Khẩn cấp kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, 'thổi giá' áo phao
Trước tình trạng nhiều cửa hàng bán đồ bảo hộ liên tục thông báo 'cháy hàng' áo phao cứu sinh hoặc đẩy giá lên trong thời điểm mưa lũ diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc.
Ngày 21/10, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có công văn gửi đội trưởng các đội quản lý thị trường yêu cầu tăng cường công tác phối hợp, phòng, chống thiên tai, lũ lụt.
Trong công văn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên nêu rõ, đội trưởng các đội quản lý thị trường tăng cường quản lý thông tin địa bàn, lĩnh vực được giao; chủ động nắm bắt diễn biến hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông thương mại trên thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý, mua gom gây bất ổn thị trường.
Trong đó, tập trung các sản phẩm, mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, nguyên liệu khôi phục sản xuất, khắc phục môi trường sau bão lũ như: Xăng dầu, chất đốt, vật liệu xây dựng (tấm lợp, đinh vít, dây thép buộc), nhà bạt, áo phao cứu sinh, phao các loại; hàng hóa đáp ứng nhu cầu dự trữ: Lương thực (gạo), thực phẩm chế biến (sữa, mỳ tôm, lương khô, nước uống đóng chai và các nhu yếu phẩm khác); thuốc chữa bệnh; vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch; hóa chất xử lý môi trường sau mưa lũ.
Đồng thời, đội trưởng các đội quản lý thị trường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, bán hàng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết; trà trộn để bán hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm thu lợi bất chính.
Tại TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý thị trường cũng vừa ra công văn khẩn gửi các đội quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng thu gom, tăng giá quá mức, hàng giả, kém chất lượng đối với mặt hàng phao, áo phao cứu sinh.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh Trương Văn Ba yêu cầu các đội quản lý thị trường nắm chắc tình hình tại địa bàn, giám sát ngay các hoạt động kinh doanh dụng cụ, trang bị bảo hộ lao động, cứu hộ để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm; rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh phao, áo phao và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời xử lý triệt để tại nơi chứa trữ, sản xuất phao, áo phao giả, kém chất lượng.
Trước đó theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua khi tình hình bão lũ tại các tỉnh miền Trung đang diễn biến phức tạp thì trên thị trường, áo phao cứu sinh đã bị "thổi giá", thậm chí một số cửa hàng đều thông báo tình trạng "khan hàng".
Chị Nguyễn Thị Minh, thành viên một nhóm từ thiện ở Hà Nội cho biết, chị đang tìm mua áo pháo để chuyển vào miền Trung, hỗ trợ người dân vùng lũ. Tuy nhiên, do giá cả tăng chóng mặt hàng, nên đoàn của chị phải cân nhắc để mua số lượng hợp lý nhất.
"Tôi hay đi làm từ thiện nên biết giá, bình thường, một áo phao người lớn chỉ có giá 50.000 – 60.000 đồng/ chiếc. Hai ngày nay, các cơ sở bán áo đều hết hàng hoặc thông báo dừng nhận đơn, nếu có thì giá cũng bị đẩy lên tới 100.000 - 150.000 đồng/chiếc. Điều mình mong muốn nhất lúc này là có thật nhiều áo phao để gửi vào cho đồng bào vùng lũ", chị Minh chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thủy (Quảng Ninh) đang tìm mua khoảng 500 chiếc áo phao để mang vào cứu trợ người dân miền Trung. Tuy nhiên, 2 ngày nay, chị tìm kiếm các cơ sở bán áo đều được thông báo hết hàng hoặc 3 - 4 ngày nữa, thậm chí tuần sau mới có. "Các cửa hàng lẫn trên mạng đều thông báo hết sạch áo phao, nếu có cũng chỉ được số lượng rất ít và giá cao gấp đôi so với trước", chị Thủy cho hay.
Trước diễn biến mưa lũ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo sở Công Thương các tỉnh miền Trung triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, trong đó tập trung tổ chức các điểm cung ứng và bán hàng bình ổn giá.
Về việc giá áo phao cứu sinh bị thương buôn thổi giá, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng cục đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá. Đồng thời, yêu cầu các cục quản lý thị trường các tỉnh xảy ra lũ lụt phải tìm các biện pháp để bình ổn giá cả và đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm thiết yếu cho người dân. Đảm bảo không vì lũ lụt mà tăng giá, gây khó khăn cho người dân vùng lũ. Đặc biệt việc găm hàng, tăng giá các loại thực phẩm, đồ ăn, nước uống, áo phòng hộ, đồ cứu nạn sẽ bị xử lý nghiêm.