Khám sức khỏe tiền hôn nhân - Bài cuối: Xây dựng chính sách tư vấn và khám sức khỏe
Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân được coi là giải pháp giúp trẻ vị thành niên, thanh niên, nhất là những người sắp kết hôn chuẩn bị kiến thức, tâm lý cũng như sức khỏe để xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh đẻ và nuôi dạy con tốt. Vì vậy, thời gian qua, mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện gặp không ít khó khăn, rào cản, khiến hiệu quả mô hình mang lại chưa thực sự cao.
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Từ năm 2013, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 63/63 tỉnh, thành. Đến nay, hàng ngàn câu lạc bộ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân ra đời với hàng trăm ngàn thanh niên là thành viên; chăm sóc sức khỏe, tư vấn cho hàng triệu lượt người.
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), mô hình này đã nâng cao nhận thức cho thanh niên, vị thành niên và đặc biệt là nâng cao kỹ năng trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn; đồng thời làm giảm tỷ lệ sinh con dị tật, mắc các bệnh chuyển hóa bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đang được triển khai với nhiều hoạt động hướng tới hai mục tiêu đáp ứng cơ bản nhu cầu cần được thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên và khám sức khỏe, phát hiện, tư vấn cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn về phòng tránh, điều trị các nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật.
Mô hình đã được triển khai tại hơn 1.400 xã của 63 tỉnh/thành phố trong cả nước; cung cấp kiến thức, tư vấn, điều trị cho hàng triệu vị thành niên, thanh niên để tránh nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Kết quả triển khai mô hình sau một thời gian cho thấy, nhận thức của nam/nữ thanh niên trước khi kết hôn đạt được những tín hiệu khả quan.
Báo cáo đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện mô hình giai đoạn 2011-2015 cho thấy, 78,8% đối tượng được hỏi đã có hiểu biết về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình; hầu hết đối tượng tham gia phỏng vấn có hiểu biết đầy đủ các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy, nhận thức và thực hành tìm kiếm dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn của nam, nữ thanh niên hiện còn rất hạn chế; sử dụng dịch vụ này chưa trở thành nhu cầu, chưa đạt được sự đồng thuận cao của cộng đồng do có rào cản như định kiến xã hội, tập quán văn hóa, chênh lệch trình độ dân trí, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tính sẵn có của dịch vụ còn hạn chế dẫn đến việc tổ chức triển khai khám, tư vấn trước và sau khi khám giữa các tuyến còn chưa thuận lợi.
Việc triển khai mô hình hiện nay cũng gặp một số khó khăn như: Số lượng đối tượng tham gia sinh hoạt còn hạn chế, khó kêu gọi sự tham gia của các đối tượng vào hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ ở xã/phường vì nhiều người đi làm ăn xa, do đặc thù công việc và sợ bị lộ danh tính; kinh phí ngày càng cắt giảm nên việc triển khai, duy trì các hoạt động của mô hình rất khó khăn và kém hiệu quả. Bên cạnh đó, hiện chưa có kế hoạch thực hiện phối hợp giữa ngành Dân số với các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai các hoạt động của mô hình; kiến thức chuyên môn của một số cán bộ cung cấp dịch vụ còn hạn chế; thiếu trang thiết bị khám sức khỏe tiền hôn nhân… là những khó khăn, hạn chế khiến mô hình chưa được triển khai hiệu quả.
Tích cực triển khai nhiều giải pháp
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra các chỉ tiêu để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đến năm 2030, trong đó có mục tiêu "tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%".
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, để đạt được mục tiêu này phải tiến hành đồng bộ các giải pháp: Tuyên truyền, vận động và huy động xã hội tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; xây dựng và hoàn thiện các quy định về chuyên môn và quản lý dịch vụ; mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tới cộng đồng; nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ đảm bảo chất lượng cho các cơ sở y tế ở các tuyến. Đồng thời nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới trong tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh để bổ sung danh mục bệnh tầm soát trước khi kết hôn; xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thí điểm xã hội hóa cung ứng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Trong thời gian tới, cùng với việc xây dựng chính sách nâng cao chất lượng dân số, việc xây dựng chính sách tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cần tập trung tăng cường, đa dạng hóa các hình thức, loại hình truyền thông (trên loa phát thanh, mạng xã hội, website, treo pano, quảng cáo trên tivi; truyền thông kết hợp các hoạt động văn hóa văn nghệ, sân khấu hóa…) để tạo sự thu hút, hấp dẫn các đối tượng vị thành niên, thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích, hỗ trợ nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn tham gia dịch vụ, đặc biệt là những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Đồng thời, phát huy vai trò truyền thông, vận động của cán bộ dân số và cán bộ trạm y tế trong việc vận động các đối tượng đích; tăng cường công tác truyền thông giáo dục các nội dung liên quan đến mô hình tới các nhóm học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (dưới 18 tuổi) và nam giới.
Việt Nam đã đạt được một số thành quả trong nâng cao chất lượng dân số, nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong số những trẻ em tàn tật thì các nguyên nhân về dị tật bẩm sinh vẫn chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, trong thời gian tới Việt Nam cần thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức của các cặp đôi trong việc dự phòng giúp sinh ra những đứa con khỏe mạnh, tránh gây ra những gánh nặng cho bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội.
Nghị quyết số 21-NQ/TW đã nêu rõ, cấp ủy, chính quyền các cấp đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Để giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị di tật bẩm sinh, tăng tỷ lệ nam/nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, nâng cao chất lượng dân số, cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cũng như toàn xã hội.