Khẩn cầu của 'khổ chủ' trái phiếu Tân Hoàng Minh
Đã hơn 1 năm kể từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 đợt bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thuộc Tân Hoàng Minh và Bộ Công an khởi tố bắt giam người liên quan, đến nay, hàng ngàn trái chủ vẫn mịt mù lộ trình nhận lại tiền. Kêu cứu tới Báo Đầu tư, các 'khổ chủ' tức tưởi: 'Đã kiệt quệ rồi!'.
Khản tiếng kêu cứu, mòn tay gõ cửa
Tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ bây giờ, các trái chủ mới “khẩn cầu” như trên.
Tháng 4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố bắt ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi hành vi sử dụng công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng.
Tới tháng 6/2022, tại buổi làm việc với trái chủ, ông Vũ Đình Luyện, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh cho biết, tập đoàn này và C03 đã thu hồi, chuyển khoảng 2.100 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước. Sau đó, tại buổi họp báo tháng 10/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an thông tin, số tài sản vụ án Tân Hoàng Minh được kê biên phong tỏa là 4.000 tỷ đồng
Thế nên, tới tháng 8/2022, làm việc với đại diện C03, 16 trái chủ đã kiến nghị sớm hoàn tiền cho người đã cung cấp thông tin, bằng chứng khớp với số liệu hồ sơ của cơ quan chức năng.
Đại diện C03 đã khẳng định, số tiền mà cơ quan chức năng thu giữ chỉ nhằm hoàn trả tiền, đảm bảo quyền lợi cho người bị hại; sẽ tập trung lực lượng điều tra, mở rộng vụ án, triệt để xác minh thu hồi tài sản đảm bảo khắc phục thiệt hại trong vụ án; sẽ báo cáo, đề xuất các cấp thẩm quyền chi trả tiền trong thời gian sớm nhất để tháo gỡ khó khăn cho người bị hại.
Để thị trường trái phiếu riêng lẻ sôi động trở lại, các cơ quan chức năng cần quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh các vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế
Sau đó, ngày 7/9/2022, C03 thông báo, đề nghị những người bị hại hiện còn dư nợ trái phiếu của các pháp nhân nêu trên chưa đến trình báo, thì khẩn trương liên hệ để cung cấp hồ sơ, tài liệu.
Tới ngày 15/9/2022, có 12 người đại diện cho trái chủ trái phiếu các công ty con thuộc Tân Hoàng Minh tiếp tục làm việc với Đoàn tiếp công dân của Bộ Tài chính do Thứ trưởng bộ này là ông Nguyễn Đức Chi chủ trì.
Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, Bộ Tài chính chưa thể đưa ra thời gian cụ thể về việc có văn bản hướng dẫn hoàn trả cho nhà đầu tư. Nhưng Bộ Tài chính khẳng định, quyền lợi của công dân đã ghi trong hợp đồng hợp pháp, hợp lệ sẽ được bào vệ. Bộ ủng hộ và sẽ phối hợp sớm nhất với Bộ Công an và cơ quan liên quan để nhanh chóng giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư theo quy định pháp luật. “Tôi sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương trong tuần tới (từ ngày 19/9/2022 đến 23/9/2022) liên hệ làm việc với C03 và sẽ trả lời nhà đầu tư trong tháng 9/2022”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trả lời như vậy.
Tới ngày 29/9/2022, bà Lê Thị Việt Nga, Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông tin về các nội dung mà các trái chủ “gửi gắm” rằng, C03 hồi đáp, hiện số tiền thu về là do các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành thu hồi và xem xét xử lý theo quy định pháp luật; đang tích cực tiến hành các thủ tục để tiếp tục thu hồi tối đa tài sản từ các nguồn (bao gồm cả nguồn bán tài sản) của Tân Hoàng Minh để hoàn trả cho người bị hại…
Đầu năm 2023 và nhiều tháng sau đó, các trái chủ đã chất vấn Tân Hoàng Minh. Doanh nghiệp này đã có nhiều văn bản trả lời rằng, vẫn tin tưởng 100% tiền trái phiếu thu được từ nhà đầu tư sẽ được hoàn trả.
Thế nhưng, tới giờ này, theo kêu cứu các trái chủ, họ vẫn chưa thấy “tăm hơi” lộ trình chi trả lại đồng tiền “xương máu”.
Tiền ra đi, bi kịch ập về
Kêu cứu với chúng tôi, trái chủ Trịnh Thu Thủy (ngụ TP.HCM) cho hay, vốn là viên chức, nhưng phải xin nghỉ việc sớm bởi sức khỏe không tốt. Bao năm làm việc, tích cóp được 1 tỷ đồng, hồi tháng 2/2022, bà ký hợp đồng với Tân Hoàng Minh mua trái phiếu do Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông phát hành (doanh nghiệp thuộc tập đoàn này).
“Gửi 2 tháng, chưa được lĩnh đồng lãi nào thì Tân Hoàng Minh bị khởi tố. Từ đó đến nay, mỏi mòn kêu cứu song không thấy tiền đâu, tôi không dám nói với chồng, mà phải đi vay mượn tiền bạn bè để trang trải cuộc sống, nuôi con nhỏ đi học”, bà Thủy tức tưởi.
