Khẩn trương cứu lúa trước đợt nóng kéo dài

'26.000ha lúa ở Bắc Trung Bộ hạn nặng, có nguy cơ mất trắng một nửa nếu một tuần nữa không có mưa' là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai tại khu vực Bắc Trung Bộ tổ chức tại TP Vinh ngày 22-7.

Theo báo cáo từ Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ tháng 5 đến nay, Bắc Trung Bộ xảy ra 6 đợt nắng nóng, thời gian phổ biến mỗi đợt từ 5-7 ngày, có đợt tới 14 ngày. Nhiệt độ cao nhất thực đo trong các đợt nắng nóng từ 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ C; riêng trạm Hà Tĩnh duy trì nhiệt độ cao trên 35 độ C trong 26 ngày liên tục (từ ngày 18-6 đến 13-7). Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử trong chuỗi số liệu tính từ năm 1971 đến hiện tại, một số nơi nhiệt độ cao nhất đã vượt giá trị lịch sử như Đô Lương (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Hà Tĩnh.

Về lượng mưa, riêng tháng 5 và tháng 6-2020, tổng lượng mưa tháng thiếu hụt nhiều từ 50-80%, một số nơi trong tháng 6-2020 hầu như không có mưa như Hà Tĩnh, Quảng Bình. Mưa ít cộng với nắng nóng kéo dài khiến dung tích phần lớn các hồ thủy lợi thấp so với dung tích thiết kế. Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã xảy ra hạn hán, thiếu nước với diện tích bị ảnh hưởng là 25.970ha. Nắng nóng từ tháng 5 đến nay liên tục gia tăng trên diện rộng, đặc biệt như Nghệ An đã 70 ngày không có mưa.

Nhiều đồng lúa ở Nghệ An có nguy cơ mất trắng vì hạn hán.

Nhiều đồng lúa ở Nghệ An có nguy cơ mất trắng vì hạn hán.

Cùng với đó dung tích hơn 300 hồ chứa trọng điểm tại khu vực này đang có mực nước thấp, nhiều hồ lớn xấp xỉ mực nước chết. Do thiếu nước nghiêm trọng nên toàn vùng hiện có khoảng 8.200 ha lúa bị ảnh hưởng nặng. Trong đó diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước trong khu vực lên đến 30.000ha.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu vô cùng khắt nghiệt, thậm chí là dị thường khiến nhiều ngành, địa phương rất lúng túng trong việc đối phó. Theo Bộ trưởng, Bắc Trung Bộ là khu vực có mật độ sông, suối dày đặc, nhiều hồ nhất cả nước, trong đó có nhiều hồ nhỏ, địa hình rất dốc, chia cắt; đồng bằng nhỏ rất manh mún; mùa mưa tập trung vào những tháng cuối năm.

Ông Cường lưu ý, trước mắt, cần tập trung nhân lực nhằm ứng phó để chống hạn cho diện tích cây trồng, trong đó có khoảng 26.000ha lúa đang bị hạn, mà một nửa có nguy cơ mất trắng nếu khoảng một tuần nữa không có mưa; đồng thời bàn công tác chống lũ; xây dựng giải pháp căn cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu trước mắt 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ phải khẩn trương nghiên cứu thực hiện chuyển nước và liên kết nguồn nước ở những nơi thừa sang nơi thiếu phục vụ chống hạn, bơm dã chiến hoạt động liên tục tại các vùng trọng điểm. Cùng với đó phải chuyển đổi ngay đối với diện tích đất bị hạn nặng, không thể gieo cấy, sang các loại cây trồng mầu hoặc cây công nghiệp thích hợp với nắng hạn.

Hiện nay, có khoảng 46.600 hộ dân ở các tỉnh Bắc Trung bộ đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, trong đó Quảng Trị là tỉnh có số hộ bị ảnh hưởng cao nhất (khoảng 30.000 hộ). Tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài cũng đã làm phát sinh 48 vụ cháy rừng, ảnh hưởng đến gần 194ha rừng. Ông Cường yêu cầu toàn vùng nghiên cứu kỹ để điều tiết hiệu quả dung tích nước đang còn trong các hồ chứa; tập trung bơm cưỡng bức với tất cả các loại công suất để hỗ trợ cho được 26.000ha lúa bị hạn; áp dụng quy trình tưới luân phiên. Vùng Bắc Trung Bộ vẫn còn 35% dung tích nước tích trữ, do đó cần tận dụng nguồn nước này để cứu gần 26.000ha lúa gặp hạn hán (bao gồm 10.000ha ở Nghệ An).

Riêng 46.000 hộ dân ở Bắc Trung Bộ thiếu nước sinh hoạt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các địa phương bằng mọi giá "không để một hộ dân nào không có nước dùng, phương án cuối cùng là phải chở nước đến cho dân".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, 3 biện pháp lâu dài đối với vùng Bắc Trung Bộ là tổng rà soát cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản; bố trí cây trồng vật nuôi theo hướng thích ứng và giảm diện tích lúa ở những vùng bấp bênh; cơ cấu lại ngành thủy sản phù hợp; quan tâm phát triển kinh tế lâm nghiệp khu vực phía Tây. Về tình hình mưa lũ sắp tới, ông Cường lưu ý từng địa phương phải chủ động các phương án bởi đây là vùng có nhiều hồ đập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, Bắc Trung bộ nắng nóng quá lâu nên khi gặp mưa sẽ dễ xảy ra sạt lở đất.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị rà soát lại toàn bộ các thiết chế hạ tầng lớn, nhất là các hồ chứa nước; đánh giá, tính toán lại phương án trị thủy các dòng sông một cách hiệu quả hơn… Đặc biệt các tỉnh cần chủ động ứng phó với tình hình lũ. Tinh thần là phải rà soát toàn bộ, phương án, kế hoạch ứng phó thực sự sát thực tiễn.

Ngọc Yến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/khan-truong-cuu-lua-truoc-dot-nong-keo-dai-603908/