Khan hiếm nguồn cung, PV OIL vẫn đạt doanh thu hơn 100.000 tỷ trong năm 2022
Trong thời điểm nguồn cung xăng dầu đang khan hiếm, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL, UPCoM: OIL) vẫn ghi nhận doanh thu thuần đạt 104.214 tỷ đồng, tăng 80,2% so với thực hiện năm trước.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2022 PV OIL công bố mới đây, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 723 tỷ đồng, vượt 81% so với kế hoạch đặt ra.
Theo giải trình từ phía PV OIL, năm 2022 là năm tăng trưởng đột biến của công ty về sản lượng, đạt 4 triệu m3 xăng dầu các loại, hoàn thành 127% kế hoạch năm và tăng trưởng 27% so với thực hiện năm 2021.
Điểm đáng ghi nhận là PV OIL đã đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng hàng cho toàn hệ thống trong các giai đoạn thị trường khan hiếm xăng dầu, vừa thực hiện hoạt động kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, ổn định thị trường xăng dầu, nhất là trong các thời điểm khan hiếm xăng dầu diễn ra hồi tháng 9, 10 năm 2022.
Trong khi nhiều cây xăng trên địa bàn Hà Nội và TP HCM đóng cửa do thiếu nguồn hàng và kinh doanh thua lỗ, thì các cây xăng trong hệ thống PV OIL vẫn liên tục mở cửa, sản lượng bán hàng tăng gấp 3 lần so với bình thường. Đồng thời, sản lượng xăng dầu do PV OIL cung cấp cho các đầu mối phân phối cũng vượt 28% so với kế hoạch.
Với mức lợi nhuận như trên, tại BCTC kiểm toán năm 2022, PV OIL ghi nhận khoản lỗ lũy kế hợp nhất đã giảm khoảng 250 tỷ đồng so với trước soát xét, và giảm 1.491 tỷ đồng so với thời điểm trước cổ phần hóa ngày 31/12/2017 (lỗ lũy kế 1.676 tỷ), xuống mức 185,53 tỷ đồng. Với đà tăng trưởng hiện nay, PV OIL cho hay sẽ sớm xóa lỗ lũy kế trong thời gian ngắn tới.
Cũng tại BCTC kiểm toán năm 2022, OIL đang ghi nhận khoản nợ thu khó đòi là 894,29 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ khó đòi chủ yếu là khoản nợ từ công ty con là Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC) 683,43 tỷ đồng, chiếm 76,45% trong tổng số nợ khó đòi.
Các khoản nợ này được ghi nhận trước thời điểm cổ phần hóa PV OIL năm 2018 và đều được trích lập dự phòng 100% nên không ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh hiện tại của PV OIL, có thể hoàn nhập và ghi nhận vào lợi nhuận khi thu hồi được nợ.
Ngoài ra, đơn vị này còn có khoản đầu tư gần 273 tỷ đồng tại CTCP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB, công ty liên kết của PV OIL) và hiện đơn vị này đã làm thủ tục phá sản. Theo văn bản giải trình, phía PV OIL cho biết đây là khoản đầu tư vào dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, phát sinh trước khi cổ phần hóa năm 2018.
Do dự án được đề nghị xem xét phương án phá sản theo Thông báo số 385 ngày 2/10/2018 của Văn phòng Chính phủ, PV OIL đã đề xuất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho phép được xác định lại khoản đầu tư này về 0 đồng khi quyết toán cổ phần hóa, tức khoản đầu tư này sẽ được loại ra khỏi công ty cổ phần.
Tuy nhiên, hiện không thể thực hiện thẩm định giá trị doanh nghiệp PVB nên việc thoái vốn chưa thực hiện. Hiện nay, PV OIL đang làm việc với các cổ đông của PVB, ngân hàng tài trợ vốn, tòa án để quyết định phương án xử lý.
Quá trình thực hiện thủ tục phá sản dự án, nếu phát sinh thu hồi từ thanh lý tài sản tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, doanh nghiệp sẽ nộp toàn bộ về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Về tình hình tài chính, quy mô tổng tài sản của PV OIL tại thời điểm ngày 31/12/2022 là 28.810 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 11.327 tỷ, trong đó vốn điều lệ là 10.342 tỷ đồng. Hiện trên 80,5% vốn góp tại doanh nghiệp này thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).
Trong năm 2022, PV OIL đã hợp tác với VinFast và nhanh chóng hoàn thành lắp đặt gần 300 trạm sạc xe điện tại các cửa hàng xăng dầu PV OIL trên toàn quốc.
Việc hợp tác này là bước đầu thực hiện chiến lược để PV OIL thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay; Đưa PV OIL trở thành nhà cung cấp năng lượng đa dạng cho các phương tiện giao thông, không chỉ xăng dầu mà còn có cả năng lượng điện và hydro trong tương lai.
Với tiềm năng hợp tác này, PV OIL và VinFast cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các địa điểm phù hợp để mở rộng số lượng trạm sạc, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả hai bên.