Khẩn trương diệt trừ sâu cuốn lá, rầy để bảo vệ lúa mùa

Phần lớn diện tích lúa mùa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái làm đòng. Tuy nhiên rất nhiều sâu, bệnh hại phát sinh nguy cơ lan rộng. Nếu không tập trung phòng trừ sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa, năng suất, sản lượng lúa tụt giảm.

Hầu hết diện tích lúa mùa xã Đội Cấn, Thái Long, An Khang và phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đang bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng, nhưng rất nhiều thửa ruộng đã bị nhiễm sâu cuốn lá, rầy. Chị Hoàng Thị Tuyên, thôn Hòa Bình, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) chia sẻ, gia đình có 4 sào ruộng, từ tháng 7 đến nay nhiều lá lúa đã bị sâu cuốn lại thành kén, dưới gốc lúa rầy nâu, rầy lưng trắng cũng xuất hiện. So với mọi năm sâu, rầy xuất hiện sớm hơn dày đặc hơn khiến chị Tuyên lo ngại dịch hại lan rộng khó phòng trừ.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra sâu, bệnh hại trên lúa mùa đang kỳ đứng cái.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra sâu, bệnh hại trên lúa mùa đang kỳ đứng cái.

Bà con nông dân huyện Sơn Dương cũng đang phải bám đồng, bám ruộng từng ngày để theo dõi tình hình sâu, bệnh hại. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) cho biết, không những nhiễm sâu cuốn lá, rầy, lúa của gia đình ông và nhiều hộ trong thôn, lúa còn bị bệnh bạc lá. Cùng 1 lúc lúa bị nhiễm nhiều đối tượng sâu, bệnh hại khiến ông Tĩnh hoang mang không biết phòng, trừ như thế nào cho hiệu quả để bảo vệ cây lúa.

Bà Trần Thị Lịch, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, kết quả kiểm tra đồng ruộng cho thấy, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang vũ hóa rộ, mật độ phổ biến từ 3-5 con/m2, nơi cao từ 8-10 con/m2; sâu non đang nở rải rác mật độ phổ biến 5-10 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2; rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 5 đang nở và gây hại mật độ trung bình 200-300 con/m2, nơi cao 500-700 con/m2. Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng những trận mưa lớn của cơn bão số 3 vừa qua, trên một số diện tích lúa, rau màu bị ảnh hưởng, phát sinh một số sâu bệnh như bệnh thối thân, thối nhũn, bạc lá, bệnh đạo ôn... Dự báo ở trà lúa giai đoạn cuối đứng cái, sâu cuốn lúa sẽ nở rộ từ ngày 7 đến ngày 15-8, mật độ phổ biến 10-15 con/m2, nơi cao từ 30-40 con/m2, điểm cục bộ trên 60 con/m2, những nơi mật độ cao nếu không phòng trừ sẽ gây trắng lá. Trên trà giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ, sâu non nở rộ từ ngày 10-8 đến ngày 20-8 và gây hại, mật độ phổ biến từ 20-30 con/m2, nơi cao 50-70 con/m2, cá biệt trên 90 con/m2. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 nở rộ từ ngày 7 đến ngày 14-8, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, nơi cao 1.000- 1.500 con/m2, cá biệt từ 3.000-5.000 con/m2. Nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây vàng lá vào giữa tháng 8 trở đi.

Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt vào Bảo vệ thực vật tỉnh đã đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo mạng lưới khuyến nông cơ sở, hướng dẫn bà con khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ tổng hợp để trừ cuốn lá và rầy. Cụ thể, bón phân cân đối để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh; vệ sinh đồng ruộng, phát quang cỏ bờ để hạn chế nơi trú ngụ của sâu và rầy. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ khi mật độ sâu, rầy tới ngưỡng phòng trừ (sâu cuốn lá nhỏ có mật độ trên 50 con/m2 ở giai đoạn đẻ nhánh; trên 20 con/m2 đối với giai đoạn làm đòng đến trỗ. Rầy nâu, rầy lưng trắng có mật độ trên 750 con/m2). Thời điểm phòng trừ tốt nhất đối với sâu cuốn lá nhỏ và rầy trên các trà lúa phải được thực hiện xong trước ngày 18-8.

Do thời gian phát sinh gây hại của sâu cuốn lá nhỏ và rầy cơ bản trùng nhau, do vậy trong quá trình điều tra phát hiện nếu mật độ sâu, rầy hoặc cả 2 tới ngưỡng phòng trừ thì tiến hành phòng trừ bằng một trong các loại thuốc: Regent 800WG, Actamec 40EC, Virtako 40WG, Victory 585 EC... hoặc các thuốc khác có cùng hoạt chất đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Nồng độ các loại thuốc pha theo hướng dẫn trên bao bì và đảm bảo 20 - 25 lít nước thuốc/sào, giữ mực nước trên ruộng 2-3 cm, sau phun 3-5 ngày kiểm tra nếu mật độ sâu, rầy còn cao thì phun lần 2.

Bệnh bạc lá, sử dụng một trong các loại thuốc như: Hỏa tiễn 50 SP, Sasa 20 WP, Staner 20 WP, Exin4,5 HP, Sasumi 70 WP, An-ti-xo 200 WP, Anpine 80WDG... phải giữ mức nước ổn định từ 2-3 cm để đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi; ngừng bón phân hóa học, các chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá khi cây lúa bị bệnh.

Khuyến cáo của các kỹ sư nông nghiệp, thời điểm này lúa đang đứng cái rất mẫn cảm, bà con cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu bệnh, hại cần thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ để hạn chế những rủi do ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/khan-truong-diet-tru-sau-cuon-la-ray-de-bao-ve-lua-mua-121258.html