Khẩn cấp tu bổ tháp cổ Xốp Lợt ở Nghệ An

Ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, huyện 30a biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) có tòa tháp cổ Xốp Lợt mang kiến trúc Phật giáo hiếm hoi. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương nơi đây. Đây còn là địa chỉ tham quan và trải nghiệm của du khách. Tuy nhiên theo thời gian, tòa tháp cổ này bị hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào nếu không được tu bổ, tôn tạo kịp thời.

Toàn cảnh tháp cổ Xốp Lợt.

Toàn cảnh tháp cổ Xốp Lợt.

Cách trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chừng 60km, men theo Quốc lộ 16 để đến xã biên giới Mỹ Lý, sau đó ngược sông Nậm Nơn vào bản Yên Hòa nơi có tháp cổ Xốp Lợt.

Tháp cổ Xốp Lợt nằm cạnh bờ sông Nậm Nơn. Nhìn từ xa tháp Xốp Lợt là một khối lớn uy nghi, vươn cao như một mũi tên vút lên trời cao, nằm cạnh bản Yên Hòa thanh bình.

Tháp cổ (vòng tròn màu đỏ) nằm cạnh bờ sông Nậm Nơn thơ mộng và bản Yên Hòa thanh bình.

Tháp cổ (vòng tròn màu đỏ) nằm cạnh bờ sông Nậm Nơn thơ mộng và bản Yên Hòa thanh bình.

Toàn bộ kiến trúc tháp được tạo bởi gạch thẻ xếp chồng lên nhau, ở giữa các viên gạch sử dụng một lớp vữa để kết dính. Bao bọc phía ngoài của tháp là lớp vữa bằng vôi, cát và nhiều vật liệu khác. Đế và thân tháp gồm bốn mặt quay về bốn hướng đông nam - tây nam - tây bắc - đông bắc.

Tháp tọa lạc trên một vùng đất khá rộng rãi và bằng phẳng, cao 21,91m. Thân tháp vẫn còn lưu giữ dấu tích của những bức phù điêu và những nét hoa văn, họa tiết hết sức tinh xảo.

Những bức tượng Phật đắp khá tinh xảo.

Những bức tượng Phật đắp khá tinh xảo.

Những đường nét hoa văn, họa tiết tinh xảo.

Những đường nét hoa văn, họa tiết tinh xảo.

Những đường nét hoa văn, họa tiết tinh xảo.

Những đường nét hoa văn, họa tiết tinh xảo.

Do thời gian không được tu bổ, những bức phù điêu và những đường nét hoa văn, họa tiết ấy đã bị bong gãy và đứt đoạn. Nếu như hướng đông bắc, đông nam còn khá nguyên vẹn thì hai hướng còn lại của tháp bị hư hại nghiêm trọng. Chân tháp ở phía này xuất hiện nhiều lỗ thủng lớn, một góc đã sập; tháp đã có dấu hiệu bị nghiêng và những vết rạn nứt. Cạnh tháp có cây bồ đề rất to, dưới gốc, người ta xây một bàn thờ nhỏ có tượng Phật và bát hương để thờ tự…

Vào mùng Một, ngày Rằm và lễ, Tết, bà con dân tộc Thái ở bản Yên Hòa đều mang hương hoa, bánh trái tới gần tháp cầu bình an. Để cảnh báo người dân và du khách, chính quyền địa phương đã phải đề biển “Khu vực nguy hiểm, tháp sắp đổ”.

Theo ông Vi Văn Toàn, người dân sinh sống ở bản Yên Hòa chia sẻ, trước đây, vùng này từng có cả một quần thể tháp cổ. Ngoài tháp này là lớn nhất, còn có ba tháp nhỏ khác, song cả ba đều đã đổ sập từ lâu, nay không còn phế tích.

Ngoài ra, trên đỉnh tháp Xốp Lợt có một viên ngọc (viên Xá lợi) phát sáng vào ban đêm, làm cho ngọn tháp trở nên huyền ảo, tuy nhiên đến nay cũng đã biến mất. Nhiều tượng Phật bằng đồng cao từ vài chục cm trở lên nằm trong thân tháp bị lấy đi. Vài năm sau, người dân phát hiện một số tượng Phật bị bỏ lại quanh thân tháp, từ đó xuất hiện nhiều câu chuyện nhuốm màu bí ẩn như kẻ trộm tượng Phật gặp xui xẻo nên chủ động trả lại.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Lý Lương Văn Bảy cho biết: “Một số tượng Phật do người dân thu gom, đã bàn giao lại cho chính quyền xã và bản bảo quản. Đây được xem là tài sản quý, nếu tháp được trùng tu, những bức tượng này sẽ được trả về vị trí cũ”.