Không chỉ ở TP.HCM, trái chủ Đỗ Thị Oanh (thường trú tại Thường Tín, Hà Nội) cũng liêu xiêu không kém khi bỏ ra hơn 700 triệu đồng ký hợp đồng đầu tư trái phiếu với Tân Hoàng Minh.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra và xét xử vụ án xảy ra tại Tân Hoàng Minh
Tại cuộc họp ngày 10/5/2023, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án xảy ra tại Tân Hoàng Minh, Việt Á, FLC, Vạn Thịnh Phát…
Khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 đợt bán trái phiếu 3 công ty thuộc Tân Hoàng Minh (tháng 4/2022) và đặc biệt lúc C03 khởi tố vụ án Tân Hoàng Minh, trái chủ Oanh đã thất thần “vác bụng bầu” tới trụ sở chính của Tân Hoàng Minh để hy vọng lấy được tiền về lo cho kỳ sinh nở. Nhưng tới giờ này, khi con chị đã hơn 1 tuổi, đồng tiền “xương máu” đổ ra vẫn… biệt vô âm tín lộ trình chi trả.
“Gia đình tôi đang rất khó khăn vì nuôi 3 con nhỏ, chăm sóc bố mẹ già yếu, nhiều bệnh nền, ra vào bệnh viện liên tục, rất vất vả, tốn kém. Tôi cũng mất ăn, mất ngủ, sức khỏe giảm sút, tiều tụy, suy nhược, đi viện khám ra rất nhiều bệnh. Mâu thuẫn nội bộ gia đình cũng từ đây mà ra… Nhiều lắm những tổn thất mà bây giờ chúng tôi đang phải gánh chịu”, khổ chủ Đỗ Thị Oanh bật khóc.
Tìm hiểu của chúng tôi, có khoảng 7.000 trái chủ trái phiếu liên quan đến Tân Hoàng Minh trong tình cảnh khắc khoải từng ngày chờ được hoàn lại đồng tiền xương máu như vậy.
“Chúng tôi đang lâm vào hoàn cảnh hết sức hoang mang và quẫn bách, khi không biết số tiền mình đã đầu tư mua trái phiếu sẽ được các cơ quan chức năng định đoạt như thế nào? Việc khởi tố vụ án Tân Hoàng Minh chính là nhằm bảo vệ ‘bị hại’ chúng tôi. Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo để C03 tiến hành chi trả số tiền đã thu hồi về Kho bạc Nhà nước cho chủ sở hữu hợp pháp trong thời gian sớm nhất, trong quá trình điều tra!”, trái chủ trái phiếu Tân Hoàng Minh viết trong đơn tập thể gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Góc nhìn của luật sư
Nghiên cứu cùng chúng tôi về vụ việc, luật sư Lê Ngô Trung (Công ty TNHH Trung Lê và cộng sự, TP.HCM) phân tích, về nguyên tắc, việc Tân Hoàng Minh nộp tài sản là tiền chưa thể xem là vật chứng vụ án hay không vì về nguyên tắc phải chứng minh rằng, số tiền giao nộp là số tiền, nguồn tiền có được từ hành vi chiếm đoạt của các bị hại, tức số tiền trực tiếp do hành vi chiếm đoạt đã được thu hồi. Nếu không đảm bảo điều này thì chỉ có thể xem là tiền khắc phục hậu quả.
Nhưng trong cả hai trường hợp (tiền khắc phục hậu quả, hay tiền truy thu từ hành vi chiếm đoạt theo hướng vật chứng vụ án), thì việc trao trả cho bị hại cũng phải đảm bảo tính công bằng cho tất cả các nạn nhân dựa trên danh sách thống kê và tỷ lệ của mỗi người so với tổng thể vụ án.
Trong trường hợp có cơ sở để xác định tài sản bị ngăn chặn không liên quan vụ án, đồng thời các tài sản khác vẫn đảm bảo được việc thi hành bản án (bao gồm bồi thường thiệt hại), thì người có trách nhiệm, cơ quan chức tiến hành điều tra, truy tố, xét xử sẽ hủy bỏ các biện pháp phong tỏa, ngăn chặn giao dịch đối với tài sản liên quan theo khoản 3, Điều 106, Bộ luật Hình sự 2015 để trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó.
Thực tế, trong nhiều vụ án giản đơn, người phạm tội chủ động giao trả trực tiếp cho các nạn nhân, bị hại cũng là một biện pháp được công nhận.
Tuy nhiên, đây là vụ án phức tạp, liên quan nhiều chuỗi hành vi và nhiều bên, nên khả năng phải tiến hành theo trình tự thủ tục tố tụng. Khi xét xử, Tòa án sẽ quyết định trong bản án về số tiền mà các bị hại đã bị chiếm đoạt, bên chịu trách nhiệm hoàn trả. Lúc này, cơ quan thi hành án dựa trên bản án có hiệu lực pháp luật, dựa trên đơn yêu cầu thi hành án, tài sản bị kê biên, thu hồi… từ đối tượng phạm tội để từ đó tiến hành phân chia và trao trả cho bị hại.
Hiện nay, cơ quan điều tra vẫn trong giai đoạn kêu gọi, thống kê bị hại và chưa có kết luận cuối cùng. Do đó, điều cần thiết hiện nay là các nạn nhân là phải chủ động phối hợp, kê khai với cơ quan công an nhằm sớm tiến hành rà soát số liệu, hoàn tất việc thống kê và được đưa vào danh sách người bị hại. Việc này, kể cả trường hợp áp dụng khoản 3, Điều 106, Bộ luật Hình sự 2015, hay xét xử theo thủ tục tố tụng, đều đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khan-cau-cua-kho-chu-trai-phieu-tan-hoang-minh-d193640.html