Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để ứng phó tốt hơn với các loại dịch bệnh

Đánh giá việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, các đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, cần rút bài học kinh nghiệm từ những thành công và cả những sai lầm vừa qua, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để ứng phó tốt hơn với các loại dịch bệnh.

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tiếp tục phiên họp toàn thể sáng nay, 29.5, các ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre), Tráng A Dương (Hà Giang) đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Cả hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực

Theo các đại biểu Quốc hội, Báo cáo kết quả giám sát đã tổng hợp khách quan, giúp đại biểu có thông tin toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực trạng y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện nay. ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cũng cho rằng, trải qua ba năm chống dịch, chúng ta cần rút bài học kinh nghiệm từ những thành công và cả những sai lầm.

Trong đó, về thành công, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, trong quá khứ chúng ta không thể không thấy sự cố gắng của mọi tầng lớp xã hội chung tay chống dịch, có những việc tưởng như không thể mà chúng ta đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt như: việc thành lập Quỹ vaccine, tiêm vaccine diện rộng, thành lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

"Khi đại dịch xảy ra thì có quyết định thành lập Bệnh viện Covid cơ sở Hoàng Mai trên một bãi đất trống. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi vận động doanh nghiệp đóng góp tài chính, dồn sức xây dựng để một tháng sau đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch đã được chữa khỏi và ra viện từ nơi đây. Chúng ta đã chứng kiến cả một hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Dù vậy, "bên cạnh những kết quả, những việc tưởng chừng không thể làm nhưng chúng ta đã hoàn thành", các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, vẫn có những điều đáng tiếc xảy ra, để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng xương máu, đòi hỏi chúng ta cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn với các loại dịch bệnh khác và có thể khả năng Covid -19 bùng phát trở lại.

Trên tinh thần này, các đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất của Đoàn giám sát về việc Bộ Y tế sớm ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để chống dịch chuyển sang điều trị khám, chữa bệnh thông thường thì nên giao cho các bệnh viện địa phương quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí những cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được mua sắm, trao tặng.

Sớm có giải pháp về sử dụng kinh phí vận động phòng, chống dịch

Dịch Covid-19 tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ, nhiều vấn đề phát sinh chưa có quy định, hoặc nếu có sự hướng dẫn cũng chưa được thống nhất, đồng bộ… Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, việc giải quyết tại thời điểm hiện tại cũng phải đặt trong bối cảnh này để có hướng xử lý sao cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Một ví dụ được đại biểu đưa ra là ở địa phương trong quá trình phòng, chống dịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ có nhiều văn bản hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí vận động, trong đó có cho phép đối với các tỉnh có dịch bệnh phức tạp thì ưu tiên kinh phí vận động cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương ngoại trừ nguồn ủng hộ có ghi rõ mua vaccine và sau đó sẽ nộp số tiền còn lại về Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương và thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí vận động này để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương và từng nội dung sử dụng. Phân bổ kinh phí phòng, chống dịch đều có báo cáo xin ý kiến và trình cho Thường trực Tỉnh ủy để phê duyệt.

"Tuy nhiên, qua kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm vừa rồi, căn cứ theo hướng dẫn của Chính phủ, Kiểm toán cũng đã yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid -19 Trung ương toàn bộ số tiền theo mức 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch. Trong khi nguồn kinh phí vận động này của tỉnh đã chi cho công tác phòng, chống dịch hiện còn ít cũng không thể nộp đủ theo đề nghị của Kiểm toán nhà nước", đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu thực tế và cho biết, tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều tỉnh khác. Do vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp tình hình chung của các địa phương để phối hợp cùng với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn này cho các địa phương.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/khan-truong-chuan-bi-cac-dieu-kien-can-va-du-de-ung-pho-tot-hon-voi-cac-loai-dich-benh-i330626/