Khẩn trương giải quyết những thủ tục hành chính tồn đọng ở các sở, ngành, địa phương

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tại hội nghị phân tích đánh giá kết quả và các giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tổ chức vào chiều nay 29/6. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến tham dự hội nghị.

 Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực, địa phương mình quản lý-Ảnh: T.T

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực, địa phương mình quản lý-Ảnh: T.T

Đề xuất giải pháp nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị các sở, ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu và theo dõi các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI báo cáo kết quả thực hiện trong năm 2021, làm rõ các chỉ số thành phần, phân tích nguyên nhân vì sao điểm số một số chỉ số thành phần giảm để đại biểu tham dự hội nghị hiểu rõ và dự kiến phấn đấu trong năm 2022 nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Năm 2021, điểm thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh được Hội đồng Trung ương thẩm định đạt 55,86/60,5 điểm (tăng 2,67 điểm và tăng 11 bậc so với năm 2020), 4/8 lĩnh vực theo bộ tiêu chí đánh giá chỉ số PAR INDEX được cải thiện, gồm: Công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính, công tác tài chính công. Một số nội dung thành phần của chỉ số PAPI tăng điểm so với năm 2020. Đặc biệt điểm đạt được của chỉ số PAR INDEX và SIPAS năm 2021 cao nhất trong 6 năm gần đây, từ 2016 - 2021.

Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như 3 hợp phần của chỉ số PAR INDEX có kết quả xếp thứ hạng kém hơn năm 2020, gồm: Kết quả tác động đến phát triển KT - XH, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, ý kiến đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo cấp sở, lãnh đạo cấp phòng thuộc sở và lãnh đạo UBND cấp huyện về hiệu quả của các lĩnh vực CCHC.

Cùng với việc chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế nêu trên, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất hướng xử lý đối với tình trạng chậm giải quyết hồ sơ thủ tục đất đai tại một số đơn vị trực thuộc là đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC, nhất là giải quyết TTHC vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua hàng năm để xếp loại.

Sở Tài chính đề xuất một số giải pháp khắc phục việc giảm điểm các tiêu chí trong thực hiện cải cách tài chính công, trong đó đáng chú ý là đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thành giải ngân theo kế hoạch được giao năm 2022.

Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ giải pháp nhằm chú trọng thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC trên cơ sở đánh giá năng lực đáp ứng về cơ sở vật chất, nhân lực của cơ quan hành chính nhà nước và khả năng đảm nhận nhiệm vụ này của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ....

Không để tình trạng hồ sơ trễ hạn tăng

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu các cấp ủy đảng, lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã nâng cao trách nhiệm cá nhân, không để tình trạng hồ sơ trễ hạn tăng tại đơn vị, địa phương quản lý. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cụ thể để đảm bảo tỉ lệ hồ sơ liên quan đất đai ở cấp huyện đúng hẹn và trước hẹn đạt từ 97% trở lên và chịu trách nhiệm về hoàn thành mục tiêu này.

Đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể nâng cao tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến theo các mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Chỉ đạo đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến và số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính ở các đơn vị, địa phương vì hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đạt tỉ lệ còn rất thấp. Giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung cụ thể về chuyển đổi số.

Yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực, địa phương mình quản lý và xác định mục tiêu, kết quả cụ thể, những nhiệm vụ, sáng kiến mang tính đột phá nhằm tăng điểm và tăng xếp hạng các chỉ tiêu. Sở Tư pháp chú trọng nâng cao hiệu quả về rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát. Sở Nội vụ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, chấm điểm CCHC, hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

Phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện phần mềm chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện từ năm 2022, tham mưu UBND tỉnh những biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao điểm số đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các cấp trước khi Bộ Nội vụ tiến hành lấy ý kiến.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=168427&title=khan-truong-giai-quyet-nhung-thu-tuc-hanh-chinh-ton-dong-o-cac-so-nganh-dia-phuong