Những bức tượng Phật nằm trong thân tháp cổ thất lạc được bà con sưu tầm về.

Những bức tượng Phật nằm trong thân tháp cổ thất lạc được bà con sưu tầm về.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý Võ Văn Quỳnh cho biết, tháp Xốp Lợt là công trình kiến trúc cổ Phật giáo tồn tại hàng thế kỷ trên mảnh đất Mỹ Lý. Mặc dù có nhiều ý kiến về niên đại xây dựng của tháp nhưng đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào để xác định thời gian xây dựng tháp.

Ngày 26/1/2024, tháp cổ Xốp Lợt được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương nơi đây. Mặc dù tháp xuống cấp trầm trọng, nhưng công trình độc đáo này vẫn thu hút khá nhiều người đến tham quan. Vì thế, rất mong các cơ quan chức năng sớm có phương án để trùng tu tháp cổ.

Trước sự xuống cấp trầm trọng của tháp Xốp Lợt, tại Quyết định số 1188/QĐ-UBND ngày 16/5/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt danh mục tu sửa cấp thiết 15 di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án tu sửa cấp thiết di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Xốp Lợt, huyện Kỳ Sơn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An giao Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Ban Quản lý di tích tỉnh khẩn trương xây dựng phương án tu sửa cấp thiết di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Xốp Lợt, báo cáo UBND tỉnh để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định, kịp thời tu sửa di tích trước mùa mưa bão, tránh sụp đổ di tích.

Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An) Phan Thị Anh cho biết, mới đây Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An phối hợp Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã thành lập đoàn lên tháp Xốp Lợt để khảo sát, đo vẽ, tính toán và đưa ra mức khái toán kinh phí để triển khai. Đặc biệt, đoàn đã khảo sát địa chất chung quanh tháp để tìm hiểu nguyên nhân làm sao tháp bị nghiêng. Hiện, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đang cố gắng hết sức để hoàn thiện trùng tu tháp cổ trong năm nay.

Sự tồn tại của tháp Xốp Lợt là minh chứng quan trọng khẳng định Kỳ Sơn nói riêng, Nghệ An nói chung đã từng là một trung tâm Phật giáo trong lịch sử. Tháp là công trình cộng đồng, kết nối cư dân bản địa, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương.

Cấp ủy, chính quyền, già làng và nhiều thế hệ người dân bản Yên Hòa và xã Mỹ Lý rất mong di tích tháp Xốp Lợt sớm được trùng tu, bảo tồn trong thời gian sớm nhất để trở thành điểm đến tâm linh của người dân và du khách phương xa”.

Dưới đây là một số hình ảnh tháp Xốp Lợt xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Một góc tháp bị đổ sập.

Một góc tháp bị đổ sập.

Tốc độ đổ sập diễn ra ngày một nhanh, một góc thân tháp đã bị độ sập hoàn toàn.

Tốc độ đổ sập diễn ra ngày một nhanh, một góc thân tháp đã bị độ sập hoàn toàn.

Xuất hiện nhiều vết nứt lớn và lỗ thủng nguy cơ tháp bị đổ sập bất cứ lúc nào.

Xuất hiện nhiều vết nứt lớn và lỗ thủng nguy cơ tháp bị đổ sập bất cứ lúc nào.

Xuất hiện nhiều vết nứt lớn và lỗ thủng nguy cơ tháp bị đổ sập bất cứ lúc nào.

Xuất hiện nhiều vết nứt lớn và lỗ thủng nguy cơ tháp bị đổ sập bất cứ lúc nào.

Địa phương phải cắm biển khu vực nguy hiểm, cảnh báo du khách và người dân.

Địa phương phải cắm biển khu vực nguy hiểm, cảnh báo du khách và người dân.

THÀNH CHÂU - ĐÌNH PHƯỢNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khan-cap-tu-bo-thap-co-xop-lot-o-nghe-an-post826870.html