Khẩn trương cải tạo rạch Xuyên Tâm

Gần 20 năm qua, rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp là 'điểm đen' ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của hàng nghìn hộ dân và làm mất mỹ quan đô thị. TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với mục tiêu 'hồi sinh' con rạch này cũng như chỉnh trang hạ tầng toàn khu vực…

Rạch Xuyên Tâm hiện đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Rạch Xuyên Tâm hiện đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Gần 20 năm qua, rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp là “điểm đen” ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của hàng nghìn hộ dân và làm mất mỹ quan đô thị. TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với mục tiêu “hồi sinh” con rạch này cũng như chỉnh trang hạ tầng toàn khu vực…

Chậm triển khai…

Rạch Xuyên Tâm xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh) chảy đến sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp), dài 6,2 km, tiếp nhận 40% lượng nước thải sinh hoạt của người dân quận Bình Thạnh với khoảng 40.000 m3/ngày chưa qua xử lý. Từ nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm nặng nề do các loại rác thải, chất thải của hàng nghìn hộ dân sinh sống hai bên rạch thải xuống rạch Xuyên Tâm, dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập nước. Gần 20 năm nay, người dân khu vực quận Bình Thạnh, Gò Vấp nhiều lần kiến nghị chính quyền thành phố sớm triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như cải thiện hạ tầng khu vực.

Anh Đặng Ngọc Trùng Dương, ngụ đường Bùi Đình Túy, phường 12, quận Bình Thạnh cho biết: Rạch Xuyên Tâm đoạn qua cầu Bùi Đình Túy bị ô nhiễm từ nhiều năm nay, nước đen đặc, bùn hôi thối thoát ra không được do vướng nhiều rác và lục bình, khiến muỗi sinh sôi nảy nở vô kể. Mỗi lần thủy triều lên mang thêm rác từ khu vực khác về. Mỗi khi trời nắng nóng hoặc khi có mưa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dọc con rạch này dù được xây đê bao chống ngập nhưng đã xuống cấp nên nước vẫn tràn ra đường, hôi kinh khủng.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2002 với kinh phí 123 tỷ đồng. Năm 2015, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất phương án đầu tư 3.500 tỷ đồng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Tháng 3-2016, UBND thành phố Hồ Chí Minh tái phê duyệt dự án với nguồn vốn khoảng 5.100 tỷ đồng. Tháng 8-2017, tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.600 tỷ đồng và hiện là 9.300 tỷ đồng.

Giai đoạn 2017 - 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ chủ trương đầu tư và đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm bằng vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, dự án này chưa thể triển khai do gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện, mà càng chậm trễ thì nguồn vốn đầu tư lại tiếp tục tăng thêm…

Triển khai dự án đa mục tiêu

Mới đây, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm một lần nữa được khởi động khi Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư. Theo Ban quản lý dự án, hồ sơ dự án hiện đã hoàn tất và chuẩn bị các thủ tục dự kiến trình HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp tới.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án hơn 9.300 tỷ đồng, trong đó phần kinh phí xây dựng ước tính gần 4.500 tỷ đồng, còn lại là kinh phí giải phóng mặt bằng. Dự án bao gồm các hạng mục: Nạo vét tuyến rạch Xuyên Tâm dài 6,2 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật cùng ba tuyến nhánh dài gần 2 km (cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi); làm đường hai bên; hệ thống thu gom nước thải trên phạm vi 700 ha... Dự kiến sẽ khởi công và hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo tính toán của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh, để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, thành phố cần di dời 2.195 hộ dân. Trong đó, có 950 hộ ở hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp phải di dời toàn phần. Riêng phần bồi thường, giải phóng mặt bằng, TP Hồ Chí Minh cần chi phí gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù cho đoạn rạch qua quận Bình Thạnh hơn 4.300 tỷ đồng, đoạn qua quận Gò Vấp gần 470 tỷ đồng.

Bên cạnh mục tiêu cải thiện vệ sinh môi trường, dự án sẽ hướng đến việc chống ngập, nâng cấp hạ tầng giao thông, giải tỏa ùn tắc trên một vùng rộng lớn, tổ chức lại dân cư sinh sống dọc tuyến kênh và mục tiêu xa hơn là phát triển du lịch đường thủy. Theo đó, dọc hai bên tuyến kênh sẽ được bố trí hai làn xe cơ giới với chiều rộng từ 6 - 8 m. Hệ thống giao thông mới sẽ giúp việc di chuyển từ khu vực trung tâm thành phố đến khu vực ngoại thành như kênh Tham Lương - Bến Cát, Khu công nghiệp Bình Tân rút ngắn đáng kể.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm còn có hạng mục thu gom nước thải của nhà dân toàn bộ khu vực chuyển về Trạm bơm Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) và Nhà máy nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 (TP Thủ Đức). Khi đi vào vận hành, tình trạng ngập do mưa, do triều trên địa bàn sẽ được khắc phục. Ngoài ra, dọc tuyến rạch Xuyên Tâm, nhiều công viên, khu vực vui chơi giải trí sẽ hình thành, phục vụ phát triển du lịch, thu hút đầu tư trong tương lai.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, việc cải tạo kênh, rạch là chương trình mà thành phố đã nỗ lực thực hiện từ hơn 20 năm nay nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung liên quan đến cải tạo kênh, rạch. Thành phố sẽ có những giải pháp để phát huy nguồn lực của xã hội để cùng cải tạo rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh. Với rạch Xuyên Tâm, thành phố đặt nhiều mục tiêu và kỳ vọng trong chỉnh trang diện mạo đô thị, cải tạo môi trường. Với dự án lớn như cải tạo rạch Xuyên Tâm, những khó khăn xuất hiện là điều đương nhiên nhưng thành phố đã đặt quyết tâm cao thực hiện và hoàn thành trong nhiệm kỳ này.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã dẫn đầu đoàn khảo sát của thành phố kiểm tra hiện trạng, phương hướng thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và khẳng định: Việc cải tạo rạch Xuyên Tâm là nhu cầu rất bức thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây, góp phần chỉnh trang đô thị, do đó, dự án cần được ưu tiên vốn để thực hiện. Thành phố quyết tâm cân đối các nguồn lực làm nhanh dự án này, đáp ứng mong mỏi của người dân. Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án sẽ thực hiện bằng vốn ngân sách, phần xây dựng kêu gọi xã hội hóa.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu việc cải tạo rạch Xuyên Tâm phải tính tới vấn đề tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Việc di dời 950 hộ dân bị giải tỏa "trắng" ở Bình Thạnh và Gò Vấp nếu không tổ chức tái định cư sẽ khó thực hiện. Hiện, quận Bình Thạnh đã bố trí được 615 căn hộ chung cư cho người dân thuộc diện giải tỏa "trắng" mà dự án đi qua, cần thêm 300 căn hộ tái định cư nữa...

Bài và ảnh: ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/khan-truong-cai-tao-rach-xuyen-tam-644414/