Khẩn cấp cứu dân vùng sạt lở
Những ngày gần đây, tuy mới đầu mùa mưa nhưng hàng loạt vụ sạt lở nguy hiểm diễn ra khắp miền Tây Nam Bộ, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân
Đồng Tháp được xem là một trong những địa phương xảy ra sạt lở nhiều nhất ở ĐBSCL. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh này, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng trên địa bàn đang diễn ra hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Nhiều nguyên nhân
Trong đó, trên sông Tiền xảy ra một vụ sạt lở tại xã An Phong, huyện Thanh Bình.
Ngoài ra, tình trạng sạt lở khu vực nội đồng xảy ra tại 6 xã, thị trấn của 3 huyện: Cao Lãnh, Thanh Bình, Châu Thành với tổng chiều dài 213 m, diện tích 1.066 m2, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ dân. Tổng thiệt hại do thiên tai và sạt lở hơn 1,9 tỉ đồng, cao hơn 155 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019.
TP Cần Thơ cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở ở các quận Cái Răng, Bình Thủy và Ninh Kiều, làm ảnh hưởng đến nhà cửa và sinh hoạt của người dân. Theo ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, những căn nhà bị sạt lở nằm trong dự án kè sông Cần Thơ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 22 điểm sạt lở, làm sụp hoàn toàn 5 căn nhà, 68 căn sụp một phần và bị ảnh hưởng, với tổng chiều dài sạt lở 1.230 m, thiệt hại hơn 14 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ sạt lở, quy mô sạt lở và mức độ thiệt hại lớn hơn.
Tại Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau, sạt lở cũng đang diễn ra trên diện rộng khiến người dân lẫn ngành chức năng bất an.
Theo ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở. Về khách quan là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu gây ra sạt lở. Đối với nguyên nhân chủ quan, do các tác động của con người như: Công trình giao thông nông thôn nằm sát bờ sông, chưa quản lý tải trọng cho phép đối với phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện giao thông thủy chạy với tốc độ cao dẫn đến hiện tượng sạt lở cục bộ.
Ngoài ra, việc xây dựng các công trình nhà ở trái phép sát bờ sông, lấn chiếm lòng dẫn cản trở thoát lũ, đào ao nuôi trồng thủy sản sát bờ bao, nuôi thủy sản bằng bè ngoài quy hoạch lấn chiếm mặt sông làm thu hẹp mặt cắt ướt của lòng sông... cũng là nguyên nhân gây ra thực trạng trên.
Cần biện pháp cấp bách
Trước tình hình sạt lở xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương, hôm 12-6, HĐND TP Cần Thơ khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 tiến hành kỳ họp bất thường, thông qua nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư đối với 3 dự án kè chống sạt lở gồm: Kè chống sạt lở sông Ô Môn (phường Thới Hòa, quận Ô Môn) có tổng mức đầu tư hơn 223 tỉ đồng; dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn - khu vực Thới An (quận Ô Môn) vốn đầu tư hơn 116,9 tỉ đồng và dự án Kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền có tổng mức đầu tư hơn 195,8 tỉ đồng.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí khoảng 902 tỉ đồng để tỉnh này triển khai thực hiện các dự án, chương trình cấp bách, gồm: Dự án xử lý sạt lở sông Tiền khu vực phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự và khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh; hỗ trợ xây dựng 6 cụm tuyến dân cư di dời dân khẩn cấp vùng sạt lở trên địa bàn 6 huyện, thị xã và TP để bố trí ổn định cho 1.190 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nghiêm trọng; hỗ trợ kinh phí thực hiện xử lý sạt lở cấp bách sông Cái Vừng, chiều dài khoảng 1.600 m.
Từ đầu tháng 6, Đồng Tháp phải triển khai các biện pháp khẩn cấp di dời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của 551 hộ dân (ưu tiên di dời khẩn cấp 178 hộ dân đang ở cách bờ từ 0-30 m) ven sông Tiền, khu vực phường 6 và xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh. Các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ cũng cấp bách di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng sạt lở và vùng nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn.
Nhằm giải quyết kịp thời tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng và giảm chi phí, ông Đỗ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công trình biển (thuộc Viện Kỹ thuật biển), cho rằng với số lượng kênh mương lớn và chằng chịt, tỉnh Đồng Tháp nên ưu tiên các giải pháp phi công trình. Cụ thể như cấm phá rừng; theo dõi, dự báo, xây dựng cơ sở dữ liệu; chủ động di dời dân; điều chỉnh quy hoạch phù hợp; thay đổi mô hình sản xuất, xây dựng; giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng. Riêng đối với giải pháp công trình, địa phương nên ưu tiên các giải pháp mềm, thân thiện môi trường, chi phí thấp như: Xây dựng kè tường cừ nhựa uPVC; kè kiên cố kết hợp thảm thực vật; kè mềm sinh thái; kè mềm thảm rọ đá; kè tường bê- tông Bloack lắp ghép...
Theo ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, sở sẽ thống kê, tổng hợp các đề xuất; đồng thời theo dõi, tổng hợp tình hình, diễn biến sạt lở, kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó. Tuy nhiên, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành hữu quan và các huyện, thị xã, thành phố chủ động phòng chống sạt lở. Trong đó, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các công trình, nhà ở, kho tàng dọc bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở. Các địa phương cần theo dõi diễn biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để chủ động phòng tránh. Đặc biệt là hỗ trợ người dân trong khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn...
Xây dựng đồ án tổng thể
PGS-TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, đề nghị xây dựng đồ án tổng thể cho việc phòng chống sạt lở trên phạm vi toàn tỉnh Đồng Tháp cũng như một số địa phương khác trong khu vực ĐBSCL. Theo đó, làm rõ các khu vực nguy cơ, khoanh vùng các khu vực xói, sạt và chủ động hàng loạt giải pháp (rọ, lục bình, tràm, bao tải cát...); cần chủ động một số giải pháp cơ bản như theo dõi trước, trong và sau mùa mưa, vết nứt, cắm các mốc cảnh báo...
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khan-cap-cuu-dan-vung-sat-lo-2020062821341889.htm