Khẩn trương điều tra những cá nhân giúp Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán

Trong trường hợp cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính mà sau đó xác định hành vi vi phạm đủ cấu thành tội phạm, phải xử lý hình sự thì Cơ quan điều tra sẽ khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Như đã đưa tin, ngày 30.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Theo cơ quan điều tra, Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam để làm rõ những sai phạm liên quan đến việc bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10.1.

Cũng liên quan đến vụ bán “chui” cổ phiếu này, Trịnh Văn Quyết đã bị phạt hành chính 1,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động chứng khoán 5 tháng bởi quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Không báo cáo về giao dịch dự kiến” từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bị can Trịnh Văn Quyết.

Bị can Trịnh Văn Quyết.

Nhiều thủ đoạn, mánh khóe tinh vi để tạo cung, cầu giả, đẩy giá cổ phiếu nhằm thu lời bất chính

Về vụ việc này, có người đặt câu hỏi vì sao Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ra quyết định xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động chứng khoán 5 tháng nhưng vẫn bị khởi tố?

Theo báo CANDonline, trả lời về việc trên, Thiếu tướng Lê Văn Tân, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, tháng 1.2022, Trịnh Văn Quyết bị xử phạt hành chính về hành vi không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán.

Sau khi vào cuộc xác minh, điều tra, cơ quan chức năng phát hiện trong vụ việc bán chui cổ phiếu ngày 10.1, Trịnh Văn Quyết đã có nhiều thủ đoạn, mánh khóe tinh vi để tạo cung, cầu giả, đẩy giá cổ phiếu nhằm thu lời bất chính số tiền từ 500 triệu đồng trở lên.

Do đó, Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố Trịnh Văn Quyết về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

“Trong trường hợp cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính mà sau đó xác định hành vi vi phạm đủ cấu thành tội phạm, phải xử lý hình sự thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, sau khi bị khởi tố, điều tra thì toàn bộ quyết định xử phạt hành chính trước đây đều không có hiệu lực”, Thiếu tướng Lê Văn Tân cho biết.

Các cán bộ điều tra niêm phong tài liệu, chứng cứ về việc phạm tội của bị can Trịnh Văn Quyết.

Các cán bộ điều tra niêm phong tài liệu, chứng cứ về việc phạm tội của bị can Trịnh Văn Quyết.

Đang điều tra những cá nhân giúp sức tích cực, tạo điều kiện để Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi vi phạm

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết tác động tiêu cực tới thị trường và gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.

Ngoài ông Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố, bắt tạm giam, hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tích cực điều tra những cá nhân giúp sức tích cực, tạo điều kiện để bị can thực hiện hành vi vi phạm.

Trong quá trình xác minh điều tra, cơ quan Công an sẽ xem xét, làm rõ mục đích, vai trò của từng người để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nếu những người đó thực hiện hành vi dưới danh nghĩa công ty (pháp nhân), nhằm trục lợi bất chính cho đơn vị thì tùy theo mức độ thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư và số tiền thu lợi bất chính, pháp nhân này có thể bị phạt tiền từ 2-10 tỷ đồng,

Trường hợp người thực hiện hành vi dưới danh nghĩa cá nhân, tiếp tay làm lũng đoạn thị trường nhằm tư lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, những đối tượng này còn phải bồi thường dân sự cho những nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

* Trong diễn tiến mới đây, từ ngày 28 đến ngày 31.3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 13. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Các cá nhân gồm: Vũ Bằng - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trần Văn Dũng -Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long - Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Lê Hải Trà - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nguyên Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị; Nguyễn Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

FLC đề nghị tạm dừng giao dịch cổ phiếu để điều tra bất thường

Ngày 1.4, Tập đoàn FLC đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan liên quan về áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.

Trong phiên giao dịch ngày 1.4, mã cổ phiếu FLC của tập đoàn này có thanh khoản tăng đột biến với tổng khối lượng khớp lệnh 59 triệu đơn vị ngay trong phiên sáng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1.4, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100 triệu đơn vị và đón cửa ở mức giá 10.850 đồng/cổ phiếu, giảm 1,36% so với phiên trước.

Trong khi đó, tại hai phiên giao dịch liền trước đó ngày 30 và 31.3, cổ phiếu FLC liên tục giảm kịch sàn với khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ bằng 1% khối lượng khớp lệnh trong phiên ngày 1.4 (thanh khoản tăng đột biến gấp 100 lần).

Cổ phiếu FLC vẫn giảm trong phiên 1.4 như có khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng đột biến.

Cổ phiếu FLC vẫn giảm trong phiên 1.4 như có khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng đột biến.

Cũng theo Tập đoàn FLC, trong tối 31.3, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu của tập đoàn này, thậm chí còn có tin Chủ tịch HĐQT mới của FLC là ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC.

"Ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC là thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cổ đông FLC và các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu này. Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp; làm mất an ninh, an toàn của thị trường; gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin đối với thị trường chứng khoán của nhiều nhà đầu tư" – văn bản của FLC nêu rõ.

Cũng theo tập đoàn này, việc phát sinh nhiều dấu hiệu bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch 1.4 đối với cổ phiếu FLC có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của tập đoàn FLC và sự ổn định của thị trường. Việc tiếp tục có những dấu hiệu bất thường nói trên sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của tập đoàn FLC, tiềm ẩn rõ ràng nguy cơ gây thiệt hại cho cổ đông của công ty.

Do đó, Tập đoàn FLC kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, làm rõ những dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1.4 đối với cổ phiếu FLC, nhanh chóng có biện pháp nhằm ổn định thị trường và hạn chế tối đa thiệt hại cho cổ đông, nhà đầu tư.

Tập đoàn này cũng kiến nghị Ủy ban chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định, bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch 1.4.

Đồng thời, tập đoàn này cũng kiến nghị xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày hôm nay nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Kết thúc phiên giao dịch 1.4, theo ghi nhận, cổ phiếu FLC đã không còn giảm sàn như 2 phiên trước, trong khi nhiều cổ phiếu khác thuộc nhóm này thậm chí còn tăng trần như AMD, ROS, ART, HAI, KLF…

T.Phương – S.Nhung (Người Lao Động)

T.H

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khan-truong-dieu-tra-nhung-ca-nhan-giup-trinh-van-quyet-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-34360.html