Khẩn trương gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ

Báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang, tiến độ gieo cấy lúa mùa đang rất chậm, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu mùa vụ, công tác dự báo, phòng trừ sâu bệnh hại. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương đôn đốc người dân khẩn trương tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất.

Theo như mọi năm thời điểm này, hầu hết diện tích lúa mùa đã bén rễ hồi xanh, trà sớm đã bước vào chăm sóc đợt 1, tuy nhiên tại nhiều địa phương, người dân mới đang bước vào gieo cấy, thậm chí là đang làm đất.

Gia đình ông Lương Văn Hải, thôn Kai Con, xã Nhân Mục đang chạy đôn chạy đáo thuê máy làm đất, chuẩn bị để gieo cấy lúa mùa. Ông Hải chia sẻ, làm nông là nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống nhưng năm nay thời tiết quá khắc nghiệt, suốt thời gian dài không có mưa nên ruộng cứ nứt nẻ vì thiếu nước. Giữa tháng 6, những trận mưa mới xuất hiện, gia đình đã tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, thuê máy làm đất đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo xuống giống kịp thời vụ.

Người dân thôn Oăng, xã Đạo Viện (Yên Sơn) đổi công nhau để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa.

Người dân thôn Oăng, xã Đạo Viện (Yên Sơn) đổi công nhau để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa.

Hầu hết các hộ nông dân ở các xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương); Kim Phú (TP Tuyên Quang)... cũng chưa thể cho mạ xuống đồng vì thiếu nước. Bà Nông Thị Mến, xóm 2 xã Kim Phú cho biết, cũng biết làm sớm, cây lúa sẽ sinh trưởng phát triển tốt nhưng vì thiếu nước không thể cày, bừa được nên cũng đành chịu. Theo bà Mến, từ ngày 20 đến 25-6 trời có mưa, đồng ruộng có nước, gia đình mới thuê máy làm đất, giờ đang chờ mạ đủ tuổi là cho ra đồng.

Theo báo cáo sơ bộ của các huyện, thành phố, đến ngày 3-7, diện tích làm đất là 22.900 ha, trong đó gieo cấy lúa mùa được khoảng 12.600 ha, đạt 51,3% kế hoạch, chậm hơn so với những vụ mùa trước.

Phân tích của các kỹ sư nông nghiệp, có 2 nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa mùa. Đó là năm nay tác động mạnh của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biết rất phức tạp, các đợt nắng nóng xuất hiện khốc liệt hơn và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Cường độ nắng nóng gay gắt hơn rất nhiều, nhiệt độ trung bình ghi được trong các đợt nắng nóng lên đến 37 - 38 độ C, có nơi trên 39 - 40 độ C, cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 - 1,5 độ C. Nắng nóng kéo dài đồng nghĩa với lượng mưa thấp. Theo số liệu thống kê của ngành Khí tượng và Thủy văn, tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm đo được phổ biến thấp hơn từ 30-70% so với trung bình nhiều năm. Nước không được bổ sung, trong khi các hồ chứa sau sản xuất vụ xuân đã dần cạn kiệt, hầu hết dưới mực nước chết không thể bơm, điều tiết để phục vụ sản xuất cho vụ mùa. Một nguyên nhân nữa là do năm nay nông lịch nhuận tháng 2 dẫn đến tâm lý của nhiều người nông dân không vội trong sản xuất. Anh Trần Doãn Sông, thôn Liên Kết, xã Hòa An (Chiêm Hóa) cho biết, thường ngoài rằm tháng 5 âm lịch mới gieo cấy trà lúa sớm và cuối tháng 5 âm lịch mới trà chính, năm nay nhuận nên cũng không vội.

Mưa xuống ruộng đủ nước người dân xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) ứng dụng cơ giới hóa làm đất gieo cấy lúa mùa.

Mưa xuống ruộng đủ nước người dân xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) ứng dụng cơ giới hóa làm đất gieo cấy lúa mùa.

Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, đảm bảo đủ diện tích gieo trồng cây vụ đông ưa ấm trên ruộng 2 vụ lúa theo kế hoạch, đồng thời hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra, Chi cục đã có văn bản gửi đến các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường cán bộ xuống cơ sở, đôn đốc tập trung nhân lực vệ sinh đồng ruộng, ứng dụng cơ giới hóa đẩy nhanh tiến độ làm đất, xuống giống sớm. Ông Thanh khuyến cáo, trước khi gieo cấy người dân nên sử dụng các chế phẩm sinh học (Sumitri, Trichoderma, AT Bio-Dercomposer,...) để xử lý rơm, rạ, tàn dư thực vật, giảm ngộ độc hữu cơ cho lúa sau cấy; thực hiện ngâm, ủ, gieo mạ đúng kỹ thuật (chú ý thay nước, rửa chua, đảo hạt thường xuyên để hạt nảy mầm tốt, không bị thối hỏng, nhất là vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao); gieo mạ thưa, giữ đủ ẩm để hạn chế tác động của nắng nóng, đảm bảo mạ đủ tiêu chuẩn cấy hết diện tích trong khung thời vụ tốt nhất; tăng cường bón lót phân chuồng hoai mục, phân lân, phân NPK hoặc phân phức hợp trước khi bừa cấy lần cuối. Khi thời tiết nắng nóng xảy ra cần giữ nước ngập chân ruộng mạ, không bón đạm cho mạ và lúa non mới cấy...

Các kỹ sư nông nghiệp cho rằng, đợt mưa “vàng” diện rộng từ ngày 20 đến 25 tháng 6 đã cung cấp lượng nước dồi dào, ruộng đồng đã được no nước. Người dân cần tập trung tối đa nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ làm đất, đảm bảo gieo cấy lúa mùa trà chính vụ xong trước ngày 10-7, trà muộn trước ngày 20-7 theo đúng khung thời vụ. Các ban quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo dõi sát sao đồng ruộng, thực hiện điều tiết nước hợp lý tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/khan-truong-gieo-cay-lua-mua-trong-khung-thoi-vu-176895.html