Khẩn cấp nhập khẩu thuốc hiếm
Sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy dùng 2 lọ thuốc BAT cuối cùng để cứu 3 trẻ em bị ngộ độc sau khi ăn giò chả bán rong, hiện cả nước không còn lọ thuốc giải độc độc tố botulinum nào
Ngày 17-5, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho hay đang xúc tiến các thủ tục, gửi công văn khẩn cấp đến Bộ Y tế để tiến hành mua thuốc giải độc thuộc loại rất hiếm BAT (Botulism antitoxin heptavalent). Động thái này là vô cùng tối khẩn vì đến thời điểm này, cả nước nói chung, Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng, không còn lọ thuốc BAT nào để dự phòng.
Dồn dập ngộ độc, thuộc loại khó cứu
Vụ ngộ độc chất botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua xảy ra ở Quảng Nam khiến hàng chục người nguy kịch được đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mang 5 lọ thuốc giải độc ra cứu chữa vừa xảy ra cách đây gần 1 tháng thì nay lại tiếp thêm một vụ ngộ độc tương tự xảy ra tại TP Thủ Đức (TP HCM). Một gia đình 4 người sau khi mua giò lụa bán dạo ăn kèm bánh mì thì bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần. Trong đó, 3 trẻ từ 10-14 tuổi (2 nam, 1 nữ) mệt mỏi, yếu cơ dần, được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM). Ngay trong đêm 15-5, các bác sĩ phải ra Quảng Nam mang 2 lọ thuốc hiếm BAT còn lại trở về TP HCM để khẩn cấp cứu người.
TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết do lần này ngộ độc đều là trẻ em nên 2 lọ thuốc được chia ra vừa đủ liều lượng để cứu các em. Sau 2 ngày được được truyền thuốc giải độc BAT, hiện sức khỏe cả 3 bệnh nhi có cải thiện, đang được tiếp tục theo dõi sát.
Theo BS Thức, từ trước đến nay, thuốc hiếm BAT trị giá hàng ngàn USD này được Bệnh viện Chợ Rẫy bỏ tiền ra mua để dự phòng. Về chi phí khi được truyền thuốc giải độc đắt đỏ này, BS Thức cho biết ở các ca ngộ độc tại Quảng Nam, vì nạn nhân đều có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nên được bệnh viện hỗ trợ tặng miễn phí. Riêng 3 ca ngộ độc botulinum lần này ở TP Thủ Đức, bệnh viện sẽ nắm thông tin hoàn cảnh gia đình người bệnh, đồng thời làm việc với Bệnh viện Nhi Đồng 2 để có phương án xử lý.
"Ngay trong ngày 17-5, chúng tôi đã khẩn cấp gửi công văn ra Bộ Y tế để xin phép mua thêm thuốc BAT. Hai lọ thuốc vừa dùng đã là 2 lọ cuối cùng của Bệnh viện Chợ Rẫy rồi. Đây là thuốc giải độc thuộc loại hàng hiếm. Ngộ độc botulinum chỉ có thể cứu được bằng thuốc BAT. Trường hợp bây giờ xảy ra thêm vụ ngộ độc tương tự nữa thì không có thuốc giải độc. Phương pháp cuối cùng là chỉ điều trị theo triệu chứng" - BS Thức nhấn mạnh.
Cạn sạch nguồn thuốc hiếm dự phòng
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Đơn vị Hồi sức chống độc kiêm Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển. Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp và tử vong.
Theo BS Nguyễn Tri Thức, khu vực miền Nam hiện đã hết sạch thuốc hiếm BAT, thông thường Việt Nam không dự trữ loại thuốc này hoặc cả nước chỉ có vài lọ. Trước đó, năm 2020, nhiều người bị ngộ độc botulinum do ăn món patê Minh Chay cũng được cứu nhờ loại thuốc hiếm này. Nhóm ngộ độc ở Quảng Nam, giờ đến TP HCM được cứu nhờ Bệnh viện Chợ Rẫy còn trữ sẵn cơ số ít ỏi.
Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay muốn có thuốc hiếm phải nhập khẩu vì Việt Nam không sản xuất được. Thuốc hiếm cũng có nhiều loại, đặc trị nhiều bệnh khác nhau. Riêng thuốc BAT dùng giải ngộ độc tố botulinum là thuốc cực hiếm, hiện chỉ sản xuất ở Canada.
"Trước đây, mỗi lọ thuốc có giá dao động từ 7.000-10.000 USD. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang tìm nhập nguồn thuốc hiếm, kiếm được nguồn nào bán thì nộp hồ sơ, chưa nói trước được. Được biết Bộ Y tế đã có chủ trương dự trữ nguồn thuốc hiếm giải độc này, song tiến độ cần xúc tiến nhanh hơn" - dược sĩ Bình thông tin.
Tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc hiếm
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, các thuốc giải độc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc giải độc đang bị thiếu bởi các thuốc này thường thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế. Thuốc này cũng không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới mặc dù hiệu quả rất tốt. Nhiều cơ sở y tế đang thiếu thuốc giải độc thuộc nhóm thuốc hiếm như: huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia; thuốc giải độc cho người bị ngộ độc botulinum, asen, thủy ngân... Do thiếu các thuốc giải độc đặc hiệu kể trên, bệnh viện phải sử dụng các thuốc thay thế nhưng thời gian điều trị dài hơn và hiệu quả không cao.
Lý giải về tình trạng khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng đối với một số thuốc hiếm, Bộ Y tế cho biết hiện việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu vì phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời).
Năm 2019, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành danh mục thuốc hiếm gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có. Để bảo đảm nguồn cung, Bộ Y tế ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định; cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; cho phép chuyển nhượng các thuốc hiếm giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Y tế đang triển khai xây dựng danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có và đề xuất giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc; chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn; đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Nên có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm
Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, hiện nước ta chưa có nơi lưu trữ thuốc hiếm tầm quốc gia và bệnh viện cũng đã đề nghị cần cấp bách có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia. Trung tâm lưu trữ này sẽ do Bộ Y tế quản lý để điều chuyển thuốc cho tất cả địa phương khi cần. Trong đó, cần lưu trữ sẵn các loại thuốc hiếm như BAT, thuốc giải độc rắn...
Đồng quan điểm, BS chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, phân tích: "Không phải bệnh viện nào cũng lưu trữ được thuốc hiếm vì ít khi phải sử dụng, lại giá trị rất lớn, đắt đỏ, nếu lưu trữ lâu không dùng sẽ hết hạn phải tiêu hủy. Do vậy, việc thành lập trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia là rất cấp thiết".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/khan-cap-nhap-khau-thuoc-hiem-20230517212722241.htm