Khẩn trương cứu diện tích lúa Đông Xuân, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao những ngày qua, TT-Huế và Phú Yên có mưa to, rất to trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho lúa, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao những ngày qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Phú Yên có mưa to, rất to trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho lúa và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở hai tỉnh.

Mưa lớn kéo dài kèm theo gió giật mạnh từ ngày 30/3 đến sáng 1/4 gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của các địa phương ven biển Phú Yên; làm hơn 13.000ha lúa Đông Xuân của tỉnh bị ngập nước, ngã đổ.

Cơ quan chức năng cùng nông dân trong tỉnh đang khẩn trương tiêu úng cứu lúa, hạn chế thiệt hại cho vụ Đông Xuân.

Trưa 1/4, thời tiết tại Phú Yên đã nắng ráo, hàng trăm hộ dân ở huyện Phú Hòa đã xuống đồng, khẩn trương tiêu úng cho các ruộng lúa bị ngập nước do mưa lớn những ngày qua.

Bà Trần Thị Kim, thôn Đông Phước, xã Hòa An cho biết: "Nhà có 10 sào lúa vụ Đông Xuân, đợt mưa lớn hai ngày qua khiến 5 sào bị ngập nước, ngã rạp. Lúa vừa mới trổ, đang trong giai đoạn ngậm sữa nên thu hoạch cũng không được. Từ sáng, tôi đã tìm đủ cách để tiêu úng cho ruộng lúa nhưng không đạt do mực nước mưa ngoài kênh và trong ruộng vẫn còn rất lớn. Giờ chỉ trông trời khô ráo để nước trong ruộng sớm được tiêu úng mới mong vớt vát được phần nào lúa vụ này."

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên, vụ Đông Xuân năm 2021-2022, toàn tỉnh gieo sạ 26.666ha lúa, hiện có 13.448ha bị ngập úng, ngã đổ, chiếm 50% diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn. Diện tích này lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa, chín sáp, sắp cho thu hoạch.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng, để giảm thiệt hại cho người dân, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương hướng dẫn người dân thu hoạch nhanh đối với diện tích lúa đã chín; tranh thủ thời tiết nắng ráo khẩn trương tiêu úng cho các cánh đồng bị ngập.

Công ty Thủy nông Đồng Cam, các địa phương đã vào cuộc, khơi thông hệ thống kênh chính và kênh nhánh chạy dọc các cánh đồng để sớm tiêu thoát nước.

Còn tại Thừa Thiên-Huế, tính đến chiều 1/4, tỉnh có hơn 500ha lúa vụ Đông Xuân đang thời kỳ trổ bông đã ngập sâu trong nước, trong đó tập trung ở các địa phương nằm ven sông Truồi, huyện Phú Lộc và huyện miền núi Nam Đông.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Lộc, do lượng mưa lớn ở thượng nguồn sông Truồi, nước các triền sông dâng cao, tràn qua hệ thống đê bao nhấn chìm gần 500ha lúa Đông Xuân của huyện, gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương và người dân.

Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành, xã Lộc Bổn, một trong những đơn vị có diện tích lúa Đông Xuân lớn nhất huyện Phú Lộc, có gần một nửa diện tích lúa bị ngập do mưa lớn.

 Chiều 31/3, trên địa bàn xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc đã xảy ra mưa giông, lốc xoáy làm tốc mái 17 căn nhà. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 31/3, trên địa bàn xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc đã xảy ra mưa giông, lốc xoáy làm tốc mái 17 căn nhà. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Hoàng Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành cho biết hợp tác xã hiện có khoảng 200ha lúa Đông Xuân bị ngập sâu từ 0,5-1m. Lúa đang thời kỳ chuẩn bị trổ bông, nếu tình trạng ngập úng này kéo dài 4-5 ngày nữa, những diện tích này có nguy cơ mất trắng.

Hiện, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa tất cả các trạm bơm vào vận hành hết công suất để cứu lúa; đồng thời phối hợp với các địa phương có phương án vận hành các công trình thủy lợi, cống qua đê để bảo vệ diện tích sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022.

Dự báo từ ngày 1-3/4, địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to, rải rác mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa dự báo cho cả đợt phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm kết hợp với triều cường dâng cao.

Ngày 1/4, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản thông báo đến các đơn vị, địa phương về việc cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển tại 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các chủ đập; đơn vị quản lý khai thác; chủ đầu tư công trình thủy lợi, hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, A Lưới, cụm công trình thủy điện trên sông Rào Trăng, cụm thủy điện trên sông A Sáp… chú ý kiểm tra, phát hiện các điểm nguy cơ sạt lở ven hồ, thượng, hạ lưu công trình đầu mối.

Các đơn vị kiểm tra tình hình trượt lở ven hồ phía thượng lưu đập dâng, đập tràn đề phòng đất đá sạt lở mạnh gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua đập gây sự cố công trình, đề phòng hiện tượng sạt lở sườn đồi bờ sông phía hạ lưu đập dâng, đập tràn làm hạn chế thoát lũ, đe dọa đến vận hành an toàn công trình.

Các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa lớn để di dời, sơ tán dân tại những vị trọng điểm, xung yếu, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất theo phương châm “bốn tại chỗ”./.

Phạm Cường-Tường Vi (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khan-truong-cuu-dien-tich-lua-dong-xuan-nuoi-trong-danh-bat-thuy-san/781471.vnp