần lợi nhuận này có được nhờ khoản thu nhập tài chính trong năm.
Một vài con số sơ bộ trên cho thấy, sức ảnh hưởng của Vilico là khá lớn, chiếm gần như toàn bộ hoạt động của GTN Foods và điều này cũng có thể là lời giải cho một số thắc mắc về việc vì sao 2 công ty này chọn cách sáp nhập ngược: công ty mẹ sáp nhập vào công ty con.
Theo bà Liên, 2 công ty khi sáp nhập không đặt nặng vấn đề mẹ sáp nhập con hay ngược lại, mà là làm thế nào thuận lợi hơn. Trong khi đó, so sánh về thương hiệu, Vilico là doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lâu đời trong ngành chăn nuôi, cùng nhiều quyền sử dụng bất động sản nông, lâm nghiệp, còn GTN Foods chỉ là thương hiệu mới.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kham-suc-khoe-gtn-foods-va-vilico-truoc-khi-sap-nhap-d140082.html