Khan hàng mùa Tết

Người dân tất bật làm bánh tráng cho vụ Tết tại làng nghề bánh tráng Hòa Đa, huyện Tuy An. Ảnh: NGÔ XUÂN

Bước vào thời gian cao điểm sản xuất bánh phục vụ mùa Tết, thế nhưng các cơ sở sản xuất bánh tráng tại làng nghề bánh tráng Hòa Đa, huyện Tuy An vẫn khá chật vật. Nhu cầu tiêu thụ lớn, giá tăng cao nhưng các hộ dân vẫn không có bánh để bán.

Cầu vượt cung

Tại cơ sở sản xuất bánh tráng Hai Thơm, 1 máy tráng bánh, 1 lò sấy hơi công suất cao và 3 máy nướng bánh cùng hơn 10 nhân công làm việc liên tục từ mờ sáng đến tận khuya nhưng vẫn không đủ nguồn hàng hóa cung ứng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán. Theo chủ cơ sở này, vụ bánh tráng Tết của người dân làng nghề bánh tráng Hòa Đa thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, kéo dài đến 25 tháng Chạp. Sau đó, người dân nghỉ ngơi khoảng 10 ngày rồi lại bắt đầu tráng bánh cho khách có nhu cầu mua mang đi xa làm quà.

Thế nhưng, năm nay thời tiết ẩm ương, mưa lạnh, âm u suốt nhiều tháng qua khiến những cơ sở tráng bánh thủ công gặp khó khăn vì không thể phơi bánh; những cơ sở có lò sấy củi, sấy hơi cũng chỉ phát huy được khoảng 50% công suất. “Mọi năm, đến thời điểm này, nhà tôi phải dư ít nhất 20 thiên bánh (20.000 bánh) để dự trữ; nhưng năm nay vẫn chưa dư cái nào. Mấy hôm nay có chút nắng, gia đình tôi phải tăng ca liên tục, không dám nhận khách mới; chỉ mong đủ bán cho khách quen hoặc người đã đặt hàng trước”, ông Nguyễn Hai, chủ cơ sở tráng bánh Hai Thơm, bày tỏ.

Chị Trương Diễm Phương, một cơ sở tráng bánh ở thôn Phú Long, xã An Mỹ, cho biết: Những ngày trời có nắng, mỗi ngày tôi tráng được khoảng 1.000 bánh; nhưng mấy tháng nay, trời âm u nên mỗi ngày chỉ làm được khoảng 400-500 bánh. Hiện đang vào mùa Tết nên nhu cầu tiêu thụ bánh tráng rất lớn; giá lên đến 170.000-200.000 đồng/100 bánh nhưng vẫn không có sức để làm. Năm nay, tôi dự định sẽ làm đến 28 Tết mới nghỉ để kịp hàng cho các khách đặt trước.

Chị Nguyễn Thị Thọ, bán hàng tạp hóa tại chợ phường 7, cho biết: Hiện nay, ngày nào cũng có khách hỏi và đặt mua bánh tráng Hòa Đa ăn Tết nhưng không đủ hàng bán. Nhiều khách phải dặn trước khoảng 3-4 ngày mới có hàng. Để có bánh bán, tôi phải đặt hàng, đưa tiền trước cho các cơ sở tráng bánh quen, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Bình quân mỗi ngày, tôi chỉ có hơn 1.000 bánh, nhưng nhu cầu của khách cao gấp đôi, gấp ba khả năng cung ứng.

Chi phí sản xuất tăng

Theo các cơ sở sản xuất bánh tráng, năm nay giá gạo, trấu đều tăng cao; lại thêm sản lượng giảm nên giá bánh cũng tăng mạnh. Hiện tại các chợ, giá bánh tráng Hòa Đa dao động từ 180.000-210.000 đồng/100 bánh nhưng các tiểu thương vẫn không có đủ hàng để bán.

Ông Nguyễn Hai phân tích: Năm nay, gạo tráng bánh nằm ở mức giá 650.000 đồng bao 50kg, tăng từ 150.000-200.000 đồng/bao. Giá trấu đốt lò tăng khoảng 50%. Thêm vào đó, thời điểm cuối năm, công lao động cũng tăng từ 150.000 lên 200.000 đồng/người/ngày. Trong khi đó, sản lượng bánh làm ra lại thấp do thiếu nắng; các cơ sở phải phụ thuộc vào lò sấy khá nhiều.

Do vậy, chi phí sản xuất tăng khoảng 30-35%. Thời điểm trước Tết, nhu cầu tiêu thụ chưa cao nên cơ sở cố gắng giữ giá để ổn định sức tiêu thụ. Riêng đợt Tết, do nhu cầu quá cao nên giá bánh tăng khoảng 30-40% so với ngày thường.

Bà Trần Thị Xuân, một hộ tráng bánh ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, cho hay: Mặc dù bánh tráng được giá, nhưng thực tế các cơ sở không có lãi nhiều vì các loại chi phí, nguyên liệu đầu vào đều tăng cao nên chủ yếu lấy công làm lời. Gia đình tôi tráng bánh từ sáng đến tận khuya cũng chỉ đủ 1 ngày công, khoảng 200.000 đồng/người/ngày.

Theo ông Nguyễn Tấn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ, làng nghề bánh tráng Hòa Đa hiện có 117 hộ tráng bánh thường xuyên; trong đó có 25 hộ đầu tư máy tráng bánh; góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ngoài ra có rất nhiều hộ dân chỉ tráng bánh vào vụ Tết để kiếm thêm thu nhập.

Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ngày một hộ tráng bánh thủ công làm được khoảng 800-1.000 bánh; hộ có máy làm được khoảng 7.000-10.000 bánh. Thế nhưng, vụ Tết năm nay không có nắng, sản lượng bánh cung ứng cho thị trường giảm khoảng 30-35% so với mọi năm.

Là người dân Phú Yên thì Tết không thể thiếu bánh tráng, thịt rọng mắm. Do vậy, Tết nào nhà tôi cũng cố gắng mua 100 bánh tráng ăn Tết; rồi mua thêm vài trăm bánh để con cái mang đi làm quà cho người quen, bè bạn. Bánh tráng Hòa Đa là một món quà quê không thể thiếu của mỗi người dân Phú Yên mỗi độ xuân về.

Bà Ngô Thị Quyên ở phường 9, TP Tuy Hòa

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/251653/khan-hang-mua-tet.html