Khăn Piêu - Nét văn hóa trong đời sống người Thái ở Lai Châu
Với người Thái ở Lai Châu, khăn Piêu không chỉ dùng để che nắng, che gió, giữ ấm…, nó còn là tín vật cho tình yêu đôi lứa, là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người Thái.
Được mẹ hướng dẫn thêu khăn Piêu từ nhỏ, cô gái Lò Thị Thim, được đánh giá là người thêu khăn Piêu đẹp nhất nhì bản Nậm Khao, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Hằng ngày, ngoài thời gian lao động, lúc rảnh rỗi Thim cùng các chị em trong đội văn nghệ của bản làm khăn Piêu để dùng và làm sản phẩm du lịch.
Thim tâm sự: “Mỗi dịp có khách đến thăm bản hay xã, huyện; khăn Piêu của bản em lại được dùng để làm quà tặng. Hiện nay bản em đang hướng đến làm du lịch cộng đồng, do đó khăn Piêu lại được xem như món quà lưu niệm để khách mua về làm quà cho người thân. Mặc dù thu nhập từ sản phẩm không nhiều, nhưng lại rất ý nghĩa đối với chúng em, mọi người mua nó tức là họ đã quan tâm đến sản phẩm văn hóa truyền thống của dân tộc chúng em….”.
Qua tìm hiểu được biết, người Thái ở Mường Mô nói riêng và người Thái ở Lai Châu nói chung làm khăn Piêu từ loại vải bông tự dệt. Khăn Piêu có nhiều loại khác nhau, có loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc sỡ, có loại chỉ là một tấm vải bông nhuộm chàm.
Việc thêu hay giữ nguyên màu chàm mộc, theo người dân trong bản còn tùy theo văn hóa từng vùng, từng địa phương. Khăn Piêu ngoài là vật dụng che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh, còn là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ hội, trong lễ cưới khi về nhà chồng, là đồ kỷ niệm, làm quà tặng cho bạn bè, người thân…
Bà Lò Thị Thân ở bản Mường Mô, xã Mường Mô cho biết, để có một chiếc Piêu hoàn chỉnh, nếu làm thủ công, người phụ nữ Thái phải mất từ ba đến bốn tuần cho việc thêu. Việc thêu khăn cũng rất công phu và chỉ tập trung thêu trang trí ở hai đầu khăn. Khi thêu những hoa văn đa dạng lên hai đầu khăn, họ nhìn theo mẫu, nhưng không dập khuôn một cách máy móc, trong quá trình thêu, người thêu có thể sáng tạo ra những họa tiết hình theo ý thích.
Quan sát kỹ chiếc khăn Piêu qua đường kim mũi chỉ mới thấy vẻ đẹp tự nhiên được tạo hình qua bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái. Đó là hình ảnh gần gũi với đời sống thường ngày như: bông hoa, chiếc lá, ngôi sao năm cánh, các con côn trùng… Nét đặc biệt là phụ nữ Thái không thêu khăn Piêu ở mặt phải như lối thêu thông thường mà lại thêu từ mặt trái. Các hoa văn với họa tiết và màu sắc xen kẽ sẽ hiện lên ở mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian tài tình.
Khăn Piêu được tạo theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu vào vải, nhưng cái khó là phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ vào mặt trái và hoa văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Hoa văn thêu trên khăn Piêu điểm xuyết các màu sắc, hoa văn với bố cục nội dung phức tạp, đòi hỏi người phụ nữ phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật, đầu óc tưởng tượng phong phú, nhất là phải thuộc các họa tiết, hoa văn với hai mặt phải, trái của nó.
Bố cục trang trí trên khăn Piêu cho ta thấy sự kết hợp độc đáo, khéo léo giữa màu sắc và hoa văn. Đó là màu xanh của núi rừng, màu vàng của ánh nắng, của nương lúa chín và màu trắng hồng của hoa cỏ… Mỗi họa tiết thể hiện tình yêu của người Thái với thiên nhiên và bản làng.
Trước đây, khi chọn con dâu, người Thái quan niệm, nếu một cô gái không biết thêu khăn Piêu, thì bị coi là lười và ít được các chàng trai để ý. Cũng vì ý nghĩa đó mà ở nhiều bản làng của người Thái ngày nay, những bé gái sau buổi học đều được mẹ của mình dạy cách thêu từng đường kim, mũi chỉ hay những điệu múa mang đậm bản sắc truyền thống. Thậm chí việc thêu thùa, trong đó có thêu khăn Piêu được nhiều trường học đưa vào thành môn học ngoại khóa để giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa truyền thống.
Với mái tóc dài tự nhiên được cột gọn gàng cùng chiếc trâm bạc cài đầu và chiếc khăn Piêu được buộc một cách khéo léo; khi ấy, người con gái Thái càng trở nên xinh đẹp, quyến rũ với nét đẹp khỏe khoắn đặc trưng của người phụ nữ vùng cao.
Hiện nay, mặc dù đồng bào Thái có nhiều sự giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em khác, tuy nhiên chiếc khăn Piêu vẫn luôn được trân trọng và gìn giữ như một nét văn hóa đặc trưng in đậm bản sắc của dân tộc.
Ông Nguyễn Trọng Hiến - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lai Châu, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Thái ở Lai Châu cho biết: Trong xã hội xưa, khăn Piêu còn để phân biệt tầng lớp và giai đoạn nữ giới, từ tầng lớp người Thái quý tộc đến người phụ nữ nghèo neo con... Ngày nay, khăn Piêu vẫn là vật dụng quan trọng có mặt trong đời sống vật chất, tinh thần thường ngày của người phụ nữ Thái.
Khăn Piêu là lễ vật trong hôn nhân, là biểu trưng trong lễ hội và là đồ tùy táng theo người chết về thế giới bên kia. Cùng với ngôn ngữ, trang phục là dấu hiệu thông tin quan trọng thứ hai để phân biệt hay nhận dạng được tộc này với tộc khác, vùng miền này với vùng miền khác. Và khăn Piêu trở thành biểu tượng, chứa đựng nhiều ý nghĩa đời sống và tâm linh sâu sắc của người Thái ở Lai Châu.